Hơn 3 triệu công dân Thổ Nhĩ Kỳ ở Đức, Áo, Bỉ, Pháp, Thụy Sĩ và Đan Mạch đã bắt đầu đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân về cải cách Hiến pháp từ hôm 27/3. Như vậy, Thổ Nhĩ Kỳ đang bước vào cuộc trưng cầu ý dân lịch sử nhằm gia tăng thêm quyền hạn cho Tổng thống. Tuy nhiên, EU lại không ủng hộ cuộc trưng cầu ý dân lần này.
Cuộc trưng cầu dân ý về cải cách Hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ nhằm mục đích chính là trao quyền hành pháp rộng rãi cho Tổng thống và chức vụ Thủ tướng sẽ bị hủy bỏ. Tổng thống sẽ được phép giữ quan hệ với một chính đảng. Các thay đổi khác gồm giảm độ tuổi tối thiểu cho ứng cử viên nghị sĩ xuống 18 và số nghị sĩ Quốc hội sẽ tăng lên 600 người. Tổng thống Tayyip Erdogan cho rằng những cải cách Hiến pháp này sẽ bảo đảm cho đất nước Thổ Nhĩ Kỳ phát triển ổn định.
Tại Bỉ, các điểm bỏ phiếu đã được thiết lập ở lãnh sự quán Thổ Nhĩ Kỳ tại Antwerp và Brussels. Theo phỏng vấn của hãng tin Reuters, đa số người Thổ Nhĩ Kỳ đang xếp hàng chờ bỏ phiếu tại Brussels trả lời rằng họ lựa chọn “có” để cải cách Hiến pháp.
Cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ ở Đức.
Cuộc trưng cầu ý dân lần này ngay lập tức đã gây sóng gió trong quan hệ EU - Thổ Nhĩ Kỳ. Bởi EU cho rằng những cải cách hiến pháp mà Thổ Nhĩ Kỳ đang xúc tiến sẽ tập trung quyền lực quá nhiều cho Tổng thống mà bỏ qua các giá trị dân chủ. Đây cũng là lý do khiến quan hệ EU và Thổ Nhĩ Kỳ căng thẳng tới mức gần chạm đáy trong thời gian qua, đặc biệt sau khi Hà Lan cấm không cho Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ “hạ cánh” để vận động cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ ở Hà Lan bỏ phiếu. Không chỉ có Hà Lan mà một loạt các quốc gia khác như Thụy Sĩ, Đức, quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang “trục trặc”.
Mới nhất là vụ biểu tình phản đối Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tại Bern (Thụy Sĩ). Sau khi triệu Tổng lãnh sự Thụy Sĩ tại Istanbul vào hôm 25/3, ngày 26/3, Ankara lại tiếp tục triệu Đại sứ Thụy Sĩ tại Thổ Nhĩ Kỳ, ông Walter Haffner tới để phản đối. Ankara lên án Thụy Sĩ đã cho phép tổ chức một cuộc biểu tình tại nơi xuất hiện những biểu tượng của Đảng Công nhân người Kurd (PKK), phản đối cuộc trưng cầu ý dân nhằm vào Tổng thống Tayyip Erdogan. Trước đó, căng thẳng Đức - EU ngày càng gia tăng khi Thủ tướng Đức Angela Merkel phản đối Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan lặp lại nhiều lần cáo buộc rằng Đức áp dụng “các phương pháp phát-xít” bằng cách cấm các cuộc mít-tinh của cộng đồng người Thổ tại Đức nhằm kêu gọi ủng hộ cho cuộc trưng cầu dân ý về cải cách hiến pháp. Thủ tướng Merkel cũng yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ ngừng vô điều kiện việc so sánh với Đức Quốc xã, đồng thời nhấn mạnh rằng Đức có quyền cấm các hành động tương tự trong tương lai nếu Ankara không tôn trọng luật pháp Đức.
Trước những cấm đoán của EU, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã tuyên bố sẽ xem xét lại tất cả các mối quan hệ chính trị và hành chính với Liên minh châu Âu (EU) sau cuộc trưng cầu ý dân. Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng EU, cụ thể là Đức và Hà Lan đang áp dụng chính sách phân biệt chủng tộc và bài Hồi giáo. Thậm chí, ông Recep Tayyip Erdogan cho biết có thể sẽ tiến hành cuộc trưng cầu ý dân tương tự như Brexit (cuộc trưng cầu đưa Anh rời khỏi Liên minh châu Âu), về việc liệu Ankara có nên tiếp tục theo đuổi tiến trình gia nhập EU hay không sau ngày 16/4 tới - sau khi cuộc trưng cầu ý dân diễn ra.
Thực tế cho thấy, quan hệ giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ luôn tồn tại những mâu thuẫn sâu sắc. Cho dù hợp tác an ninh và quan hệ kinh tế trở nên mạnh mẽ, nhưng những mâu thuẫn giữa hai bên về cái gọi là “những nền tảng quan trọng của dân chủ” theo tiêu chí của phương Tây ngày càng bộc lộ rõ nét, khiến “sóng lớn” luôn tồn tại trong quan hệ EU - Thổ Nhĩ Kỳ.
Khi Thổ Nhĩ Kỳ càng gần đến ngày trưng cầu ý dân về cải tổ Hiến pháp, cuộc chiến giữa EU - Thổ Nhĩ Kỳ càng có nguy cơ bùng phát mạnh. Việc Thổ Nhĩ Kỳ đe dọa hủy bỏ thỏa thuận với EU về giải quyết vấn đề người tỵ nạn có thể là “con bài cuối cùng” trong cuộc tranh cãi với EU. Tuy nhiên, lợi ích đan xen sẽ buộc hai bên phải tính toán lại các quân bài của mình. Theo giới phân tích, rất có thể sau cuộc trưng cầu ý dân về cải cách Hiến pháp lần này, cả EU và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải điều chỉnh lại thái độ của mình sao cho các bên không ai bị tổn hại.