Thổ Nhĩ Kỳ tấn công Syria: Điểm nóng mới ở Trung Đông

10-10-2019 13:53 | Quốc tế
google news

SKĐS - Mỹ vừa “rút chân” khỏi chiến trường Syria, thì cũng là lúc Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu nổ những phát súng đầu tiên tấn công khu vực biên giới với Syria với tên gọi Chiến dịch Mùa xuân hòa bình, báo hiệu một cuộc chiến mới, có thể vẽ lại bản đồ ở khu vực. Mới đây nhất, Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa bộ binh vượt qua biên giới vào khu vực đông bắc Syria.

Lý do khiến Mỹ muốn “ra đi đầu không ngoảnh lại” ở Syria

Quyết định rút hoàn toàn lực lượng  khỏi Syria, bỏ mặc các đơn vị vũ trang người Kurd mà Mỹ từng hậu thuẫn từ trước đến nay  khiến tình hình ở Syria như trong “chảo lửa”.  Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ngay lập tức nổ những phát súng đầu tiên, “tặng” cho khu vực biên giới Đông Bắc Syria những  trận mưa bom.

Theo Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, đây là hành động nằm trong chiến dịch “Mùa xuân hòa bình” nhằm “ hủy diệt hành lang khủng bố và kiểm soát các vùng lãnh thổ do các lực lượng thuộc đảng Công nhân người Kurd  (PKK) kiểm soát".  Các cuộc tấn công vào phía Đông Bắc Syria nhằm vào nơi đồn trú của các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) vốn bị Ankara liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố. Đến nay, đã có 181 “cơ sở khủng bố” tại Syria đã trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công, đụng độ đã xảy ra giữa hai bên.

Khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ Syria - chảo lửa tiếp theo ở Trung Đông.

Lực lượng người Kurd kiểm soát gần 30% lãnh thổ Syria ,  Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại rằng một thực thể ủng hộ PKK ở biên giới sẽ trở thành bệ phóng cho các cuộc tấn công vào Thổ Nhĩ Kỳ trong tương lai, đồng thời  với cuộc tấn công ở Đông Bắc Syria,  Ankara  muốn trục xuất những người tị nạn Syria ra khỏi Thổ Nhĩ Kỳ, tái định cư họ trong một "vùng an toàn" ở miền Bắc Syria.

Kế hoạch về một “vùng an toàn” để làm nơi trú ngụ cho người Syria tị nạn vốn là kế hoạch mà Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã thống nhất trước đây, tuy nhiên giờ đây, Mỹ đã “quay 180 độ”  bỏ mặc Thổ Nhĩ Kỳ cũng như đồng minh PKK được Mỹ hậu thuẫn trước đây.  Thậm chí,  chính quyền Mỹ  tuyên bố sẽ không can dự vào tình hình chiến sự ở phía Bắc Syria, kể cả hỗ trợ đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến mà họ phát động.

Hình ảnh nhìn từ biên giới Thổ Nhĩ Kỳ sang Syria

Chia sẻ về quyết định rút quân “gây bão” của mình, Tổng thống Mỹ D.Trump cho biết, Mỹ nhẽ ra đã không nên đến Trung Đông ngay từ đầu. Ông viết  Tweet rằng , việc đưa quân đội Mỹ đến can thiệp ở khu vực này là “quyết định tồi tệ nhất từng được đưa ra trong lịch sử đất nước”.  Mỹ sẽ không đổ thêm tiền để hậu thuẫn người Kurd hay cuộc chiến mà “không mang lại lợi ích cho nước Mỹ”.

Quyết định của Tổng thống Mỹ  gây ra một làn sóng phản đối tại Mỹ. Những người phản đối cho rằng, ông D.Trump không chỉ hy sinh đồng minh là lực lượng người Kurd (luôn song hành cùng Mỹ trong cuộc chiến chống lực lượng khủng bố IS tại  Syria)  mà còn làm giảm uy tín của Mỹ ở khu vực.  Dư luận cho rằng đây là hành động “đem con bỏ chợ” của Mỹ, có thể khiến Syria lún sâu vào một cuộc chiến tranh mới, trong khi cuộc nội chiến kéo dài 8 năm qua ở Syria chưa có lối ra.

Hàng đoàn xe quân sự tiến vào khu vực bên kia biên giới, vào vùng thuộc Syria

Điều tồi tệ nhất có thể đến với khu vực Đông Bắc Syria

Đây là cảnh báo sắc lạnh của Liên hợp quốc khi  Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành tấn công quân sự  ở miền Bắc Syria đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế. Cuộc chiến này có thể gây ra một thảm họa nhân đạo tồi tệ trong lịch sử bởi hiện có hàng triệu người đang sống tại đây.

Ngay sau những giờ đầu hứng các trận pháo kích từ Thổ Nhĩ Kỳ, các phóng viên quốc tế tại hiện trường cho biết, các cuộc tấn công đã gây ra một khunh cảnh hoảng loạn tột độ, người dân  bắt đầu hành trình rời đi với đồ đạc của họ bằng việc đi bộ, đi ô tô hay xe kéo. Liên minh châu Âu (EU) yêu cầu Ankara ngừng ngay các cuộc tấn công và cho rằng các cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền bắc Syri có thể khiến khu vực trở nên bất ổn, kích động một làn sóng người tị nạn mới tới châu Âu.

Những đoàn xe di tản của người dân Syria

Về phần mình Chính phủ Syria đã lên tiếng phản đối hành động leo thang quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ, họ cho rằng, đây là hành động xâm phạm lãnh thổ, là "sự vi phạm trắng trợn" luật pháp quốc tế và cam kết sẽ đẩy lùi cuộc tấn công.

Hầu hết các quốc gia chỉ trích  cuộc tấn công mà Thổ Nhĩ Kỳ phát động, đồng thời cho rằng nó sẽ ảnh hưởng tới các tiến trình chính trị nhằm chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài ở Syria. Hội đồng Bảo an LHQ khẳng định không thể có giải pháp quân sự cho cuộc xung đột tại Syria. Một khi chiến tranh xảy ra, người dân Syria mới chính là những người gánh chịu hậu quả trực tiếp.


Hải Yến
Ý kiến của bạn