Vitamin D đóng một vai trò quan trọng trong hệ thống miễn dịch. Điều này có thể giải thích tại sao việc thiếu vitamin D(do tiếp ít xúc với ánh nắng mặt trời)có thể làm tăng khả năng bị nhiễm trùng và gia tăng nhập viện. Vitamin D được biết là giúp ngăn ngừa nhiễm khuẩn đường hô hấp. Vì vậy đã có nhiều nghiên cứu tập trung khám phá vai trò tiềm năng của vitamin D đối với COVID-19, cũng là một bệnh lý chủ yếu tấn công vào phổi và hệ hô hấp.
Thiếu vitamin D có tăng nguy cơ mắc COVID-19 hay không?
Trong một nghiên cứu vào tháng 5/2020 được công bố trên Tạp chí Nghiên cứu Thực nghiệm và Lâm sàng về Lão hóa, các nhà nghiên cứu của Vương quốc Anh đã xem xét dữ liệu từ 20 quốc gia châu Âu khác nhau, so sánh tỷ lệ mắc COVID-19, cũng như tử vong do căn bệnh này, so với nồng độ vitamin D chung của cộng đồng dân số nghiên cứu.
Nghiên cứu cho thấy, các quốc gia có tỷ lệ tử vong cao hơn, như Ý và Tây Ban Nha, cũng có tỷ lệ thiếu hoặc không đủ vitamin D cao hơn so với các quốc gia châu Âu khác. Trong khi, các nước có tỷ lệ thiếu vitamin D thấp hơn, như Đan Mạch, Thụy Điển và Na Uy, có tỷ lệ nhiễm và tử vong do COVID-19 thấp hơn. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng mức vitamin D “thấp nghiêm trọng” ở người già, đặc biệt là ở Tây Ban Nha và Ý.
Trong một nghiên cứu nhỏ đã công bố sơ bộ vào 7/2020 và đang được kiểm duyệt trước khi đưa ra kết luận cuối cùng, các nhà nghiên cứu đã so sánh tỷ lệ mắc COVID-19 với mức vitamin D trong dân số nói chung trước khi bắt đầu đại dịch, từ 10 quốc gia, bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Đức, Ý và Iran...; bước đầu đã tìm thấy mối tương quan chặt chẽ giữa tỷ lệ thiếu vitamin D với các biến chứng nghiêm trọng và / hoặc tử vong do COVID-19.
Ai có nguy cơ thiếu vitamin D?
Những người có màu da sẫm tự nhiên có lượng lớn sắc tố melanin ở da, do đó khả năng tạo ra vitamin D của cơ thể khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời bị giảm. Bởi vì mức độ melanin cao sẽ ức chế sản xuất vitamin D trong da. Đó là lý do phần lớn người trưởng thành da đen có tỷ lệ thiếu vitamin D cao nhất. Tiếp theo là người dân các nước khí hậu lạnh ít ánh nắng mặt trời.
Các nhóm khác có nguy cơ thiếu vitamin D, bao gồm: người cao tuổi; người có những bệnh lý như xơ gan, xơ nang và bệnh Crohn; người béo phì; người đã phẫu thuật cắt bỏ dạ dày.
Người cao tuổi thuộc nhóm nguy cơ cao mắc COVID-19.
Vitamin D liên quan gì hệ thống miễn dịch của bạn?
Các ca nhiễm trùng nặng và tử vong ở bệnh nhân COVID-19 thường liên quan đến phản ứng quá mức của hệ thống miễn dịch, gọi là “cơn bão cytokine”, được kích hoạt bởi virus SARS-CoV-2. Khi hệ thống miễn dịch phản ứng quá mức, cơ thể sẽ tạo ra một lượng quá mức các pro-cytokine gây viêm và có thể gây ra hội chứng suy hô hấp cấp tính hoặc ARDS, tổn thương mô lan rộng có thể gây suy đa tạng và tử vong.
