Hà Nội

Thơ hay để cõng về giời, khó thay!

29-03-2014 07:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Cứ đến ngày Rằm tháng Giêng, ngày Hội thơ Việt Nam, 50 câu thơ hay được bóng bay cõng về giời

Như một lẽ thường tình, từ nhiều năm nay, cứ đến ngày Rằm tháng Giêng, ngày Hội thơ Việt Nam là Ban tổ chức (BTC) phải chọn cho được 50 câu thơ hay để viết lên nhờ bóng bay cõng về giời - đó là màn kết đầy màu sắc và có ý nghĩa tượng trưng. Theo cách nói của Vanvn.net là: mang theo nhiều mong ước và hy vọng của người yêu thơ về một năm mới dồi dào sáng tạo. Tuy nhiên, tuyển chọn cho được những câu thơ hay, lại đúng chủ đề mà BTC yêu cầu là công việc nhọc nhằn và lắm trái ngang, bởi nếu không có tài thẩm thơ thì biết hay dở thế nào mà chọn. Oái oăm là khiếu thẩm thơ không phải ai cũng có, kể cả những nhà thơ có tên tuổi. Mới hay...

Thả thơ trong Hội thơ Giáp Ngọ 2014

Thả thơ trong Hội thơ Giáp Ngọ 2014

Từ khâu tuyển chọn

Theo cách làm thông thường từ nhiều kỳ Hội thơ Việt Nam đã diễn ra, Hội Nhà văn Việt Nam chỉ định vài ba người gồm những nhà thơ có uy tín trong làng thơ vào nhóm tuyển chọn, trong đó, một người làm Nhóm trưởng có tiếng nói quyết định. Các thành viên của nhóm đề xuất danh sách các nhà thơ thuộc nhiều thế hệ để tuyển chọn. Sau đấy, mỗi nhà thơ trong danh sách này được chọn một số bài, trong đó có một số câu thơ mà các thành viên trong nhóm cho là hay của nhà thơ ấy. Gộp tất cả những câu thơ được sơ tuyển lại đưa vào danh sách những câu thơ hay có thể được chọn để thả về giời.

Như năm nay, lọt qua vòng sơ tuyển có tất cả 130 câu thơ được nhóm tuyển chọn cho là hay. Cũng cần nói thêm rằng khái niệm câu thơ trong trường hợp này khá linh hoạt, có thể là 1 - 2 - 3 - 4 câu, phần lớn là 2 câu nên tạm gọi là một đơn vị câu thơ. Nhưng theo quy định của BTC, mỗi năm chỉ có 50 đơn vị câu thơ được thả và mỗi nhà thơ chỉ được chọn 1 đơn vị câu thơ. Điều ấy đã khiến cho các nhà tuyển chọn càng thêm đau đầu và lúng túng.

Quan niệm thế nào là câu thơ hay thường tùy thuộc vào gu thẩm mỹ, khiếu thẩm bình của mỗi thành viên trong nhóm tuyển chọn. Đối với thơ, hay hoặc không hay, thậm chí là dở trước hết phụ thuộc vào sức đọc của nhau. Mà xưa nay, ngoài phần trách nhiệm công việc, còn lại các nhà thơ chỉ đọc của nhau khi có quan hệ thân sơ hoặc là bài thơ, tập thơ ấy đang được dư luận chú ý, bàn tán trái chiều. Thế nên cũng bài thơ, câu thơ ấy, người bảo hay, kẻ chê dở là chuyện quá đỗi bình thường ở làng thơ xứ ta.

Mỗi kỳ Hội thơ mang một chủ đề riêng. Chẳng hạn Hội thơ lần thứ 12 năm Giáp Ngọ, BTC chọn chủ đề “Mùa Xuân - Đất nước: Từ Điện Biên đến Trường Sa”. Ở đây, Mùa Xuân - Đất nước là chủ đề bao quát có thể được dùng trong nhiều năm, nhưng “Từ Điện Biên đến Trường Sa” là chủ đề cụ thể gắn với kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, chỉ có ở năm 2014 và vấn đề biển đảo của đất nước. Bên cạnh đấy còn có một chủ đề kỷ niệm 50 năm thơ chống Mỹ. Những câu thơ hay nhất thiết phải phù hợp với các chủ đề trên mới được tuyển chọn, xét về mặt lý thuyết.

Theo đấy, các câu thơ: 1. Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ/ Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà (Hồ Chí Minh); 2. Đất nước hai phen chồn ngựa đá/ Non sông nghìn thuở vững âu vàng (Trần Nhân Tông); 3. Biển Đông vạn dặm giang tay giữ/ Đất Việt muôn năm vững trị bình (Nguyễn Bỉnh Khiêm); 9. Giắt lỏng giang sơn vào nửa túi/ Rót nghiêng phong nguyệt cạn lưng bầu (Nguyễn Công Trứ); 28. Cắn răng lại để làm nên chiến thắng/ Giặc tan rồi bỗng nghe mặn trên môi (Vũ Quần Phương); 41. Nơi trộn lẫn mặt trời muối mặn đời ta/ Tổ Quốc kiên trì nhoài ra phía biển (Thanh Thảo)... là những câu thơ khá hay và phù hợp với chủ đề mà BTC đã chọn.

Nhưng chính vấn đề lại nằm ở chỗ là thơ hay không phải bao giờ cũng là thơ đúng với chủ đề và ngược lại. Sự tuyển chọn những câu thơ đáp ứng cả hai tiêu chí trên càng trở nên khó khăn hơn nên không ít trường hợp người tuyển chọn đã phải hy sinh tiêu chí này hay tiêu chí kia cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, hy sinh đến mức độ nào có thể chấp nhận được để BTC không tự làm khó mình cũng như không làm công chúng yêu thơ quá thất vọng như kỳ Hội thơ năm Giáp Ngọ vừa qua là vấn đề được nhiều người quan tâm.

