Hà Nội

Thở dài và tiếc nuối...

10-05-2012 15:26 | Văn hóa – Giải trí
google news

Trong dòng chảy nghệ thuật đương đại, nhiều nghệ sĩ trẻ Việt Nam khẳng định được cá tính và tố chất riêng.

Trong dòng chảy nghệ thuật đương đại, nhiều nghệ sĩ trẻ Việt Nam khẳng định được cá tính và tố chất riêng. Cực kỳ nghệ sĩ nhưng không xa rời thực tế, đó là một tinh thần sáng tạo nghệ thuật đúng đắn mà các nghệ sĩ trẻ đang hướng tới. Để nghệ thuật gần gũi hơn với công chúng, tổ chức triển lãm có lẽ là cây cầu duy nhất và hiệu quả nhất. Nhưng, công việc tuyên truyền cho những hoạt động này dường như chưa hiệu quả.

Bức tranh đa sắc nhưng... buồn!

Những hoạt động triển lãm nghệ thuật nổi bật thời gian gần đây phải kể đến góc nhìn của các nghệ sĩ về cuộc sống hiện đại. Tiếng nói của nghệ thuật đương đại với cảnh quan đô thị nói riêng phần nhiều là hoài niệm về quá khứ êm đềm. Triển lãm ảnh mang tên Nhà mặt phố (tại Viện Goethe) của nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn là nỗi niềm trăn trở về sự xuống cấp về mặt thẩm mỹ của những ngôi nhà mặt phố.

Những tác phẩm của Nguyễn Thế Sơn nhìn từ góc độ chân thực nhưng lại khiến người xem cảm thấy ngỡ ngàng, một tâm trạng bơ vơ, xa lạ trên chính không gian mình đang sống. Dù là ngôi nhà mới xây xong với đầy đủ ban công, cửa sổ, phào nẹp trang trí đầy đủ, bỗng một ngày kia bị bịt lại kín mít thành một cột quảng cáo sáng choang. Dự án nghệ thuật của Nguyễn Thế Sơn chính là quá trình khảo sát sự biến đổi từ công năng ở sang công năng quảng cáo của các ngôi nhà mặt phố.

Ý tưởng khá “độc” và gần gũi với cuộc sống của Nguyễn Thế Sơn đã cuốn hút được nhiều sự chú ý. Tuy nhiên, khán giả biết đến triển lãm Nhà mặt phố chủ yếu là những người trong giới và một số phương tiện truyền thông.

Mới đây nhất, triển lãm nghệ thuật tầm quốc tế mang tên “Phong cảnh sông nước biến đổi” cũng là một điểm sáng mà thị trường mỹ thuật đương đại thế giới đang hướng đến Việt Nam. Triển lãm khai mạc ngày 12/04/2012 tại Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội, trưng bày tại TP.HCM từ ngày 12 - 27/5. Sau khi được tổ chức ở Hà Nội và TP. HCM, triển lãm sẽ được trưng bày tại Bangkok, Phnôm Pênh, Jakata và Manila.

“Phong cảnh sông nước biến đổi” là dự án nghệ thuật văn hóa sinh thái quốc tế mà phong cảnh sông nước tại Đông Nam Á đại diện. 17 nghệ sĩ trẻ từ Việt Nam, Thái Lan, Campuchia, Myanmar, Indonesia và Philippines mang đến triển lãm nhiều tác phẩm nghệ thuật ấn tượng với thông điệp: Nâng cao nhận thức về di sản văn hóa và sinh thái vô giá.

Trong số 17 nghệ sĩ tham gia triển lãm "Phong cảnh sông nước đang biến đổi" có 4 nghệ sĩ Việt Nam. Tác phẩm sắp đặt âm thanh và chữ của Lương Huệ Trinh đề cập tới những hậu quả sinh thái của việc khai thác kinh tế quá mức vùng sông Mê Kông. Phan Thảo Nguyên đến từ TP.HCM tập trung vào nền công nghiệp đánh bắt cá dọc sông Mê Kông. Nguyễn Thị Thanh Mai gợi nhớ trận lụt khủng khiếp tại Huế năm 1999 với tác phẩm sắp đặt từ 60 hộp gỗ trưng bày những vật thể được tìm thấy dọc sông Hương như giày, dép.

Thông qua nghệ thuật, các tác giả muốn truyền tải đến người xem cái nhìn gần gũi hơn về đời sống dân cư và môi trường đang bị hủy hoại trên các dòng sông lớn. Dự án “Phong cảnh sông nước biến đổi” không chỉ mang giá trị nghệ thuật cao mà còn truyền tải một thông điệp có sức lan tỏa rộng lớn. Tuy nhiên, điểm dừng chân đầu tiên của dự án này tại Hà Nội cũng chỉ đóng góp một tiếng nói yếu ớt trong hoạt động triển lãm nghệ thuật.

 Người xem triển lãm tranh Nhà mặt phố.

Sao công chúng thờ ơ?

 

Vì sao công chúng “lạnh nhạt” với nghệ thuật? Rõ ràng, hướng đi của mỹ thuật đương đại đang tiếp cận với công chúng chứ không hề “kén” khán giả như trước đây. Mang ý tưởng độc đáo và gần gũi với cuộc sống vào sáng tác nghệ thuật, đáng lẽ phải được công chúng hưởng ứng, hay ít nhất cũng phải nhận được những phản hồi tích cực thì ngược lại, hoạt động triển lãm vẫn chỉ là “bữa tiệc” nghệ thuật gần như dành riêng cho giới nghệ sĩ.
 
Vì thế, nghệ sĩ tài năng hay những tác phẩm nghệ thuật giàu sáng tạo khó mà thăng hoa trong không gian triển lãm vắng bóng người xem. Phải chăng công tác quảng bá cho những hoạt động triển lãm nghệ thuật chưa thực sự hiệu quả? Thậm chí, không ít khán giả hiểu nhầm: triển lãm chỉ dành cho những ai chịu chơi, thích khoe tài lẻ, có tiền là có... triển lãm.

Suy cho cùng, nghệ thuật đương đại Việt Nam rất cần một kênh truyền thông thực sự hiệu quả để vươn ra thế giới, đó là sự cổ vũ của công chúng. Và để đến được với kênh truyền thông đặc biệt này, trước hết, những nhà tổ chức hoạt động triển lãm nghệ thuật nên tìm nhiều cách tiếp cận hiệu quả hơn.           

Mai Liên


Ý kiến của bạn