Hà Nội

Thơ hay sẽ là món “đặc sản” sạch của công chúng

30-04-2012 09:48 | Văn hóa – Giải trí
google news

Người đọc thời buổi này thường tìm đến thơ hay để đọc chứ mặc nhiên không ai phân biệt rằng thơ nào là thơ “cũ”, thơ nào là thơ “cách tân”?

(Nhân đọc tập thơ Hoan ca của Đỗ Doãn Phương - Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, 2011)

Người đọc thời buổi này thường tìm đến thơ hay để đọc chứ mặc nhiên không ai phân biệt rằng thơ nào là thơ “cũ”, thơ nào là thơ “cách tân”? Lâu nay có một nghịch lý là: Thơ được xuất bản ra (với các hình thức khác nhau) ngày càng nhiều nhưng người đọc lại ngày càng ít đi, bởi lẽ ít thơ hay? Chỉ có thơ hay mới thực sự là món “đặc sản” tinh thần của công chúng!...

Với thiện ý nhằm xác lập lại vị trí xứng đáng cho thơ trong đời sống của công chúng nên mọi người đang gắng sức “cách tân thơ”, cổ vũ, khuyến khích các tác giả có “thơ cách tân”...

Sau 3 năm không có thơ được tặng giải thưởng hằng năm, vừa qua, năm 2011, Hội Nhà văn Việt Nam đã tặng giải thưởng cho hai tập thơ: Hoan ca của Đỗ Doãn Phương và Ngày linh hương nở sáng của Đinh Thị Như Thúy.

Đón nhận hai tập thơ được giải văn chương, người đọc đã dành cho các tác phẩm này sự quan tâm và mong chờ được thụ hưởng từ đó những giá trị “chân, thiện, mỹ” đích thực của thơ!

Tôi đã đọc tập thơ Hoan cacủa Đỗ Doãn Phương với tâm thức ấy và xin được ghi lại ở đây những suy nghĩ của mình để cùng đông đảo bạn đọc bàn thảo thật vô tư, còn đối với tác giả thì coi đây là sự chia sẻ chân thành!

Tôi đọc liền mạch “Ba khúc niệm” của tập Hoan ca: Ngài ở trong ký ức tôi nhưng tôi không sao nhớ nổi mặt Ngài/Tôi nhận thấy đâu đó quanh tôi Ngài đang tồn tại/Tâm hồn tôi rối loạn/Khắp mặt đất chạy rông (Khúc 1).Bước chân trượt trên đá sỏi/Xuống sườn dốc lòng hồ/Nơi ấy nước nằm lõa lồ trên đất/Thèm được tan biến/Đồi nhả ra những viên đá/Và làm đau những đầu lưỡi sóng/Và làm rách toạc mặt nước (Khúc 2). Ngọn lửa nhú lên, hé mắt nhìn/Bốn phía thế gian ập vào nó/Không một tiếng kêu thét/Tắt phụt/Màu tro (Khúc 3). Ồ?... Tôi đọc đi đọc lại mà không hiểu được “Ba khúc niệm” kia nói về cái gì nhỉ? Tâm hồn tôi rối loạn/Khắp mặt đất chạy rông? Sao thơ bây giờ nó cao siêu thế? Nó bí hiểm thế? Hay là tác giả viết theo... cách thức “hiện đại” mà tôi chưa hiểu tới?...

 Buổi sinh hoạt của một Câu lạc bộ thơ.

... Tôi vẫn đọc tiếp những bài thơ không vần điệu, không tiết tấu, mong tìm được một điều gì mới mẻ từ trong đám ngôn từ không dễ hiểu kia? Nhưng càng đọc càng thấy mất tự tin ở độ thẩm thơ của mình?

Tác giả đã “cách tân” không những ở thể thơ “không vần”,“bố cục” dễ dãi mà còn “cách tân” ngay cả trong “lựa chọn chất liệu” để đưa vào thơ... Trong bài thơ Tặng con trai, Đỗ Doãn Phương viết: Cha dò tìm con từng ngày theo chu kỳ kinh/Cha tính tuổi con từng tuần từ kỳ kinh cuối. Thật là thú vị, “kinh nguyệt” cũng vào thơ, cũng thành thơ!... Nhà thơ đã nói với con trai, khi đứa con đi lớp mẫu giáo: Khi bố đi rồi, thế giới còn lại mình con/Con sẽ phải sống với những người hoàn toàn không hiểu con/Họ xa lạ, khó lường, có thể yêu con, hoặc ganh tỵ, thù ghét (Bài ca đưa con đi mẫu giáo). Có thể tôi chưa hiểu tác giả định triết lý điều gì đằng sau lời nói với con trai ở tuổi mẫu giáo nhưng người cha mà dặn dò con như vậy thì thật là khó tiếp nhận, khó noi theo!

Phần lớn những bài thơ trong Hoan ca đều không vần điệu, tất nhiên là không có câu nào ngâm nga được mà hầu hết giống như là những đoạn ghi chép kiểu nhật ký, những đoản văn diễn đạt khó hiểu, chữ nghĩa rối rắm như là đánh đố, chơi chữ nên đọc thơ để “thư giãn” mà lại rất mệt! Cho dù thật bình tâm, tỉnh táo cũng khó có thể tìm được một cảm xúc lạc quan từ những ý thơ, câu thơ trong Hoan ca! Nhiều người sau khi đọc đều thốt lên: Hoan ca thực sự là những dòng suy tư lập dị, ảm đạm của một nhà thơ trẻ tuổi!...