Theo một báo cáo tháng 1/2020 trên tạp chí Nutrients, cho thấy vitamin D giúp giảm các hợp chất gây viêm trong khi sản xuất nhiều các hợp chất làm giảm viêm, một sự kết hợp có thể ngăn chặn cơn bão cytokine.
Nghiên cứu khác chỉ ra rằng, vitamin D cũng kích thích sản xuất chất cathelicidin, một peptide kháng khuẩn giúp chống lại virus, vi khuẩn và nấm. Điều này giải thích một phần lý do tại sao sự thiếu hụt vitamin D có thể dẫn đến nhiễm virus và gia tăng nhập viện.
Mặc dù vitamin D rất quan trọng đối với hệ miễn dịch, nhưng theo một số nhà nghiên cứu, vẫn còn quá sớm để nói vitamin này có vai trò quan trọng đối với mức độ nghiêm trọng của COVID-19.
Ngoài ra các nghiên cứu vẫn chưa cung cấp được thông tin lượng vitamin D là bao nhiêu để có tác dụng bảo vệ, có hay không các tác dụng phụ do dùng vitamin D khi đang bị nhiễm COVID-19?
Vậy khi đang có dịch COVID-19, có cần dùng vitamin D không và dùng lượng bao nhiêu?
Mặc dù vẫn còn nhiều ý kiến xung quanh mối liên hệ giữa sự thiếu hụt vitamin D và COVID-19, nhưng điều đó không phủ nhận thực tế, vitamin D cần thiết cho sức khỏe và chức năng miễn dịch tối ưu của cơ thể. Vitamin D có thể không phải là thuốc chữa COVID-19, nhưng nó là một phần quan trọng của chế độ ăn uống lành mạnh và tăng sức đề kháng, nhất là sức khỏe hô hấp của bạn. Ngoài ra, vitamin D cũng đóng vai trò trong cân bằng canxi; sức khỏe tuyến giáp và cân bằng hormone; sức khỏe tim mạch; tiết insulin; chức năng cơ tối ưu và sức khỏe của xương.
Vitamin D sử dụng như thế nào, liều lượng bao nhiều phải có chỉ định của bác sĩ.
Bạn có thể phải bổ sung vitamin D để đối phó với những thiếu hụt vitamin D. Tuy nhiên, bổ sung bao nhiêu, liều lượng như thế nào thì cần chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, vì thiếu hay thừa vitamin D đều gây hại cho sức khoẻ. Lượng vitamin D phụ thuộc vào sức khỏe và mức vitamin D hiện tại của bạn. Tuy nhiên, khuyến cáo chung lượng vitamin D hàng ngày là: trẻ sơ sinh đến 12 tháng dùng 400 IU (đơn vị quốc tế); trẻ trên 1 tuổi và người đến 70 tuổi: 600 IU; người trên 70 tuổi: 800 IU.
Nguồn vitamin D lấy từ đâu?
Lựa chọn thức ăn giàu vitamin D: lòng đỏ trứng, pho mát, thịt bò, nấm, dầu cá; các loại cá béo như cá hồi, cá thu và cá ngừ; sữa và các chế phẩm từ sữa, nước cam, ngũ cốc.
Thực phẩm giàu vitamin D.
Tận dụng ánh nắng mặt trời: ánh sáng mặt trời là nguồn vitamin D tự nhiên dồi dào. Chỉ cần dành khoảng 15 – 20 phút bên ngoài mỗi ngày. Có thể chỉ hai bàn tay và khuôn mặt của bạn tiếp xúc trong thời gian đó là đủ. 15 phút tiếp xúc với ánh nắng mặt trời mùa hè đã cung cấp cho bạn 3.000 - 5.000IU vitamin D.
Nếu bạn bị bệnh hoặc không thể ra ngoài, hãy trao đổi với bác sĩ để kiểm tra mức vitamin D của bạn và dùng chất bổ sung vitamin D khi cần thiết.