Bài 2: Các kiểu thẩm lậu
Việc liên tục phát hiện thịt, nội tạng động vật thối vận chuyển, tiêu thụ trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh như báo Sức khỏe&Đời sống đã phản ánh mới chỉ nói lên được phần nào thực trạng đáng lo ngại của việc buôn bán thực phẩm không đảm bảo ATVSTP đến người tiêu dùng. Tại địa bàn miền Trung, theo ghi nhận của phóng viên, việc buôn bán vận chuyển thực phẩm bẩn cũng không kém phần “sôi động”.
Số lượng không nhỏ
Ngày 1/3, Cảnh sát Môi trường Công an (CA) TP.Đà Nẵng phối hợp với CA phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) kiểm tra và phát hiện tại cơ sở chế biến sản phẩm động vật của bà Nguyễn Thị Á (SN 1975, trú tổ 7, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) có khoảng 1 tấn nội tạng động vật, chủ yếu là nội tạng heo đựng trong các thùng xốp đã bốc mùi hôi thối nồng nặc. Ngoài ra còn khoảng 700kg mỡ heo đựng trong các bao tải, xô và hơn 100kg tóp mỡ heo không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ… Bà Á khai nhận, số nội tạng trên được bà thu mua tại các chợ và lò giết mổ trên địa bàn Đà Nẵng, sau đó đưa về đông lạnh rồi chế biến và đóng thùng để đưa đi tiêu thụ ở các tỉnh phía Bắc với số lượng mỗi ngày khoảng 250kg.
Chân, đuôi trâu, bò thối trên xe chạy tuyến Viêng Chăn (Lào) - Quảng Nam (Việt Nam) BKS 43B-002.74 bị Công an Quảng Trị phát hiện và bắt giữ. |
Chiều 13/2, lực lượng đội 1.9, Phòng CSGT tỉnh Quảng Trị đã dừng xe khách BKS Lào - 0116, chạy tuyến Thừa Thiên Huế đi Thà-khẹt (Lào) để kiểm tra thì phát hiện trên xe này có 7 thùng xốp, bên trong chứa gần 500kg nội tạng động vật đã hôi thối. Tài xế là Võ Đại Như Long (29 tuổi), trú tại xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế) khai nhận, số hàng trên được gửi với yêu cầu vận chuyển từ Huế sang Lào.
Một cán bộ CSGT tại Quảng Trị cho biết, lực lượng CSGT qua công tác kiểm tra cũng không dễ nhận biết việc các xe có chở thịt, mỡ, nội tạng thối hay không. Bởi việc cất giấu thịt thối được thực hiện rất tinh vi. Có khi lại cất giấu sâu dưới gầm xe rồi chất hàng hóa khác ra ngoài, có khi lại bịt rất kín trong các thùng xốp rồi gác dưới gầm ghế ngồi… Chủ yếu việc bắt giữ thịt thối này là nhờ các nguồn tin báo hoặc phải kiểm tra rất kỹ càng… Theo dự đoán thì tình trạng thịt thối qua địa bàn tỉnh Quảng Trị có số lượng không nhỏ.
Bó tay về nguồn cung - nhận (?!)
Dẫu lượng mỡ, thịt bẩn, nội tạng thối qua địa bàn miền Trung là không ít, nhưng lực lượng chức năng sau khi bắt giữ đều cho biết, việc điều tra được nguồn cung cấp cũng như nhận hàng, tiêu thụ rất khó.
Các chủ, tài xế xe khách khi bị phát hiện có chở thịt bẩn đều không xuất trình được các giấy tờ chứng minh nguồn gốc. Hầu hết đều khai nhận là hàng của khách gửi theo xe, không biết tên chủ hàng, chủ hàng chỉ lấy số điện thoại của xe để liên lạc… Điển hình là 4 phương tiện bị phát hiện ở Quảng Trị vừa qua, lực lượng bắt giữ chỉ thu thập được thông tin về nơi gửi và nơi trả hàng. Bởi vậy, CSGT và lực lượng quản lý thị trường chỉ thực hiện xử phạt đối với phương tiện theo lỗi vi phạm. Sau đó, thịt, nội tạng động vật bẩn, thối được giao cho cơ quan chức năng tiêu hủy.
Tại Quảng Trị, mỗi lần tiêu hủy thịt thối, Phòng Cảnh sát môi trường thuộc CA tỉnh này sẽ phải hợp đồng với Công ty Môi trường đô thị thuê máy chuyên dụng đào một hố sâu tại bãi rác TP. Đông Hà, lực lượng thú y sẽ phải phun thuốc tiêu độc khử trùng, hóa chất rồi mới chôn lấp. Đó là chưa kể đến công vận chuyển, bốc vác… tốn không ít chi phí.
Điều dư luận lên tiếng quan ngại hiện nay là nguồn cung cấp thịt bẩn từ đâu ra? Nơi nào sẽ nhận hàng này và tiêu thụ vào mục đích gì? Liệu sức khỏe của người tiêu dùng các sản phẩm từ thịt động vật do các cơ sở tư nhân sản xuất đang bị đe dọa?
Mời xem tiếp bài 3: Thịt bẩn từ đâu?
Bài và ảnh: TRẦN ĐÔNG HÀ