Phát biểu tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5 chiều ngày 31/5, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết sẽ sớm đề xuất với các cấp thẩm quyền để ban hành chính sách nhằm khuyến khích doanh nghiệp trong lĩnh vực thu mua thực phẩm, nhất là thịt lợn cấp đông.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, việc thu mua thịt lợn để cấp đông của Chính phủ trước hết nhằm giảm khó khăn cho người nông dân trong tình hình hiện nay. Bộ Công Thương là đơn vị đầu mối phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp phân phối đang thực hiện quyết liệt.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, cũng cần xác định đây là việc khó khăn, bởi hiện nay việc cấp đông sản phẩm thịt lợn trong thời gian dài với số lượng lớn sẽ gặp khó về nguồn lực cơ sở hạ tầng cũng như tài chính. Thứ hai cơ sở vật chất của các cơ sở giết mổ tập trung hiện nay ở Việt Nam còn rất hạn chế, nhiều nơi chưa đáp ứng được yêu cầu của các cơ sở chế biến, cấp đông. Hiện nay cả nước chỉ có 387 cơ sở giết mổ tập trung trong khi có 27.000 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, tập trung chủ yếu tại Đồng bằng sông Hồng. Thứ ba, nhu cầu, thói quen tiêu dùng thịt lợn cấp đông của người dân Việt Nam hiện còn rất hạn chế, chưa phổ biến, gây lo ngại cho các doanh nghiệp đầu mối khi họ đã thu mua, cấp đông, trong việc dự trữ và bán các sản phẩm ra sau này. Rất nhiều doanh nghiệp cho biết họ có thể làm những việc này theo chỉ đạo của các cấp ngành nhưng sau này có bán được hay không vẫn là câu hỏi lớn. Điểm khó nữa là “lượng thịt lợn cấp đông chủ yếu dùng cho doanh nghiệp chế biến, trong khi một số doanh nghiệp trong lĩnh vực này lại có nguồn thịt đông nhập khẩu từ nước ngoài”, Thứ trưởng Hải nói.
Thịt lợn được thu mua, giết mổ, cấp đông đều được kiểm dịch và đảm bảo an toàn thực phẩm
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng cho rằng, cần xác định việc dập dịch là lâu dài và là việc của toàn dân. Các đơn vị chức năng sẽ đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rõ hơn việc thu mua, giết mổ, cấp đông đều được kiểm dịch an toàn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng và thay đổi thói quen sinh hoạt.
Đặc biệt, các sở, ngành địa phương cùng vào cuộc, đồng hành cùng doanh nghiệp trong lĩnh vực thu mua mặt hàng thịt lợn, cấp trữ đông nhằm đảm bảo bình ổn thị trường trong thời gian tới.
Theo nhận định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguy cơ dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi trong thời gian tới tiếp tục phát sinh và lây lan tại các địa phương là rất cao. Đặc biệt tại các địa phương thuộc khu vực phía Nam hiện nay đang là thời điểm giao mùa, hệ thống kênh rạch dày đặc, giao thông đường thủy và đường bộ đan xen, khó kiểm soát.
Tính đến ngày 30/5/2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi đang xảy ra tại 3.279 xã, 307 huyện của 46 tỉnh, thành phố với tổng số lợn bị bệnh buộc phải tiêu hủy gần 2.035.000 con.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, cần sớm có chính sách khuyến khích các cơ sở, doanh nghiệp thực hiện việc thu mua lợn sạch trong vùng có dịch để tiêu thụ và cấp trữ đông nhằm giảm thiểu lây lan dịch bệnh và thiệt hại cho người chăn nuôi nhằm giữ ổn định giá lợn không bị rơi xuống thấp trong giai đoạn trước mắt và có nguồn thực phẩm sạch cung cấp cho nhu cầu thị trường thời gian tới.
Các cơ quan chức năng khuyến cáo, không để sốt giá thịt lợn vào những tháng, quý tới nhất là vào các tháng cuối năm; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm ngăn chặn việc buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn không rõ nguồn gốc, không bảo đảm các yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm.