Hà Nội

Thiếu vi chất ở trẻ em: Rào cản của sự phát triển

26-04-2014 19:03 | Đời sống
google news

SKĐS - Tỷ lệ trẻ em ở các nước đang phát triển bị thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng vẫn còn rất cao, mặc dù đã có xu hướng giảm trong mấy thập kỷ vừa qua.

Tỷ lệ trẻ em ở các nước đang phát triển bị thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng vẫn còn rất cao, mặc dù đã có xu hướng giảm trong mấy thập kỷ vừa qua. Thiếu kết hợp nhiều loại vi chất dinh dưỡng rất thường gặp ở trẻ em các nước đang phát triển, đặc biệt ở những trẻ có cân nặng sơ sinh thấp, do phải chịu hậu quả từ tình trạng thiếu đa vi chất dinh dưỡng từ trong bụng mẹ. Một số các nghiên cứu tại Việt nam cho thấy thiếu đồng thời từ 2 vi chất dinh dưỡng trở lên ở những trẻ chậm phát triển cân nặng, chiều cao chiếm tới gần 80% trẻ trước tuổi đi học là khá phổ biến, đặc biệt ở các vùng nông thôn, miền núi. Những loại vi chất có tỷ lệ thiếu hay gặp nhất là thiếu vitamin A, thiếu sắt và thiếu kẽm.

Theo Tổ chức Y tế thế giới ước tính có khoảng 600–700 triệu người trên thế giới bị thiếu sắt. Thiếu sắt và mối liên quan với thiếu máu từ lâu đã là vấn đề có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng của toàn cầu, trong đó trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ còn bú mẹ nằm trong nhóm nguy cơ cao nhất. Thiếu máu và thiếu sắt ở trẻ nhỏ có thể dẫn tới chậm phát triển cả về tinh thần và thể chất và bị rất nhiều ảnh hưởng xấu tới sức khỏe. Tỷ lệ thiếu sắt cao nhất ở phụ nữ tuổi sinh đẻ và trẻ nhỏ, đặc biệt ở trẻ bước vào thời kỳ ăn dặm. Chủ yếu thiếu sắt gặp ở các nước đang phát triển, 53% ở ấn độ, 45% ở Indonesia, Trung quốc: 37,9%, Philipine: 31,8%, trong khi đó các nước đã phát triển tỷ lệ này tương đối thấp hơn: Mỹ: dưới 20%; Hàn quốc: 15%.

Ảnh minh họa

Tỷ lệ thiếu máu ở nước ta vẫn ở mức vừa và nặng về ý nghĩa sức khỏe cộng đồng tại hầu hết các tỉnh trên các nhóm nguy cơ : theo các điều tra toàn quốc, tỷ lệ này đạt cao nhất ở Bắc Cạn trên 70%, thấp nhất ở An giang 17%, Bắc ninh và Đắc lắc 25,6; Hà nội 32,5, Huế 38,6%. Tỷ lệ thiếu máu cao nhất ở nhóm 6-12 tháng tuổi, tới 56,9%; có xu hướng giảm khi tuổi của trẻ tăng lên: 45% ở nhóm 12-24 tháng tuổi, 38% ở nhóm 24-36 tháng tuổi, 29% ở nhóm 36-48 tháng tuổi, 19,7% ở nhóm 48-59 tháng tuổi. Tỷ lệ thiếu máu ở trẻ em cao nhất ở vùng núi Tây bắc (quanh 50%), những vùng khác tỷ lệ thiếu máu từ 20-30%. Nghiên cứu của tác giả bài này đã tiến hành theo dõi trên các trẻ suy dinh dưỡng bào thai sinh tại Bệnh viện Phụ sản trung ương năm 2008-2010 thì tỷ lệ thiếu máu chiếm trên 80%.

Những nỗ lực của Chương trình phòng chống thiếu máu thiếu sắt những năm qua đã góp phần đưa được tỷ lệ thiếu máu thiếu sắt chung ở trẻ em dưới 5 tuổi xuống còn 34,1%, giảm một nửa so với những năm 90 khi bắt đầu chương trình nhưng cho đến nay ở Việt Nam, tỷ lệ trẻ trong năm đầu đời bị thiếu máu do thiếu sắt vẫn còn ở mức rất cao tới 60-80%.

