Thổ Nhĩ Kỳ mở rộng chiến dịch tấn công Bắc Syria: Những nguy cơ mới tại Trung Đông

29-01-2018 08:12 | Quốc tế
google news

SKĐS - Trong một diễn biến mới nhất, ngày 27/1, Mỹ đã thông báo sẽ ngừng cung cấp vũ khí cho Lực lượng Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) tại Syria. Dù vậy, chiến dịch quân sự mang tên “Nhành ô lưu” của Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục được mở rộng. Liệu Thổ Nhĩ Kỳ có bị “sa lầy” vào một cuộc chiến mới tại Syria? Liệu quan hệ đồng minh Mỹ- Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đẩy tới những nấc thang căng thẳng nào? Cục diện Trung Đông những ngày tới sẽ ra sao?

Cách đây hơn một tuần (ngày 20/01), quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu chiến dịch quân sự quy mô lớn mang tên "Nhành Ôliu" với sự tham gia của 72 máy bay và hơn 8000 tay súng thuộc lực lượng Quân đội Syria Tự do do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn. Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố chiến dịch này nhằm đánh bật lực lượng Bảo vệ người Kurd khỏi vùng Afrin, bắc Syria. Đến thời điểm này xe tăng và binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đã tràn qua biên giới Syria, tiến vào khu vực Afrin do lực lượng Bảo vệ người Kurd kiểm soát. Hàng chục người đã thiệt mạng và bị thương trong chiến dịch tấn công “Nhành Ooliu”, trong đó chủ yếu là dân thường.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ tấn công lực lượng người Kurd ở miền Bắc Syria đã khơi lên nhiều tiếng nói phản đối trong dư luận quốc tế. Dù vậy, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn quyết tâm triển khai chiến dịch này. Theo giới phân tích, với chiến dịch “Nhành Ôliu”, Thổ Nhĩ Kỳ nhắm tới nhiều mục đích. Thứ nhất, tiêu diệt hoàn toàn lực lượng người ở Bắc Syria, hạn chế người Kurd mở rộng lãnh thổ, nhất là các nhóm được cho là liên kết với Đảng Công nhân người Kurd (PKK), vốn bị Thổ Nhĩ Kỳ coi là khủng bố và cấm hoạt động ở nước này. Thứ hai, Thổ Nhĩ Kỳ muốn đối trọng lại lực lượng an ninh biên giới do Mỹ vừa thành lập, trong đó nòng cốt là lực lượng Bảo vệ người Kurd. Bởi tuyên bố của Mỹ trước đó về việc thành lập lực lượng an ninh biên giới ở Syria được cho là giọt nước tràn ly, khiến Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại và hành động quyết liệt hơn. Thứ ba, chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ lần này còn nhằm giải quyết các nguy cơ chính trị trong nước khi các đảng phái người Kurd đang trỗi dậy và gây ra các mối đe dọa về an ninh thực sự.

Một cuộc chiến mới?

Với 20 - 30 triệu dân, người Kurd sinh sống tại khu vực miền núi trải dài dọc theo biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Iran và Armenia. Là nhóm sắc tộc lớn thứ tư ở khu vực Trung Đông, nhưng người Kurd chưa từng có một nhà nước độc lập của riêng mình. Sau chiến tranh Thế giới lần thứ 2, tại Hội nghị Hòa bình San Francisco  năm 1945, đại diện người Kurd đã đề nghị các nhà lãnh đạo đồng minh xem xét lãnh thổ của họ, gọi là Kurdistan, kéo dài từ bờ biển Địa Trung Hải gần Adana đến bờ vịnh Ba Tư gần Busher và bao gồm cả các khu vực có người Kurd ở Lur Zagros. Tuy nhiên, đề nghị này không được chấp thuận. Chính vì thế, người Kurd luôn nuôi hy vọng một ngày nào đó có thể thành lập một nhà nước của riêng mình ở Trung Đông. Vì thế, việc Mỹ hậu thuẫn cho lực lượng người Kurd ở  Syria, hay việc người Kurd ở Iraq trưng cầu ý dân thời gian gần đây, khiến Thổ Nhi Kỳ hết sức lo ngại. Và đây cũng là một lý do khiến Thổ Nhĩ Kỳ tấn công trực diện vào miền Bắc Syria, bất chấp những chỉ trích của cộng đồng quốc tế.

Thổ Nhỹ Kỳ tiến hành chiến dịch “Nhành Oliu” khiến dư luận khu vực lo ngại.

