Thổ Nhĩ Kỳ-EU: Mối quan hệ "bên bờ vực"

18-04-2017 10:30 | Quốc tế
google news

SKĐS - Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan hôm thứ 2 tuyên bố phe đồng ý sửa đổi Hiến pháp đã giành được 51,5% số phiếu ủng hộ trong cuộc trưng cầu ý dân nhằm nhằm gia tăng quyền lực cho Tổng thống. Kết quả này sẽ tạo điều kiện cho ông Erdogan tại nhiệm ít nhất đến năm 2029. Tuy nhiên, nó cũng khiến cho mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-EU “đứng bên bờ vực”.

"Lần đầu tiên trong lịch sử của mình, Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định về một sự thay đổi quan trọng bằng ý chí của Quốc hội và nhân dân. Lần đầu tiên tiên trong lịch sử của nước Cộng hòa, chúng ta sẽ thay đổi hệ thống cầm quyền của mình thông qua nền chính trị dân sự", Tổng thống Erdogan nói sau khi kết quả cuộc trưng cầu ý dân được công bố.

Trước đó, hãng thông tấn nhà nước Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin, tỷ lệ cử tri ủng hộ sửa đổi Hiến pháp trong cuộc trưng cầu ý dân đạt 51,3% chỉ nhỉnh hơn 1,3 triệu phiếu sau khi 99% số phiếu được kiểm. Theo kết quả kiểm phiếu trên, chức danh Thủ tướng sẽ bị bãi bỏ, thay vào đó là Tổng thống - người đứng đầu nhà nước mang tính nghi thức - sẽ trở thành người điều hành Chính phủ, được ban hành các sắc lệnh, ban bố tình trạng khẩn cấp và đề xuất các khoản thu chi ngân sách. Điểm quan trọng nhất, Tổng thống Erdogan có thể nắm giữ quyền lực tới tận 2029 - nếu như ông chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2019 và năm 2024.

Biểu tình phản đối kết quả trưng cầu hiến pháp nổ ra ở nhiều thành phố lớn tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Những thay đổi trong bản dự thảo cải cách Hiến pháp được cho là sẽ biến ông Erdogan thành một “siêu Tổng thống” cả về quyền lực và thời gian tại vị. Đây là điểm khiến phe đối lập tại Thổ Nhì Kỳ và không ít người dân nước này lo ngại. Nhiều ý kiến cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang đứng trước những phân rẽ sâu sắc. Tỷ lệ 51,5% ủng hộ thay đổi hiến pháp và  48,5% nói không là một ví dụ. Trong số những người “nói không”, có người dân 3 thành phố lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có Istabul do lo ngại, dự luật sửa đổi Hiến pháp sẽ làm nảy sinh tình trạng chuyên quyền, độc đoán, phá vỡ các nền tảng truyền thống lâu đời, khiến Thổ Nhĩ Kỳ rời xa các giá trị dân chủ kiểu phương Tây.

Bất ổn và chia rẽ đã gia tăng ngay sau khi kết quả bầu cử được công bố. Đảng Nhân dân Cộng hòa (CHP), phe đối lập chính tại Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố, sẽ yêu cầu kiểm tra lại khoảng 60% số phiếu trong cuộc trưng cầu vì cho rằng Ủy ban bầu cử đã sai sót, để nhiều lá phiếu không được dán tem theo quy định.Phó Chủ tịch PDP, ông Bulent Tezcan nghi ngờ khả năng nhiều phiếu bầu đã bị can thiệpvà cần hủy bỏ kết quả bầu cử để tránh những quan ngại của người dân.

Các giá trị châu Âu “sụp đổ”

Kết quả cuộc bỏ phiếu mang tính quyết định đối với mối quan hệ vốn đang căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Liên minh châu Âu (EU). Nó được cho là sẽ khoét sâu thêm những khác biệt giữa các nhà lãnh đạo EU và Thổ Nhĩ Kỳ. Ngay trước thềm cuộc trưng cầu ý dân,  Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố sẽ nhóm họp các quan chức cao cấp của chính phủ để xem xét lại tương lai quan hệ nước này và Liên minh châu Âu (EU). Hôm 17/4, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng đã tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ có thể tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc gia nhập EU. “ Họ đã tấn công Thổ Nhĩ Kỳ bằng tất cả các công cụ và phương tiện. Tuy nhiên chúng tôi vẫn quyết tâm đối phó với bất cử các cuộc tấn công nào. EU đang yếu dần về quyền lực cũng như về kinh tế”.

Thổ Nhĩ Kỳ chính thức đề nghị gia nhập EU vào năm 1987 và các cuộc đàm phán gia nhập liên minh này chỉ được bắt đầu vào năm 2005. Tuy nhiên, đàm phán đã bị gác lại 2 năm do vấn đề đảo Cyprus. Hồi tháng 11/2016, EP đã thông qua nghị quyết đóng băng các cuộc đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ cho đến khi nước này "ngừng chiến dịch trấn áp chưa từng có tiền lệ" liên quan tới vụ đảo chính quân sự bất thành nhằm lật đổ ông Erdogan hồi trung tuần tháng 7 năm ngoái. Nay, kết quả cuộc trưng cầu ý dân hôm 16/4 càng khiến EU lo ngại những gì đang diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ đi ngược lại các giá trị dân chủ của khối.

biểu tình

Kết quả trưng cầu ý dân khiến cho việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU thêm xa vời.


EU cũng đã tỏ thái độ thận trọng sau cuộc trưng cầu ý dân. Thủ tướng Áo Christian Kern cho rằng triển vọng về việc Ankara trở thành thành viên của Liên minh châu Âu (EU) đã bị chôn vùi. Thủ tướng Đan Mạch L.Lokke Rasmussen quan ngại về nội dung Hiến pháp sửa đổi sẽ tập trung quá nhiều quyền lực cho Tổng thống. Chính phủ Đức chính thức thông báo ủng hộ phe nói “không” với sửa đổi Hiến pháp. Áo thậm chí còn đề xuất các cử tri 2 quốc tịch bỏ phiếu ủng hộ sửa đổi Hiến pháp nên bị trục xuất khỏi châu Âu. “Quyền lực tuyệt đối cho Tổng thống Erdogan", biên tập viên Gerd Höhler của tờ Handelsblatt (Thương mại) Đức bình luận.

Một điều chắc chắn, cuộc trưng cầu ý dân về cải cách Hiến pháp lần này sẽ làm định hình lại mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ và Liên minh châu Âu (EU). Với những phản ứng tức thời từ châu Âu, có thể thấy mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-EU đang đứng trước nhiều nguy cơ. Tuy nhiên, xét trên thực tế, vì những ràng buộc lợi ích đan xen, nên EU-Thổ Nhĩ Kỳ vẫn sẽ phải níu kéo mối quan hệ trên va tìm một phương thức làm dịu bớt căng thẳng. Giới quan sát cho rằng hiện có 2 kịch bản có thể xảy ra trong mối quan hệ Thổ nhĩ Kỳ-EU. Thứ nhất, EU sẽ phải chủ động hạ nhiệt căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ, với việc nhượng bộ nhất định về chính trị ví dụ như cho phép Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục theo đuổi tiến trình gia nhập khối và kinh tế để đổi lại các lợi ích an ninh của khối, gồm vấn đề người di cư, cuộc chiến chống khủng bố. Thứ hai, EU sẽ phải tính toán đến việc rút lại các thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ, thay vào tự chủ động đảm bảo an ninh trong khối và tìm kiếm các biện pháp đàm phán nhằm làm giảm dòng người di cư.


N.Minh
Ý kiến của bạn