1. Nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm do thịt gà
Tuy là thực phẩm rất bổ dưỡng, nhưng gà sống thường chứa vi khuẩn Campylobacter và Salmonella, nguyên nhân phổ biến gây ngộ độc thực phẩm cho nhiều người.
Bạn có thể bị ngộ độc thực phẩm nếu ăn thịt gà bị nhiễm vi khuẩn mà không được nấu chín kỹ hoặc nếu nước của thịt gà bị rò rỉ trong tủ lạnh hoặc dính trên bề mặt bếp.
Một số người cũng có thể bị nhiễm vi khuẩn trong trường hợp đã sử dụng thớt để thái, chặt thịt gà sống mà không rửa sạch trước khi sử dụng để chế biến các thực phẩm ăn sống hoặc nấu chín nhẹ như rau sống, salad hoặc trái cây.
2. Biểu hiện ngộ độc do nhiễm vi khuẩn Campylobacter
Những người bị nhiễm vi khuẩn Campylobacter thường bị tiêu chảy (thường có máu), sốt và co thắt dạ dày. Ngoài ra có thể kèm theo buồn nôn và nôn.
Các triệu chứng thường bắt đầu từ 2-5 ngày sau khi nhiễm bệnh và kéo dài khoảng một tuần. Một số người gặp phải các biến chứng như hội chứng ruột kích thích, tê liệt tạm thời và viêm khớp.
Ở những người có hệ miễn dịch yếu như những người bị rối loạn máu, bị AIDS hoặc đang điều trị bằng hóa trị, vi khuẩn Campylobacter nhiễm vào máu và gây nhiễm trùng đe dọa tính mạng.
2. Biểu hiện ngộ độc do nhiễm vi khuẩn Salmonella
Các triệu chứng ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn Salmonella thường xuất hiện nhanh chóng, trong vòng 8 -72 giờ sau khi ăn.
Bệnh nhân thường bị đau bụng co thắt, ớn lạnh, tiêu chảy, sốt, đau cơ, buồn nôn, nôn, có dấu hiệu mất nước (như nước tiểu có màu sẫm, khô miệng), phân có máu. Trẻ em có thể bị mất nước nghiêm trọng nhanh và có thể đe dọa đến tính mạng.
3. Chế biến và bảo quản thịt gà đúng cách để phòng ngộ độc
Để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm do thịt gà, các bà nội trợ cần lưu ý thực hiện tốt các biện pháp sau:
- Khi mua thịt gà sống ở chợ hoặc siêu thị cần cho gà vào túi dùng một lần trước khi cho vào giỏ hàng hoặc tủ lạnh để chúng không bị dính vào các thực phẩm khác.
- Rửa sạch tay bằng xà phòng trước và sau khi tiếp xúc với thịt gà.
- Không rửa thịt gà sống gần các thực phẩm khác vì trong quá trình rửa, nước rửa gà có thể bắn ra làm ô nhiễm các thực phẩm, đồ dùng và bề mặt khác.
- Dùng thớt riêng để chế biến thịt gà sống. Rửa thớt, đồ dùng, bát đĩa và mặt bàn bếp bằng nước rửa bát sau khi sơ chế gà và trước khi chế biến món tiếp theo.
- Không để thực phẩm đã nấu chín hoặc sản phẩm tươi sống trên đĩa, thớt, hoặc bề mặt khác mà trước đó đã đựng thịt gà sống.
- Không nên dùng lò vi sóng hoặc các thiết bị điện tử có khả năng làm nóng không đều để chế biến thịt gà đông lạnh.
- Chỉ ăn thịt gà khi đã được nấu chín kỹ, không còn màu đỏ, không ăn thịt gà tái.
- Làm lạnh hoặc đông lạnh thịt gà còn thừa trong vòng 2 giờ (hoặc trong vòng 1 giờ nếu trời nóng).
Xem thêm video đang được quan tâm
Tiêm vaccine COVID-19- Vì sao trẻ em không nên vận động mạnh sau khi tiêm?