Đến những câu thơ được “cõng về giời”

Nếu theo hai tiêu chí là thơ hay và thơ hợp chủ đề mà BTC đã đặt ra hoặc chí ít không hay cũng phải phù hợp với chủ đề và ngược lại thì những câu thơ dưới đây hoàn toàn không đáp ứng được tiêu chí nào.

Chẳng hạn như: 6. Ước gì tung nước làm mưa được/ Tưới những đồng khô hạn mất mùa (Nguyễn Thiên Túng); 7. Cây núi phô màu mưa mới tạnh/ Sông thu in bóng nhạn vừa sa (Nguyễn Đình Mỹ); 13. Thơ đong từng ngao nhưng tát bể/ Là cái cân nhỏ xíu lại cân đời (Chế Lan Viên); 14. Xưa ngủ bên sông trăng/ Hồn anh làm đồng bằng (Nguyễn Xuân Sanh); 15. Thời gian trút xuống dần dà/ Một hình êm dịu bao la đất trời (Xuân Diệu); 21. Anh là con sông chảy trước nhà em/ Em có nghe tiếng sóng vỗ ngày đêm (Lê Anh Xuân); 25. Thôi em đừng bẻ đốt ngón tay/ Nước mắt dễ lây mà rừng lặng quá (Phạm Tiến Duật); 32. Ngồi bên suối để ta còn róc rách/ Cúi xuống soi gương chẳng gặp tóc xanh mình (Chim Trắng); 44. Nắng tan chiều xế trước nhà/ Chợ tan buổi chợ, người xa khuất người (Quang Chuyền)...

Tất nhiên, mỗi kỳ Hội thơ, BTC có quyền chọn một chủ đề nào đấy để làm nổi lên cái cần hướng tới và nhấn mạnh sự khác biệt giữa kỳ Hội thơ này với các kỳ Hội thơ khác. Nhưng dù là chủ đề nào đi chăng nữa cũng phải là những câu thơ hay chứ không thể là những câu thơ quá dễ dãi chẳng khác là bao ngôn ngữ nói thế này: 47. Bàn tay nắm lại xoè ra/ Nắm là thấy có buông là thấy không (Thu Nguyệt); 29. Em bơ vơ phía bơ vơ/ Ta hoang sơ cứ hoang sơ một đời (Mã Giang Lân); 37. Sông làng, con đò cũ/ Buộc chèo dưới bến trăng (Nguyễn Việt Chiến)...

Hay những câu thơ tuồng như là khẩu hiệu: 18. Lòng vui ngân lên câu hát/ Của chúng ta làm ca ngợi chúng ta (Chính Hữu); 19. Chúng ta yêu nhau kiêu hãnh làm người (Nguyễn Đình Thi); 23. Trái tim là của Con người/ Viết lịch sử mình trên mặt đất (Trần Quang Long), 24. Đêm hành quân tôi ngủ dưới ngàn sao/ Thấy Đất nước cười lấp lánh giữa chiêm bao (Hoàng Phủ Ngọc Tường), 35. Ta đi giữ nước yêu thương lắm/ Mỗi xóm thôn qua mỗi nghĩa tình (Lưu Quang Vũ)... Mà ngay cả khẩu hiệu cũng phải mang rõ đặc trưng của loại ngôn ngữ văn bản này: Ngắn gọn, mạch lạc, có hào khí kêu gọi mọi người làm theo chứ không thể là những câu văn xuôi có vần và được xuống dòng.

Đối với các nhà thơ, ai cũng mong có được đôi ba câu thơ thả lên giời. Nhưng chắc chắn không ít người chẳng lấy gì làm vui, thậm chí còn thấy xấu hổ khi những câu thơ không phải là hay, có khi còn là dở của họ lại được ai đó nhờ bóng bay cõng về giời như là sự vinh danh tài làm thơ... dở của mình (!?)

Dù vẫn biết Ngày Hội thơ Việt Nam không chỉ là ngày hội tôn vinh nghệ thuật thi ca mà còn là ngày hội chính trị đối với các nhà thơ và những người yêu thơ trong cả nước để hướng về nguồn cội đất nước, dân tộc Việt, nhưng không vì lẽ ấy mà tuyển chọn những câu chưa phải là thơ, cũng không gắn với chủ đề của mỗi kỳ Hội thơ.

Thiết nghĩ, từ kỳ Hội thơ năm sau, BTC cần thay đổi cách tuyển chọn. Trừ các nhà thơ quá cố, những nhà thơ còn sống, nếu được BTC ghi tên vào danh sách có thơ thả lên giời thì nên để chính tác giả tự chọn một số đơn vị câu thơ hay nhất của mình gửi đến. Sau đấy, BTC sẽ là người quyết định cuối cùng chọn đơn vị câu thơ nào để thả. Làm như vậy sẽ tránh được những cái cười đầy nước mắt lẫn cả sự ấm ức khi mình được chọn những câu thơ dở để vinh danh. Âu đấy cũng là cách tôn vinh nghệ thuật thi ca lành mạnh nhất mà vẫn đảm bảo đúng chủ đề BTC đã chọn cũng như không làm công chúng cảm thấy thất vọng khi đọc những câu thơ được chọn thả về giời. 

Viên An

 


Ý kiến của bạn