Thiếu thuốc, trang thiết bị y tế không hoàn toàn do tâm lý lo ngại, sợ sai, không dám đấu thầu

28-10-2022 10:48 | Thời sự
google news

SKĐS - ĐBQH Trần Khánh Thu (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) cho rằng, tình trạng thiếu thuốc, hóa chất, vật tư y tế nguyên nhân chính không hoàn toàn do tâm lý lo ngại, sợ sai, không dám đấu thầu...

Sáng 28/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội tiến hành thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Đào tạo một cán bộ y tế giỏi không phải một sớm một chiều

Đóng góp ý kiến tại hội trường, ĐBQH Trần Khánh Thu (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) cho rằng, tình hình kinh tế - xã hội bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn còn khó khăn thách thức, nhất là trong lĩnh vực y tế. Chính vì vậy, đại biểu đã nêu thêm một số vấn đề trong ngành y tế.

Về nguồn nhân lực y tế, đại biểu Trần Khánh Thu nêu quan điểm, nhân lực đặc biệt là nhân lực y tế luôn có vai trò quan trọng quyết định đến thành công hay thất bại trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Trước tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc, làn sóng chuyển từ khu vực công sang tư khiến việc phấn đấu chỉ tiêu năm 2023 đạt 12 bác sĩ trên 10.000 dân phải cần tăng thêm 20.000 bác sĩ.

"Đây là một vấn đề thách thức cho ngành y tế nếu chúng ta không có giải pháp căn cơ trước mắt để ngăn tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc, thôi việc. Để đào tạo một cán bộ y tế giỏi không phải một sớm một chiều", đại biểu đoàn Thái Bình nhận định.

Bác sĩ học 6 năm, đi thực hành 18 tháng nhận lương chưa đến 4 triệu đồng/tháng - Ảnh 1.

Toàn cảnh phiên họp sáng 28/10.

Trong những ngày qua, các ĐBQH đã chỉ rõ nguyên nhân dẫn đến vấn đề trên, trong đó có nguyên nhân áp lực công việc, đại biểu Khánh Thu cho rằng đúng nhưng không phải bây giờ ngành y tế mới làm việc trong áp lực. Trong thời gian thảo luận xây dựng Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), các ĐBQH cũng đã nêu lên quyền hạn, trách nhiệm, nghĩa vụ của người hành nghề, của cơ sở khám chữa bệnh đều hướng tới mục tiêu "lấy người bệnh làm trung tâm".

"Nhưng có lẽ, chưa bao giờ những vụ bạo hành nhân viên y tế lại dễ dàng như trong thời gian qua. Đặc biệt, bạo hành y tế xảy ra sau 2 năm chống dịch COVID-19 khi mỗi cán bộ y tế làm việc với cường độ cao, môi trường nguy hiểm, kéo dài, áp lực từ dư luận, xã hội lên toàn ngành đã tác động đến tâm lý, động lực làm việc của mỗi cán bộ, viên chức ngành y tế chúng tôi", đại biểu trăn trở.

Lấy ví dụ cụ thể về lương, phụ cấp của nhân viên y tế trong hệ thống y tế công lập thấp, đại biểu Khánh Thu cho biết: "Một bác sĩ sau khi học 6 năm, 18 tháng thực hành để được cấp chứng chỉ hành nghề nếu tuyển dụng vào đơn vị công lập ngay thì nhận được 3.486.000 đồng, phụ cấp ưu đãi nghề là 40%. Sau khi nộp các khoản phí, BHXH, BHYT thì một bác sĩ lương nhận về chưa đến 4 triệu đồng, một điều dưỡng chưa đến 3 triệu đồng".

Bác sĩ học 6 năm, đi thực hành 18 tháng nhận lương chưa đến 4 triệu đồng/tháng - Ảnh 2.

Đại biểu Trần Khánh Thu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình.

Về vướng mắc trong công tác tài chính của cơ sở y tế, nguồn chi trả lương và phụ cấp cho viên chức, nguồn kinh phí mua thuốc, hóa chất, vật tư y tế của các đơn vị sự nghiệp y tế đang hoạt động tự chủ được trích từ nguồn thu sự nghiệp của đơn vị thông qua giá dịch vụ y tế. Trong khi giá dịch vụ y tế chưa tính đủ các yếu tố cấu thành, định mức kinh tế kỹ thuật, các chi phí trực tiếp đã lạc hậu so với thị trường. Nhờ có Nghị quyết 30 của Chính phủ thì đến năm 2021, toàn ngành y tế mới được thanh toán bổ sung 842,8 tỷ đồng do vượt định mức kinh tế kỹ thuật từ năm 2016 đến 2018.

Nguồn tài chính của đơn vị xác định từ 2 nguồn đó là ngân sách nhà nước cấp và BHYT chi trả. Ngân sách nhà nước cấp và chi trả của BHYT tổng tăng nhưng tổng chi chăm sóc sức khỏe bình quân đầu người vẫn thấp. Độ bao phủ BHYT rộng nhưng chưa bền vững, tỷ lệ BHYT giảm khi không được hỗ trợ từ nhà nước.

