Tôi đọc tạp chí Văn nghệ Lâm Thao của Hội Văn học Nghệ thuật huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, trong số 1/2015, mục Văn nghệ dân gian, có bài Tổng Cóc - Hồ Xuân Hương, Danh truyền và thế tụng của tác giả Nguyễn Ngọc Tăng, khi ông cho rằng đó là mối tình của chuyện dân gian, chứ không có thật. Tôi rất hoan nghênh tác giả và bài viết vì tính khách quan của nó, không như nhiều người khác, cứ “nói lấy được” về bất cứ hiện tượng văn hóa hay lịch sử nào, bất chấp phải trái, như nhiều trang báo đã có hiện nay. Đặt Thơ Hồ Xuân Hương truyền tụng trong mối tương quan của văn học dân gian, được sáng tác cùng thời với các kiệt tác dân gian khác như Truyện Trạng Quỳnh, Truyện Trạng Lợn, mà tác giả là các ông đồ cùng thời, mới thấy nó rất đặc sắc và ta không phải phiền toái, lúng túng khi viết về tiểu sử rất mù mờ, đầy mâu thuẫn của tác giả, về việc giải thích các hiện tượng trong đời Hồ Xuân Hương (thật)... bởi hơn 100 năm nay (từ 1913) ta cứ gán bừa cho nó các sự việc có thật ở ngoài nó... ví như chuyện Tổng Cóc lấy Hồ Xuân Hương, một Hồ Xuân Hương thật, là không có. Bà là vợ quan Tham hiệp trấn Yên Quảng (Quảng Ninh ngày nay) bị xử tử năm 1819 vì tội ăn hối lộ, dù bố ông ta là người có công “khai quốc” cho vua Gia Long. Điều đó còn ghi trong Thực lục của nhà Nguyễn, có bút phê của vua Minh Mạng, khi rà soát các vụ án tham nhũng thời Gia Long. Bà là tác giả của tập thơ Lưu hương ký mà ta thấy khác hẳn “thơ truyền tụng” được gán cho bà như nước với lửa.
Chân dung hư cấu về nữ sĩ Hồ Xuân Hương trên bìa sách Giai nhân dị mặc của học giả Nguyễn Hữu Tiến, 1916.
Căn cứ vào các tư liệu mới phát hiện mà người ta đã xác định được năm sinh của Hồ Xuân Hương là 1772, đặc biệt năm mất là 1822. Điều đó đã được dòng họ Hồ Quỳnh Đôi Nghệ An, quê hương bà, cho khắc vào tấm bia đá lớn, thờ ở ngay đầu làng. Nếu năm mất được xác nhận là 1822, thì nơi mất có thể có cơ sở, là chùa Giải Oan ở Yên Tử, vì cùng một nguồn tư liệu. Theo tư liệu trên (tôi có ghi trong sổ tay, nhưng lại quên không ghi xuất xứ, vì cách đây đã 40 - 50 năm, lúc ấy chả nghĩ mình sẽ viết bài về việc này làm gì. Nếu ai có tư liệu này thì xin bổ sung cho) sau khi chồng chết, bà đi tu ở Yên Tử và khi mãn tang chồng thì chết theo chồng ở đây. Trước khi bà mất, bạn thân của Nguyễn Du là Phạm Quí Thích còn đến thăm bà ở Yên Tử. Tuy nhiên, điều rất quan trọng này còn phải kiểm chứng thêm. Bà mất năm 1822, cũng năm đó, không biết trước hay sau khi bà mất, phủ Tam Đới, nơi ông Trần Phúc Hiển, chồng bà, từng làm tri phủ khoảng hơn 10 năm trước, mới đổi tên là phủ Vĩnh Tường. Vậy bài thơ Khóc ông Phủ Vĩnh Tường mà hàng chục năm nay ta cứ gán bừa cho bà là không phải của bà... Ấy là chưa kể, khi chồng chết vì án tử hình, liệu có bà vợ nào nỡ khóc chồng: “Cán cân tạo hóa rơi đâu mất/ Miệng túi càn khôn khép lại rồi” Ta hiểu cái “cán cân” kia và cái “miệng túi” ấy là cái gì rồi. Khóc thế không những vô văn hóa mà còn vô cả đạo lý nữa. Liệu anh em nhà chồng và con cháu có để cho bà ta “an toàn” mà “khóc” như thế chăng? Như vậy gán bài thơ khóc chồng ấy cho bà Hồ Xuân Hương thì quả thực là xúc phạm bà, làm hại bà.