Đã là nhà thơ công dân thì trước hết phải làm tròn bổn phận công dân, phải có nghĩa vụ phục vụ cho mọi công dân khác trong xã hội, những người đã từng đổ mồ hôi sôi nước mắt để làm ra cơm áo nuôi sống chúng ta, trong đó có những nhà thơ! Vậy nhà thơ cần luôn phải tự hỏi rằng: “Ta viết cái gì?”, “Viết cho ai?”, “Viết như thế nào?” để công chúng đọc được, công chúng thực sự được hưởng thụ “sản phẩm” thơ ta làm ra? Công chúng sẽ đón đọc “thơ cách tân” như được thưởng thức một “đặc sản” tinh thần sạch?

Công bằng mà nói, trong tập Hoan ca không có bài thơ nào được xếp vào hạng bài thơ “mẫu”, xếp vào tinh hoa của “cách tân” thơ, theo tôi chỉ có 2 bài đọc được là: Ngày cô mất: Từ nhà ra cánh đồng/Là cánh đồng ngày nào cô tôi cũng đi làm lụng/Bây giờ là quãng đường dài nhất/Mọi người giúp cô tiền đò, tiền đường và bắc những cây cầu bằng vải đỏ”... “Những người quá cố đi lại trò chuyện nói cười/Khi trò chuyện vô tình họ làm sống lại những người đã sống khác/ Trong hồi tưởng của họ - không bao giờ chết” Lại chiêm bao thấy bà ngoại:Thường thấy bà áo manh nón lá/Khuôn mặt già tiều tụy khổ sở/Lần nào cũng khóc lóc, thở than/Lần xin quần áo, lần kêu đói...

Có lẽ khi viết những câu thơ này tác giả ở trong trạng thái tĩnh tâm nhất, ngòi bút không bị sự “cách tân hóa” hối thúc?

Trở lại với những bài thơ mang đậm màu sắc “cách tân” trên đây, tự dưng tôi thấy băn khoăn, lo lắng về hướng đi tới của “thơ cách tân”? và lại lẩn thẩn cho rằng, phàm những ai thường nghĩ ngợi thái quá về “cái chết”, mê sảng nhiều về “đường âm”, gặp nhiều cơn “ác mộng”, lòng dạ luôn “bất an”, đêm ngày lo sợ những điều bất trắc sẽ ập đến với mình và ngữ ngôn thì luôn biểu hiện rối loạn... thì đều là sự phát lộ không bình thường của sức khỏe tâm thần? là dấu hiệu “bệnh hoạn”?...

Đôi lúc tôi cảm thấy nghi ngờ chính mình? Hay là vì tuổi tác mà mình không cảm nhận được, không theo kịp được lối diễn đạt của “thơ cách tân”, kiểu thơ phương Tây hiện đại? Tôi bèn cất công đi tìm đọc những bài viết đánh giá, phê bình về tập thơ Hoan ca để may ra có thể tự lý giải cho sự băn khoăn lâu nay của mình về “thơ cách tân”.

... Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý: “Trường hợp Đỗ Doãn Phương (Hoan ca), khen quá lời!” và:“Thơ Đỗ Doãn Phương thủ tiêu tiết tấu, âm điệu thành ra kiểu thơ nói, ngang ngang. Thơ chỉ có ý chứ không nghe được “điệu tâm hồn” đâu cả... Anh vẫn chưa“vượt thoát” được khỏi không gian thơ chật chội và sự quẩn quanh đến ngột ngạt trong đám ngôn từ ít phát sáng”.

Nhà văn Nguyễn Khôi: Cách tân thơ nếu không có nội dung tư tưởng mới lạ, có tính tiên phong của thời đại (chứ không phải đi tắt đón đầu), được xã hội tự giác chấp nhận (chứ không phải là cưỡng bức áp đặt), mà chỉ nặng về phô bày chữ nghĩa theo những cách diễn đạt khác lạ với truyền thống thì cũng mới chỉ là cách điệu mà thôi...

Nhà lý luận phê bình Đỗ Ngọc Yên: Đọc cả 4 tập thơ được giải, tôi nhận thấy một điều rất rõ là dường như tất cả họ đều có chung một phong cách thơ “phi truyền thống”... Điều đáng nói là những bài thơ theo lối trẻ em “tập viết” như thế này trong Hoan ca của Đỗ Doãn Phương rất phổ biến!

Nhà thơ Đỗ Hoàng: Tôi có lướt qua nội dung tập Hoan ca, nó cũng là một loại “vô lối” đang thịnh hành,... Tập Hoan ca của Đỗ Doãn Phương không nên in vì nó làm hỏng tiếng Việt và thơ Việt...

Phải chăng những nỗ lực cổ vũ, khuyến khích và phát hiện những hiện tượng thơ “cách tân” như hiện nay là để thể hiện sự cố gắng vươn lên bắt kịp trào lưu thơ thế giới? Là góp phần phát huy và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc? 

Nguyễn Khắc Kình


Ý kiến của bạn