Thổ Nhỹ Kỳ tiến hành chiến dịch “Nhành Oliu” khiến dư luận khu vực lo ngại.

Vậy, khi chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết tấn công vào miền Bắc Syria, thì điều gì sẽ xảy ra? Dưới góc nhìn phân tích, chiến dịch “Nhành Ôliu” của Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến tình hình Syria vốn phức tạp nay lại càng thêm phức tạp. Nếu chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng đây là một “cuộc đấu tranh dân tộc”, một cuộc chiến chống lại những kẻ khủng bố, thì Mỹ- với vai trò nhà bảo trợ cho lực lượng người Kurd - thì hành động của Thổ Nhĩ Kỳ chả khác nào “nhằm vào Mỹ”. Đây được cho là một mối “đe dọa” đối với tham vọng của Mỹ áp đặt ảnh hưởng tại khu vực thông qua việc ổn định và tái thiết khu vực Đông Bắc rộng lớn của Syria.  Xin nhắc lại rằng nếu quan hệ đồng minh Mỹ – Thổ Nhĩ Kỳ vốn chẳng mấy tốt đẹp thời gian qua, thì nay với việc hai bên cùng đối đầu nhau tại Syria, có thể khiến quan hệ Mỹ- Thổ, 2 thành viên của NATO, rơi xuống mức “chạm đáy” do xung đột quan điểm.

Trên thực tế, đối với Mỹ, việc nâng cao sức mạnh và vị thế cho người Kurd ở Trung Đông nhằm khống chế Syria, Iraq, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ là một chiến lược nhất quán được chính quyền Mỹ thực thi qua nhiều thập kỷ, đây là điều mà kể cả Tổng thống khó đoán như ông Donald Trump cũng không thể loại bỏ. Theo các chuyên gia, việc xây dựng chính quyền mới thân phương Tây ở Syria là mục đích cuối cùng của Mỹ. Người Kurd ở Syria là quân bài đối lập quan trọng nhất của Mỹ ở Syria bởi họ là lực lượng duy nhất có thể đối chọi được với chính quyền của Tổng thống Al Assad về chính trị lẫn quân sự. Do đó, chiến dịch tấn công quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ vào miền Bắc Syria sẽ phá bỏ tính toán của Mỹ, khiến quan hệ Mỹ- Thổ đã “chạm đáy”- nay càng căng thẳng.

Người Kurd ở Bắc Syria đang trở thành một điểm nóng xung đột mới

Người Kurd ở Bắc Syria đang trở thành một điểm nóng xung đột mới

Về phần mình, với chiến dịch “Nhành Ô-liu”, Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đang đánh một canh bạc nhiều may rủi nếu cuộc chiến này không thể kết thúc ngày một ngày hai. Dù Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố, chỉ khi nào người Syria tỵ nạn ở Ankara có thể hồi hương, Thổ Nhĩ Kỳ mới chấm dứt tấn công quân sự, nhưng chính chiến dịch “Nhành Ôliu” cũng đang khiến hàng nghìn người Syria bị mất nhà cửa. Theo số liệu thống kê mới nhất của Liên hợp quốc, chỉ 3 ngày đầu của chiến dịch quân sự này, khoảng 5.000 người người Syria đã mất nhà cửa. Về phía người Kurd ở Syria, lực lượng này đã chính thức đưa ra lời kêu gọi người dân chống lại sự “xâm chiếm” của Thổ Nhĩ Kỳ với khẩu hiệu “mọi người dân hãy cầm súng”. Do đó, khả năng một cuộc chiến đẫm máu và dai dẳng hoàn toàn có thể xảy ra và điều này sẽ khiến quân đội Thổ Nhĩ Kỳ dễ bị sa lầy vào chiến trường Syria điểm nóng bất ổn nhất khu vực trong suốt 7 năm qua.

Dẫu vậy, tia hi vọng về việc “chấm dứt chiến dịch quân sự” của Thổ Nhĩ Kỳ hiện vẫn còn, khi mà các cường quốc (trong đó có Mỹ) vẫn đang cố gắng tìm kiếm cơ hội đối thoại với Thổ Nhĩ Kỳ. Trong một động thái mới nhất, Mỹ tuyên bố sẽ ngừng cung cấp vũ khí cho Lực lượng Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) tại Syria. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng thừa nhận sẽ không để quân đội nước này phải đối đầu với bất cứ lực lượng tham chiến nào tại Syria, bao gồm Nga, Mỹ và chính phủ Syria.


N.Minh
Ý kiến của bạn