Tập thơ duy nhất của Hồ Xuân Hương là Lưu hương ký. Theo bài Tựa của ông Tốn Phong viết, hiện vẫn còn in ở đầu sách, thì Hồ Xuân Hương nói rằng: “Đây là toàn bộ thơ của cuộc đời tôi từ trước đến nay”, trong đó không có bất cứ một bài nào trong số tất cả các bài thơ Nôm truyền tụng thường được gán cho bà. Như vậy, theo ý của chính bà, các bài thơ ở ngoài Lưu hương ký đều không phải thơ của bà. Bàn về thơ bà mà lại cứ đơn phương gạt ý kiến của bà ra thì rõ ràng là rất phi lý (TNM nhấn mạnh). Và ngày nay, chúng ta coi thơ truyền tụng kia không phải là thơ của bà, chính là tôn trọng bà vậy. Trong bài Tựa nói trên, viết tháng 3 năm Giáp Tuất (1814), Tốn Phong nhận xét, thơ Hồ Xuân Hương (thật) “xuất phát từ cảm hứng nhưng biết dừng lại ở phạm vi lễ nghĩa. Vui mà không đến nỗi buông tuồng... thơ đúng phép mà văn hoa...”. Đọc Lưu hương ký mới thấy Tốn Phong nhận xét thơ bà như thế là rất chuẩn xác. Giáo sư Trần Thanh Mại khẳng định: “Lưu hương ký là một tài liệu chân chính, đáng tin cậy, và trong trường hợp này, không thể có vấn đề, có kẻ nào đó muốn chơi khăm, làm ra tài liệu giả mạo để đánh lạc hướng nghiên cứu của chúng ta”. (Lưu hương ký và lai lịch phát hiện nó - Trần Thanh Mại, toàn tập, tập III. NXB Văn học, 2004).
Căn cứ vào lời Tựa của Tốn Phong: “Khi hỏi đến tên họ, mới biết cô ta là em gái ông lớn họ Hồ, đậu Hoàng giáp, người làng Hoàn Hậu, huyện Quỳnh Lưu”, từ đó, các nhà nghiên cứu mới bạch hóa được tiểu sử của Hồ Xuân Hương. Làng Hoàn Hậu nay là làng Quỳnh Đôi. Bà là con Hồ Sĩ Danh, chứ không phải con Hồ Phi Diễn, như các sách giáo khoa đã ghi từ mấy chục năm nay, vì Hồ Phi Diễn không có con đỗ Hoàng giáp và làm ông lớn. Hồ Phi Diễn và Hồ Sĩ Danh là anh em con chú con bác, lại rất xa nhau, kể ngược lên đến đời thứ 10 mới cùng một ông tổ. Bà là em ruột Hồ Sĩ Đống (1738 - 1785), con bà cả, đậu Đình nguyên, đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân, (tức Hoàng giáp), làm quan đến chức Tham tụng, tước Quận công, cùng với Bồi tụng Bùi Huy Bích, đứng đầu Chính phủ thời Trịnh Sâm và Trịnh Khải. Hồ Sĩ Danh (1706 - 1783), chỉ đậu Hương cống (tức Cử nhân), không ra làm quan, nhưng có con làm tể tướng, được phong tặng chức Hàn lâm thừa chỉ, hàm Thái Bào, một trong 3 tước cao nhất của triều đình.
Trong Hồ Xuân Hương - Bà chúa thơ Nôm (thực ra thì trước Xuân Diệu đến 30 năm - tính đến 1980 - năm kết thúc công trình nghiên cứu của Xuân Diệu), từ năm 1950, Lê Tâm đã gọi Hồ Xuân Hương là “Bà chúa thơ Nôm” trong tập sách do Nhà xuất bản Cây Thông, Hà Nội ấn hành (nhưng người ta cứ nghĩ danh hiệu này là do Xuân Diệu nêu ra đầu tiên). Xuân Diệu còn khẳng định: Đặc trưng để bà có lối thơ ám chỉ “cái ấy” của phụ nữ và “chuyện ấy” trong buồng kín, tạo thành đặc sắc, “có một không hai trong văn học Việt Nam, có lẽ trong văn học thế giới. Đó là một kỹ nữ”, mà các quyển Từ điển tiếng Việt đều ghi kỹ nữ là gái mại dâm (là làm đĩ).
Nhiều năm trước khi mất, chính Xuân Diệu cũng biết: Nhà thơ Xuân Hương họ Hồ Quỳnh Đôi, Nghệ An, vợ kế (chứ không phải vợ lẽ) quan Tham hiệp trấn Yên Quảng, từng yêu Cần Chánh đại học sĩ - Hầu tước Nguyễn Du, tác giả Truyện Kiều, chú ruột vợ vua Gia Long, em ruột tể tướng Nguyễn Khản, con ruột tể tướng triều trước Nguyễn Nghiễm... (tôi sẽ thưa lại điều này trong dịp sau), bản thân bà cũng tương tự, có anh con bà cả làm tể tướng, bố chồng hàm Thái Bảo, một trong ba tước cao nhất của triều đình, như đã nói trên, không phải là gái làm nghề... mại dâm. Trong nghiên cứu khoa học, cứ liệu nền tảng không vững vàng, ổn định, thì các luận điểm đưa ra chắc chắn không vững bền, dù tác giả của những luận điểm ấy là một người có uy tín rất lớn. Theo tôi, công trình rất nổi tiếng Hồ Xuân Hương, bà chúa thơ Nôm (danh hiệu mà Xuân Diệu dùng là lấy lại của Lê Tâm, đã in sách năm 1950) của Xuân Diệu là không có cơ sở khoa học, dứt khoát sẽ tự sụp đổ, chỉ có sớm hơn hay muộn hơn mà thôi.
Xuân Diệu biết điều này, tôi cũng sẽ thưa lại sau.