Đầu những năm 1980, người Warlpiri quyết định rằng họ cần tìm cách lưu giữ truyền thống tổ tiên và các giá trị văn hóa của họ cho thế hệ trẻ và giới thiệu các giá trị này với thế giới bên ngoài vùng sa mạc.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, vào năm 1984, một nhóm người Warlpiri lớn tuổi được mời vẽ những câu chuyện Mộng thời lên các cánh cửa lớp học tại trường học cộng đồng Yuendumu.
Các bức tranh được thể hiện bằng màu acrylic - một phương pháp hội họa đến từ phương Tây để khắc họa cuộc sống hàng ngày và Mộng thời - hệ thống tín ngưỡng của người Thổ dân về sự tạo lập thế giới.
Những con vật như Kiến mật, Vịt, Sâu Muiga, Chồn túi, Vẹt yến phụng, Đại bàng đuôi nhọn… đều được đưa vào các tác phẩm.
Bức tranh Chồn túi này cho thấy những nơi mà Chồn túi trong Mộng thời đã đi lại. Chúng di chuyển lên xuống từ hồ nước tới gốc cây. Đường đi được tạo ra bởi chiếc đuôi của Chồn túi khi đi lại.
Thần thoại về củ từ và cà chua dại : Hình ảnh củ từ và những chấm tròn nhỏ tượng trưng cho cà chua dại. Trong Mộng thời, người Warlpiri thường ăn các loại củ quả này, giống như tổ tiên đã sống nhờ chúng.
Hai bức tranh này kể về hai khía cạnh về một câu chuyện quan trọng về những phụ nữ tổ tiên, về khoảng thời gian khi những người phụ nữ kiểm soát vũ khí và các vật thiêng mà hiện nay chỉ gắn liền với đàn ông. Đó là một phần quan trọng của tôn giáo sa mạc, nơi những người đàn ông và phụ nữ Warlpiri sở hữu các quyền lực khác nhau, bổ sung cho nhau trong tiếp cận và kiểm soát tri thức.
Chuyện kể về một bà lão khổng lồ, sống tại Kanaji. Bà là Warrpalypardu. Bà mang theo những túi nước và những chiếc đĩa làm từ vỏ cây, que đào đất và dùi gõ. Bà bước ra từ một hố lớn dưới đất, cũng là nhà của bà và khởi hành tới Pikiliy ở phía tây. Đó là hình ảnh những dấu chân của bà.
Trong Mộng thời, có những cậu bé chưa trưởng thành đã đi khắp đất nước… chúng chơi đùa với những chiếc đĩa đồ chơi to được làm từ vỏ cây bạch đàn và những cây giáo được làm từ cỏ dài. Chúng chơi trò tung đĩa lên không trung và cố gắng phi giáo trúng những chiếc đĩa bay.
Mỗi bức tranh không chỉ là một kiệt tác, mà còn là kho tàng vô giá chứa đựng kiến thức và lịch sử Warlpiri. Những bức tranh này là một phần vô giá của - một trong những nền văn hóa lâu đời nhất trên thế giới - mà còn thể hiện cách truyền lại di sản văn hóa qua các thế hệ.
Triển lãm Những cánh cửa Yuendumu, một trong những bộ sưu tập văn hóa và nghệ thuật quan trọng nhất tại Úc, được khai mạc vào ngày 8/12/2020 và kéo dài đến ngày 31/01/2021 tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.