Tâm ý lo ngại, không dám đấu thầu không phải nguyên nhân chính

Về vấn đề thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT giữa cơ sở y tế với cơ quan BHXH còn nhiều bất cập. Theo đại biểu Khánh Thu, đối với tổng mức thanh toán thực chất tổng mức thanh toán, số tiền cơ quan BHXH xác định lại cho từng bệnh viện nhưng lại xác định sau khi quyết toán chi phí khám chữa bệnh của năm trước trong khi đó toàn bộ chi phí này nằm trong phạm vi được hưởng mức hưởng của người tham gia BHYT đã hoàn thành và được cơ quan BHXH giám định theo đúng quy định.

Thêm vào đó, việc xác định hệ số K là hệ số biến động về giá thuốc, hóa chất, vật tư y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh nhưng thực chất trong những năm qua, chỉ số K là nhóm thuốc do Tổng cục Thống kê tính toán chỉ dựa trên tính toán mặt hàng do hộ gia đình sử dụng chứ chưa căn cứ vào sự biến động thuốc sử dụng tại cơ sở khám chữa bệnh nên tổng mức thanh toán thường thấp hơn nhiều so với tổng chi phí khám chữa bệnh BHYT mà cơ sở y tế đã cung cấp dịch vụ cho người dân.

Từ ý kiến trên, bà Khánh Thu cho biết: "Nguy cơ hết năm 2022, tổng mức thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT cho các bệnh viện sẽ thấp đi rất nhiều và giảm đi rất nhiều so với chi phí thực tế cơ sở khám chữa bệnh đã sử dụng cho người bệnh".

Bác sĩ học 6 năm, đi thực hành 18 tháng nhận lương chưa đến 4 triệu đồng/tháng - Ảnh 3.

Đảm bảo thuốc, trang thiết bị vật tư y tế.

Bên cạnh đó, bà Khánh Thu nêu lên việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT cho người bệnh mắc COVID-19 có mắc bệnh khác vẫn còn vướng mắc, như hồ sơ thanh quyết toán cho người mắc COVID-19 tại các khu cách ly tập trung chưa được thanh toán; chi phí thuốc điều trị, cấp cứu cho người bệnh COVID-19 đã mua sắm từ nguồn ngân sách nhưng không sử dụng hết đề nghị sử dụng cho người bệnh BHYT và thanh toán với cơ sở khám chữa bệnh nhưng chưa được thực hiện.

Đối với tình trạng thiếu thuốc, hóa chất, vật tư y tế đã được một số ĐBQH nêu là do tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ thanh kiểm tra do vậy không dám làm, không dám đấu thầu, theo nữ đại biểu tỉnh Thái Bình thì đó hoàn toàn không phải nguyên nhân chính.

Dẫn chứng cho điều này, ĐBQH Trần Khánh Thu cho biết: "Tại tỉnh Thái Bình trong 9 tháng đầu năm 2022 các gói đấu thầu tập trung ở các địa phương thì cơ sở y tế tỉnh đã đấu thầu mua sắm 304 gói thầu nhưng số trúng thầu chỉ đạt 60-70% đối với danh mục trúng thầu. Thậm chí có những gói thầu không trúng đến 91,4%. Nguyên nhân của vấn đề này là các văn bản pháp lý mà đại biểu đã nêu lên. Để hoàn thành được các mục tiêu chăm sóc sức khỏe, bảo vệ nhân dân nhưng vẫn đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ và Nhân dân tiếp tục chia sẻ khó khăn, thách thức của ngành y tế trong giai đoạn hiện nay, nhất là trong bối cảnh ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19 vẫn đang tiếp tục".

Trong lúc chưa thể chế, sửa chữa được văn bản pháp luật, đại biểu Trần Khánh Thu đề nghị:

- Chính phủ trình Quốc hội có giải pháp cấp bách đưa vào Nghị quyết kỳ họp này để kịp thời tháo gỡ ngay;

- Quốc hội cho phép xem xét tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện việc gia hạn hiệu lực giấy đăng ký lưu hành thuốc;

- Chính phủ giải quyết dứt điểm những tồn đọng liên quan đến chi phí khám chữa bệnh đang chưa được thanh toán do chưa vượt tổng mức thanh toán;

- Chính phủ khẩn trương đôn đốc thực hiện giải ngân gói đầu tư nâng cao năng lực y tế, của hệ thống y tế theo Nghị quyết 30 và kiến nghị Quốc hội, Chính phủ trong việc phân bổ ngân sách nhà nước cần dành nguồn lực thích hợp cho ngành y tế ổn định và phát triển.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan: Nhiều bệnh viện thành 'con nợ' vì bị chậm thanh toán chi phí khám chữa bệnhBộ trưởng Đào Hồng Lan: Nhiều bệnh viện thành "con nợ" vì bị chậm thanh toán chi phí khám chữa bệnh

SKĐS - Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, nhiều cơ sở y tế bị nợ đọng do thanh toán theo tổng mức: "Không được thanh toán là một trong những nguyên nhân khiến các bệnh viện gặp khó khăn trong mua sắm, đấu thầu".


Lê Bảo
Ý kiến của bạn