Thơ lục bát đang thoái trào?

29-08-2013 08:08 | Văn hóa – Giải trí
google news

Từng làm mưa làm gió trên thi đàn Việt Nam trong nửa cuối thế kỷ XX, tiếp tục nổi lên như một trận mưa bóng mây những năm 2000, sau đó, ánh hào quang của thơ lục bát dường như kém tươi mặc dù vẫn có nhiều tác giả thử sức với thể thơ này.

Từng làm mưa làm gió trên thi đàn Việt Nam trong nửa cuối thế kỷ XX, tiếp tục nổi lên như một trận mưa bóng mây những năm 2000, sau đó, ánh hào quang của thơ lục bát dường như kém tươi mặc dù vẫn có nhiều tác giả thử sức với thể thơ này. Mới đây, tập thơ Trùng vây gồm 100 bài lục bát của nhà thơ Nguyễn Liên Châu do NXB Hội Nhà văn ấn hành ra đời tưởng ghi được dấu ấn nhưng lại tiếp tục chịu chung số phận với nhiều tác giả, tác phẩm thơ lục bát gần đây.

Thời huy hoàng đã xa

Những cái tên xuất sắc với thể thơ lục bát thế kỷ 20 có thể kể đến Nguyễn Bính, Tố Hữu, Thế Lữ, Trúc Thông, Huy Cận, Á Nam Trần Tuấn Khải, Trần Huyền Trân, Hoàng Cầm, Phạm Thiên Thư, Bùi Giáng, Du Tử Lê, Phạm Duy, Trần Mai Ninh, Võ Thanh An, Đoàn Thị Lam Luyến, Trần Đăng Khoa... Vào thời điểm này, thơ lục bát giống như một bảo bối của làng thơ Việt, ở đó, hồn vía, bản sắc của dân tộc được thể hiện uyển chuyển, rõ nét và đầy sức sống. Vần điệu nhịp nhàng, gần với lời ăn tiếng nói của người dân, thơ lục bát còn đi vào nhiều ngữ cảnh của cuộc sống thường ngày.

Thơ lục bát đang thoái trào? 1Nhà thơ Bùi Giáng.

Một lực lượng tác giả hùng hậu, có chiều sâu về ngôn từ, thấm nhuần được hồn thơ ý chữ đã tạo nên một “đế chế” lục bát với tiềm lực mạnh mẽ mà ít thể loại thơ nào có thể vượt mặt. Sở dĩ thơ lục bát có sức ảnh hưởng lớn như vậy là biết vận dụng sự dễ hiểu của tiếng Việt, nắm bắt được tâm tư, tình cảm của con người, thời đại. Những câu lục bát hay khiến tâm hồn con người thư thái, dễ chịu. Những cách tân thơ lục bát kiểu Du Tử Lê với cách dùng nhịp lẻ, nhịp chỏi, ngắt câu, xuống hàng, dùng dấu phẩy, dấu gạch nghiêng; Kiểu Bùi Giáng với cách đan cài  từ Hán Việt và thuần Việt, ngôn từ vừa trưởng thành vừa con trẻ; Kiểu Phạm Thị Ngọc Liên với cách ngắt dòng, thơ bậc thang...

Dù với sự cách tân đổi mới như thế nào, về cơ bản, thơ lục bát giai đoạn phát triển rực rỡ vẫn giữ được nguồn cội tươi mới, thể loại thơ mà từ già đến trẻ, từ thành thị đến nông thôn, người thượng lưu hay bình dân đều có thể ngâm nga không chán. Bất kể hiện tượng thơ tự do phương Tây có sự lấn sân làng thơ Việt một cách khá mạnh mẽ, đây cũng là thời kỳ vàng son trong sự nghiệp sáng tác của nhiều cây bút thơ lục bát tên tuổi. Điều này càng tái khẳng định sức hút của thơ lục bát với cả bộ phận người sáng tác và người thưởng thức.

Thoái trào đường dài

Nông thôn dần hiện đại hóa, sự du nhập của nhiều tư tưởng, ngôn ngữ, giá trị đạo đức và văn hóa mới vô tình làm phai nhạt phần nào sự son sắt của công chúng với thơ lục bát. Mặt khác, bộ phận tác giả trẻ viết thơ lục bát đều tay và có bản sắc cũng hao hụt nhiều. Ngoài nhà thơ Nguyễn Duy xuất hiện từ thời hoàng kim của lục bát vẫn tiếp tục theo đuổi và cho ra những sản phẩm có chất lượng, những cây bút thơ lục bát có nghề chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đó là Đồng Đức Bốn, Lê Đình Cánh, Phạm Công Trứ, Trần Ngọc Tuấn, chiếu dưới còn có Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Vũ Thanh Hoa... Tuy nhiên, để tạo nên bản sắc ghi nhớ trong lòng công chúng yêu thơ lục bát thì dường như chỉ duy nhất có mỗi cái tên Đồng Đức Bốn. Sự tha thiết, say mê của công chúng với thơ lục bát cũng không còn mặn mà như xưa, mặc dù các trang web thơ lục bát, thi thơ lục bát và cả lễ hội thơ lục bát vẫn được mọc lên nhan nhản.

Bên cạnh lý do thiếu nhân tố sáng tác nổi bật, việc xuất hiện những cây bút viết thơ vin vào lục bát để sản xuất hàng loạt những bài, những tập lục bát không có bản sắc đã phần nào làm nhạt nhòa chất lượng và cái nhìn của công chúng với một thể loại thơ từng được yêu mến đặc biệt. Những ý tình, câu từ, đề tài được phóng bút bừa bãi, na ná nhau khiến nhiều sản phẩm mang danh lục bát mà không khác gì những vần vè hoặc lởm chởm khó chịu hoặc trôi tuột khỏi cảm nhận của độc giả một cách nhanh chóng. Cũng không hiếm trường hợp tự xưng danh trong dòng thơ lục bát khi có đôi ba lời tung hô trong khi tìm được một câu thơ hay đúng nghĩa lục bát thật khó như mò kim đáy bể.

Vậy thơ lục bát đúng nghĩa phải như thế nào? Đó là một quá trình sáng tạo vừa gian nan, vừa nhẹ nhõm, người làm thơ lục bát vừa không được lên gân vừa không được dễ dãi. Thực tế đã cho thấy, càng có tâm hồn thuần Việt, hiểu biết lịch sử, yêu thương, gắn bó với quê hương đất nước thì khi viết thành thơ lục bát càng mượt mà, nôm na, dễ hiểu và dễ gây xúc động với nhiều người. Vừa tự nhiên, vừa mài giũa, làm thơ lục bát tưởng dễ nhưng để làm cho ra hồn, cho hay là một quá trình tìm tòi, học hỏi, thấm nhuần mà chỉ những người có tư duy, tâm hồn đặc biệt mới có được thành công.

Nhìn về con đường dài phía trước, thực sự chưa thấy được những tín hiệu đáng mừng về một thế hệ tiếp nối di sản thơ lục bát của cha ông để lại. Điều này vẫn khiến chúng ta băn khoăn, phải chăng thời thoái trào của một thể thơ làm đại diện dự cuộc giao lưu thơ toàn cầu của Việt Nam vẫn chưa thể có điểm dừng?

Ngữ Nam


Ý kiến của bạn