Hoàn thiện nhà mới, anh Thành (Hoài Đức, Hà Nội) tiến hành lắp 4 điều hòa, mỗi chiếc công suất 18.000 BTU. Sau một thời gian sử dụng, thấy 4 điều hòa đều thổi ra hơi lạnh rất yếu, anh Thành gọi thợ đến kiểm tra để nếu có lỗi thì bảo hành.
Ban đầu, thợ đến bảo hành không phát hiện ra lỗi. Anh Thành thuê đội kỹ thuật khác đến kiểm tra lại thì phát hiện quá trình lắp đặt, thợ điều hòa bỏ qua công đoạn không hút chân không khiến hiệu suất làm lạnh giảm.
Tương tự như trường hợp anh Thành, anh Hoàng (Thanh Xuân, Hà Nội) thấy rất bức xúc khi điều hòa mới mua mà hơi lạnh thổi ra không mát. Anh Hoàng cho hay, trước khi lắp mới, anh đã yêu cầu thợ phải hút chân không, nhưng thợ nhất định không làm.
“Họ bảo, điều hòa công nghệ mới không cần hút chân không. Vì không biết nhiều về kỹ thuật nên mình nghe theo. Sau một thời gian dùng không thấy mát, mình thuê thợ khác làm lại và quả nhiên mát lạnh”, anh Hoàng kể.
Hiện, trên mạng xã hội, nhiều người cũng phản ánh việc khi lắp điều hòa phải bỏ thêm 300.000-500.000 đồng phí hút chân không. Trong khi đó, một số diễn đàn của siêu thị điện máy lớn khẳng định, hút chân không nằm trong quy trình lắp đặt điều hòa mới, khách hàng không cần phải thanh toán khoản phí đó.
“Mình cũng mới lắp máy Panasonic giá gần 15 triệu đồng, dùng gas R32. Thợ đuổi khí chứ không chịu hút chân không. Tiền lắp đặt hết 1,2 triệu đồng, tính ra cũng ngang với giá tại siêu thị điện máy chứ không rẻ hơn là bao. Nói chung không hài lòng chút nào”, một người dùng chia sẻ.
Anh Nguyễn Văn Nam, một kỹ sư điện lạnh, cho rằng, trong việc lắp mới điều hòa hoặc thay lắp điều hòa, công đoạn hút chân không rất quan trọng.
Anh Nam giải thích, trước khi xuất xưởng nhà sản xuất đã nạp đủ gas trong cục nóng điều hòa. Khi lắp đặt, thợ điều hòa sẽ phải dùng ống đồng để nối cục nóng và giàn lạnh lại với nhau. Khi nối, sẽ có không khí ở trong ống đồng nên cần phải loại bỏ không khí đó bằng thao tác hút chân không.
Theo anh, gas điều hòa là loại hợp chất đặc biệt có độ bay hơi rất cao, do đó cần độ tinh khiết. Không khí bên ngoài có lẫn hơi ẩm sẽ làm giảm hiệu suất của gas, hoặc làm lỗi hệ thống khi độ ẩm quá lớn. Chính lý do đó, nhà sản xuất yêu cầu phải hút chân không giúp làm sạch không khí ở đường ống gas nối từ cục nóng với cục lạnh.
Ngoài ra, một kỹ thuật khác anh Nam cho rằng tạm chấp nhận được. Đó là việc người thợ làm tắt bằng cách đuổi khí, tức là xì gas để đẩy hết không khí trong ống đồng ra. Tuy nhiên, gas điều hòa trước khi đưa ra thị trường nhà sản xuất đã nạp đủ khối lượng, họ đong đếm từng gam và có bảng kỹ thuật. Nếu lắp đặt đường ống mà dài hơn cho phép thì phải nạp thêm gas, bao nhiêu mét thì nhân lên với số gam. Người thợ lắp đặt không làm đúng kỹ thuật đó khiến hiệu quả làm mát của điều hòa giảm, dẫn đến hóa đơn tiền điện tăng lên.
“Gas được tuần hoàn trong đường ống, máy nén đẩy theo vòng tuần hoàn, thiếu gas hay thừa gas cũng gây ảnh hưởng hiệu quả làm mát. Vì vậy, người thợ dùng gas để đẩy khí tức đã vi phạm kỹ thuật. Việc mở van đẩy khí tùy thuộc vào độ cảm nhận của người thợ nên đẩy nhiều hay đẩy ít dựa vào cảm quan. Do đó, người sử dụng cần yêu cầu người thợ phải làm đúng quy trình nhà sản xuất”, anh Nam phân tích.
Với việc hút chân không trong quá trình lắp đặt điều hòa, người thợ phải mang theo máy chuyên dụng, đồng hồ đo. Công đoạn này mất nhiều thời gian nên phần lớn thợ điều hòa sẽ bỏ qua thao tác hút chân không, thay vào đó, họ làm tắt bằng cách đuổi khí. Người sử dụng cần nắm được điều này để yêu cầu thợ phải làm theo đúng quy trình.
Xem thêm video đang được quan tâm
Bộ Y Tế Cảnh Báo: Dịch Sốt Xuất Huyết Thời Gian Tới Rất Căng Thẳng