Thịt ba ba thanh nhiệt, bổ thận

21-04-2015 09:55 | Y học cổ truyền
google news

SKĐS - Theo y học cổ truyền, thịt ba ba có vị ngọt, tính bình, vào can, thận, có tác dụng tư âm dưỡng huyết, lương huyết thanh nhiệt, bổ thận cường kiện gân cốt nên thường dùng làm món ăn bồi bổ cho người tạng nhiệt,

Theo y học cổ truyền, thịt ba ba có vị ngọt, tính bình, vào can, thận, có tác dụng tư âm dưỡng huyết, lương huyết thanh nhiệt, bổ thận cường kiện gân cốt nên thường dùng làm món ăn bồi bổ cho người tạng nhiệt, nóng trong, đau lưng, mỏi gối,… Cách dùng như sau:

Bài 1: Thịt ba ba 500g, tỏi 60g, gia vị vừa đủ. Hấp chín, ăn trong ngày, có công dụng hỗ trợ điều trị viêm thận mạn tính. Người bệnh có thể ăn thường xuyên món này.

Bài 2: Ba ba 1 con (khoảng 500g), đỗ trọng 15g. Ba ba làm sạch, chặt miếng, cho vào nồi cùng đỗ trọng để nhỏ lửa hầm trong 4 giờ liền. Sau đó cho thêm hành, gừng, muối, đun sôi lại là được. Ăn tuần 1 - 2 lần. Thích hợp dùng cho người cao tuổi thận hư đau lưng.

Bài 3:  Ba ba 1 con, sơn dược 30g, long nhãn 15g. Cho ba ba đã làm sạch chặt nhỏ, sơn dược, long nhãn vào nồi, thêm nước sôi vừa đủ, hầm nhừ, thêm gia vị. Dùng cho trường hợp lao phổi, viêm khí phế quản mạn tính, suy nhược cơ thể, biếng ăn, thiếu máu.

Bài 4: Ba ba 1 con (khoảng 500g), thịt dê 300g, thảo quả 5g, gừng tươi, hạt tiêu, muối vừa đủ. Ba ba làm sạch, bỏ đầu móng, mai và nội tạng, chặt nhỏ; thịt dê thái miếng. Cho ba ba, thịt dê cho vào nồi, thêm thảo quả, gừng tươi, nước sạch; đun to lửa cho sôi, đun nhỏ lửa cho chín nhừ, thêm các gia vị khác, chia ăn 2 - 3 bữa trong ngày. Dùng cho người thận âm hư, tỳ thận dương hư có các triệu chứng đau đầu ù tai, chóng mặt, vã mồ hôi trộm, ăn kém, chậm tiêu.

Bài 5: Ba ba 1 con, kỷ tử 30g, hoài sơn 30g, nữ trinh tử 15g. Ba ba làm sạch, chặt miếng, đem hầm nhừ cùng với các vị thuốc, khi chín bỏ bã thuốc, cho thêm gia vị, ăn nóng. Công dụng: Chữa chứng can thận hư tổn, lưng gối đau mỏi, đầu choáng mắt hoa, di tinh.

Bài 6:  Thịt ba ba 100g, râu ngô 10g, sơn tra 8g, táo đỏ 3 quả, gừng 3 lát, muối vừa đủ, nấu với nước, bỏ râu ngô, ăn cả nước và cái. Một tuần ăn 1 - 2 lần. Công dụng: Dưỡng âm, bổ huyết, hạ huyết áp.

Bài 7: Ba ba 1 con; tri mẫu bối mẫu, ngân sài hồ, hạnh nhân, mỗi vị  15g. Làm sạch ba ba, chặt miếng, hầm nhừ cùng các vị thuốc trên, sau bỏ bã thuốc nêm gia vị vừa miệng chia ra ăn vài lần trong ngày. Công dụng: dưỡng âm, thanh nhiệt, nhuận phế chỉ khái, thích hợp với các trường hợp viêm họng, viêm phế quản mạn, lao phổi.

Lưu ý: Người hư hàn không nên ăn nhiều thịt ba ba, nếu muốn dùng cần phối hợp với các vị có tính ấm nóng, tác dụng kích thích tiêu hoá. Người bệnh dạ dày yếu hay nôn, tiêu chảy không nên dùng.

Bác sĩ  Thúy Hường

 

 


Ý kiến của bạn