Trước thực trạng này các chuyên gia khuyến cáo người dân cần ăn chín, uống sôi để đảm bảo an toàn cho sức khỏe…
Đâu là nguyên nhân khiến các mẫu thịt và thủy hải sản bị nhiễm E.coli
Thông tin từ Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong 4 tháng (từ tháng 4 - 8/2017), nhóm nghiên cứu của Viện Pasteur đã thực hiện lấy 150 mẫu thịt heo, gà, vịt từ các chợ trên địa bàn 5 tỉnh (Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai và TP. Hồ Chí Minh) để khảo sát mức độ nhiễm khuẩn E.coli. Mẫu được lấy ở các chợ tại 5 tỉnh, thành, gồm TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai. Kết quả cho thấy 100% mẫu kiểm tra (150/150 mẫu) gồm thịt gà, vịt, heo đều nhiễm vi khuẩn E.coli vượt giới hạn cho phép.
Mặt khác, một khảo sát tương tự cũng được Viện Pasteur thực hiện với 147 mẫu thủy hải sản tươi sống (gồm chem chép, hàu, nghêu và sò các loại). Kết quả, 63,9% mẫu (94/147 mẫu) được phát hiện nhiễm vi khuẩn E.coli, trong đó có 24 mẫu nhiễm E.coli ở mức độ nặng.
Theo nhóm nghiên cứu, nguyên nhân các mẫu thịt nhiễm E.coli chủ yếu do điều kiện vệ sinh còn kém từ các lò giết mổ gia súc gia cầm đến các nơi bày bán chế biến thực phẩm. Ngoài ra còn do nguồn nước bị nhiễm khuẩn, thịt bị nhiễm vi khuẩn trong công đoạn cắt tiết, nhổ lông, từ dụng cụ và quy trình giết mổ không đảm bảo điều kiện vệ sinh.
Trao đổi với phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống chiều ngày 12/12, PGS.TS. Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Parteur TP. Hồ Chí Minh cho hay, số mẫu nghiên cứu thịt và thủy hải sản mà nhóm nghiên cứu lấy để kiểm nghiệm là triển khai việc giám sát chủ động, có chủ đích tập trung vào những cơ sở kinh doanh thực phẩm tươi sống, nghi ngờ về điều kiện vệ sinh, có nguy cơ cao về an toàn thực phẩm.
Hải sản bày bán tại một chợ phía Nam.
Người dân cần sử dụng thực phẩm khi đã nấu chín
Theo các chuyên gia dịch tễ, vi khuẩn E.coli là loại vi khuẩn thuộc họ Enterobacteriaceae, thuộc hệ vi sinh vật đường ruột. Một số chủng E.coli sinh độc tố có khả năng gây ra các bệnh đường tiêu hóa như tiêu chảy và các bệnh lý khác như nhiễm trùng máu, viêm đường tiết niệu. Vi khuẩn E.coli sống ký sinh trong đường ruột gia súc, gia cầm. Do vậy, chỉ một ít chất có trong ruột gà, vịt, heo thải ra ngoài trong quá trình giết mổ thì E.coli sẽ nhiễm qua thịt. E.coli còn hiện diện trong đất, nước... Vì vậy, giết mổ gia súc, gia cầm trên sàn nhà, sử dụng nguồn nước không đảm bảo thì nguy cơ thịt gà, vịt, heo nhiễm E.coli chắc chắn xảy ra.
Viện trưởng Viện Parteur Phan Trọng Lân cũng nhấn mạnh, mặc dù kết quả của nghiên cứu này không mang tính đại diện cho tất cả các chợ của 5 địa phương mà nhóm nghiên cứu lấy mẫu, nhưng kết quả nghiên cứu này cũng là thông tin để các nhà quản lý có các hoạt động can thiệp như thanh, kiểm tra thực phẩm ở các chợ.
PGS.TS. Phan Trọng Lân cũng khuyến cáo, mối nguy cơ của vi khuẩn E.coli bị bất hoạt trong 5 phút ở nhiệt độ 60oC và bị tiêu diệt ngay ở nhiệt độ trên 70oC. Do đó, khi sử dụng thực phẩm nói chung người dân cần nấu chín kỹ để đảm bảo “ăn chín, uống sôi”.
Ngộ độc do thực phẩm nhiễm vi khuẩn E.coli không phải là hiếm
Trên thực tế, thời gian qua, cơ quan chức năng chuyên ngành về an toàn thực phẩm tại nhiều địa phương đã công bố nguyên nhân của không ít vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra do “thủ phạm” là vi khuẩn E.coli. Đơn cử như kết quả xét nghiệm mẫu thực phẩm tại Công ty TNHH một thành viên Wondo Vina (xã Long Bình Điền, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang) đã xác định nguyên nhân gây ngộ độc làm 186 công nhân nhập viện là do nhiễm khuẩn Ecoli. Cụ thể, hàm lượng vi khuẩn E.coli vượt quá mức cho phép nhiều lần. Vi khuẩn này hiện diện trong món cà ri gà, cà ri chay, bánh mì, cơm và chuối trong suất ăn trưa 26/7.
Hay tại vụ ngộ độc khiến 17 du khách tại Đà Nẵng phải vào Bệnh viện Đà Nẵng hồi cuối tháng 5/2017 cấp cứu cũng là do vi khuẩn E.coli. Theo ông Nguyễn Tiên Hồng, Phó Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, kết quả xét nghiệm các mẫu thực phẩm lấy tại quán Cơm gà Bà Buội Hội An (đường Hồ Nghinh, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng) cho thấy, mẫu dưa chua có chứa E.coli vượt mức cho phép gây ngộ độc cho 17 du khách.
Hay kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm khiến 16 người ở TP. Buôn Ma Thuột bị ngộ độc thực phẩm phải nhập viện cấp cứu vào tháng 2/2017 của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đăk Lăk cũng cho thấy nguyên nhân là do người dân đã ăn gỏi lợn và uống nước giếng có vi khuẩn E.coli.