Hiện nay trên thế giới, đặc biệt ở các nước đang phát triển, đối tượng trẻ nhỏ nhất là trẻ tuổi bắt đầu ăn dặm là nhóm có tỷ lệ thiếu kẽm cao nhất. Ở Việt nam, chưa có số liệu trên toàn quốc về điều tra tình hình thiếu kẽm ở những nhóm đối tượng nguy cơ cao như trẻ nhỏ và phụ nữ tuổi sinh đẻ nhưng kết quả của một số nghiên cứu đã cho thấy tỷ lệ thiếu kẽm cao ở trẻ sơ sinh: tới 30-40%. Thiếu kẽm đang ngày càng được chứng minh là một vấn đề có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng ở Việt Nam vì những lý do sau: Trẻ em < 5 tuổi có tỷ lệ kẽm huyết thanh thấp lên tới 30-90% (cao nhất ở vùng núi cao); Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở Việt nam vẫn còn ở mức cao (> 30%); Khẩu phần ăn nghèo kẽm trong nhiều thập kỷ nay là kết quả của các cuộc điều tra khẩu phần từ trước đến nay; Tỷ lệ mắc bệnh nhiễm trùng: tiêu chảy, viêm đường hô hấp ở trẻ em rất cao; Bổ sung kẽm ở trẻ thấp còi có tác dụng rõ rệt tăng trưởng và giảm bệnh tật. Theo kết quả nghiên cứu tại Bệnh viện Phụ sản trung ương năm 2008-2010 của tác giả trên các trẻ suy dinh dưỡng bào thai cho thấy tỷ lệ kẽm huyết thanh thấp vẫn rất cao (xung quanh 50%). Đặc biệt, ở những cộng đồng có vấn đề thiếu máu thiếu sắt thường đi kèm với tình trạng thiếu kẽm do sắt và kẽm thường tập trung trong cùng một nhóm thực phẩm, vì vậy khi đã thiếu những loại thực phẩm giàu sắt thì cũng thiếu cả kẽm.

Thiếu vitamin A (kể cả thể tiền lâm sàng) cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn, tử vong, và giảm tăng trưởng ở trẻ em. Biểu hiện thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ dưới 5 tuổi chiếm tới 12,4%, trong đó tập trung nhiều nhất ở đối tượng trẻ dưới 1 tuổi. Theo số liệu thu được năm 2007 tại 40 xã ở 4 vùng sinh thái khác nhau của Việt nam, thiếu vitamin A tiền lâm sàng là 12% và thiếu máu là từ 28,4% đến 35,1%. Đặc biệt ở đối tượng trẻ dưới 6 tháng tuổi tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng rất cao chiếm tới 61,7%. Trong đó tỷ lệ thiếu vitamin A cao nhất ở Vùng miền núi phía Bắc và tỷ lệ thiếu máu cao nhất ở vùng miền núi phía Bắc và vùng Đồng bằng sông Hồng.

Nghiên cứu tại Bệnh viện Phụ sản trung ương năm 2008-2010 cũng cho tỷ lệ vitamin A huyết thanh thấp chiếm trên 60%. Và một phát hiện quan trọng là 100% trẻ suy dinh dưỡng bị thiếu vi chất dinh dưỡng, trong đó đến hơn một nửa số đối tượng suy dinh dưỡng bào thai đều có thiếu kết hợp từ hai vi chất dinh dưỡng trở lên.

Như vậy, có thể thấy tình hình thiếu kết hợp nhiều loại vi chất dinh dưỡng ở trẻ nhỏ đang là vấn đề có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng trên thế giới và cả ở Việt nam. Đây là vấn đề cấp thiết cần được ưu tiên tiến hành ngay các giải pháp phòng chống hiệu quả vì thiếu vi chất dinh dưỡng đã và đang gây ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng con người Việt nam hiện tại và tương lai!

BS. TS. Phan Bich Nga

Viện Dinh Dưỡng quốc gia


Ý kiến của bạn