Tôi gọi Tân Nhân là một tượng đài ca sĩ - bà nổi tiếng với bài hát Xa khơi của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ. 6 năm trước (14/2/2008), bà đã từ giã cõi đời ở tuổi 77 tại TP. Hồ Chí Minh. Trước mặt tôi là cuốn sách Tân Nhân & Xa khơi gồm hồi ký và những bài thơ của bà, cùng những bài viết về bà thời rực rỡ “Tổ quốc ơi! Tôi ca hát vì Người”. Xin đi sâu vào phần thơ của bà mang tên Nắng và đời.
Nắng và đời vừa là tên một bài thơ trong tập, lại vừa là tên của cả tập thơ (phần hai cuốn sách). Hai khổ đầu viết ở thể ngũ ngôn đầy trắc ẩn:
Nắng lùi về hướng Tây
Ta quay theo ánh sáng
Lại sắp hết một ngày
Đường dài thêm một đoạn...
Ta để lại dấu chân thành
Với vô vàn tia nắng
Với bao nỗi trở trăn
Bao ngọt bùi cay đắng...
Hai khổ thơ chứa chan trắc ẩn. Vô vàn tia nắng của bà “để lại dấu chân” có lẽ chính là những giai điệu tuyệt vời mà giọng vàng của bà đã khiến nó lấp lánh mãi mãi trên vòm trời âm nhạc Việt Nam, những tia nắng rất riêng mà bà đã chiếu sáng cuộc đời “với bao nỗi trở trăn - bao ngọt bùi cay đắng”, có lẽ bắt đầu từ Câu hò bên bến Hiền Lương (Hoàng Hiệp - thơ Đằng Giao) tới Nhớ (Lê Yên - thơ Thanh Hải), đến Giữ trọn tình quê (Văn Cận)... cuối cùng là Xa khơi (Nguyễn Tài Tuệ). Và đến bây giờ là những bài thơ riêng tư, giản dị của bà.
Giọng hát của Tân Nhân một thời gắn với Xa khơi và Câu hò bên bến Hiền Lương.
Hóa ra Tân Nhân đã âm thầm làm thơ từ giữa những năm thập kỷ 60, thế kỷ trước. Đọc bài Tuyết mới thấy cú hích khiến Tân Nhân phải bật ra những câu thơ chảy máu là bởi những thị phi bà gặp phải trong “những năm dài đau khổ sóng gió trong nghệ thuật” của mình:
Gió thổi tuyết tơi bời
Trắng đầy trời tuyết rơi
Trong lòng ta tuyết nổi
Từng cơn lạnh không thôi
Tuyết ngoài trời rơi lạnh xuống, còn trong lòng người thì tuyết lại rơi lạnh lên (tuyết nổi).
Tân Nhân chỉ vịn vào thơ để bước tiếp trong cuộc đời nhiều trắc trở. Có lúc bà đã phải thốt lên: “Hỡi thiên tài nghệ thuật/người ở đâu/mà sao ta chưa gặp”. Có lúc bà lại dào dạt ngợi ca nhạc sĩ Đỗ Nhuận: “Hát nữa đi anh/ Em lắng nghe hồn đất nước/Hát lên đi, em theo anh tiến bước...”. Có lúc lại da diết nhớ mẹ già khi du học nước bạn: “Nhớ ngày xưa Mạ thức con dậy sớm/Chặt chuối tàu hơ lửa bới cơm...”. Có lúc lại thả mình theo ngọn gió trời mà chia sẻ: “Nhưng đêm nay gió thổi bất bằng/Gió kêu gào đớn đau tìm kiếm”. Có lúc là tự sự với cậu con trai 16 tuổi - Kết quả của tình đầu thơ dại: “Năm mươi lăm năm nặng gánh hai vai/Cay đắng chịu buồn đau, ngang trái/Bao lao lung giấu kín đáy lòng/Phận đàn bà bến đục bến trong”, lời tự sự sau nhiều năm nghiền ngẫm. Có lúc là một nuối tiếc không gì cưỡng nổi: “Tiếng hát đã bay xa/Ta không sao níu lại/Người ca hát không còn được ca hát/Như cây cỏ hết sinh sôi...”.
Phần thơ viết từ thế kỷ mới của bà là phần thơ giải thoát mọi khổ hạnh đã qua. Nó tươi mởn hơn, tha thiết hơn và cả hồn hậu hơn: “Có chú chim nào đó/Gieo một mầm bé nhỏ/Thành cây ớt vườn tôi/Cao lớn hơn đầu người ...”. Khi đã thảnh thơi với cái nhìn thiên nhiên như thế, Tân Nhân hẳn đã thanh thản với cuộc “Xa khơi” của chính mình. Bà tin khi soạn chúc thư: “Mẹ sống mãi với các con/trong tiếng cười, nỗi nhớ/Yêu các con mẹ hóa kiếp luân hồi/Tình mẹ con mình bất tử”. Một cảm giác vô vi loang ra: “Ta đi qua trần thế/Tựa lạc vào cung mê/sóng gió bủa bốn bề/một thuyền con vượt bể...”. Và bà nhận ra vẻ đẹp “Sống là hạnh phúc phải không các bạn”.
Giờ đây đọc thơ của một tượng đài ca sĩ thấy bồi hồi như thưởng ngoạn một bữa tiệc lạ, nhưng lại vô cùng gần gũi.