Hà Nội

Thiếu nữ tuyệt sắc miền Tây qua bốn đời chồng vẫn trinh tiết

07-07-2014 20:13 | Thời sự
google news

Ở miền sông nước, vẫn còn nhiều lời đồn về câu chuyện vào đầu thập niên 1920, có người thiếu nữ tuy đã qua 4 đời chồng mà vẫn còn trinh tiết.

Ở miền sông nước, vẫn còn nhiều lời đồn về câu chuyện vào đầu thập niên 1920, có một người thiếu nữ tuổi Dần tuy đã qua 4 đời chồng mà vẫn còn trinh tiết.

Nhiều người thắc mắc, chuyện về người thiếu nữ trên chỉ là lời đồn hay có thật và dù mang tiếng có chồng 4 lần nhưng chưa lần nào người thiếu nữ ấy có được đêm tân hôn.

Ngược dòng thời gian

Về lại dòng sông Bảo Định, TP Tân An, tỉnh Long An, nối liền sông Tiền và sông Vàm Cỏ. Nơi đây, một thời ghi dấu ấn khó phai về cô thiếu nữ Tư Thảo sắc nước hương trời nhưng lại mang số kiếp tủi nhục với 4 lần sang ngang. Sở dĩ người ta cho rằng, cô Thảo qua 4 lần đò vẫn còn trinh vì vào thời ấy, đầu thập niên 1920, người con gái sau khi “coi mắt” là coi như đã có chồng.

Xung quanh giai thoại về cô Tư Thảo “có chồng 4 lần mà vẫn còn trinh”, sau này những người lớn tuổi ở Tân An mỗi người kể một phách, nhưng khá giống nhau ở chỗ cô đã 4 lần đính hôn và cả 4 lần chú rể đều yểu mệnh và chuyện chìm đò làm chết chú rể khi nhà trai chuẩn bị bước chân lên nhà gái để rước dâu. Theo cụ Tám Oanh, người đã sống gần 90 năm bên bờ sông Bảo Định, thì khi ông lớn lên đã nghe cha mẹ kể về chuyện cô Tư Thảo 4 lần có chồng...

Cô Tư tuổi Dần, SN 1902, là người con gái đẹp người, đẹp nết, thêu thùa may vá thật khéo tay, cô mở tiệm may ngay bên bờ sông Bảo Định cách không xa bến đò. Năm 17 tuổi, lần đầu tiên cô Tư được người mai mối với một thanh niên ở Bến Lức, cách Tân An khoảng 15km.

Theo tập tục của người dân Nam Bộ thời ấy, sau khi bà mai gặp gỡ gia đình 2 bên để bằng “miệng lưỡi” của mình mà thuyết phục chuyện hôn nhân, thì đến thủ tục gọi là “coi mắt”, nếu sau khi “coi mắt” mà 2 bên đều ưng ý, thì sẽ tiến tới chuyện nhà trai sang bỏ rượu, rồi đám hỏi, trước khi lễ cưới chính thức được tiến hành. Thông thường, từ ngày coi mắt cho tới ngày cưới khoảng 1 - 2 năm, có khi kéo dài tới 3 năm, tùy điều kiện của nhà gái, nhưng hiếm khi nào sớm hơn 1 năm.

Hiện TP Tân An đã có 4 chiếc cầu bắc qua sông Bảo Định là: Cầu Đúc, cầu Dây, cầu Trương Định và cống đập Bảo Định. Vào thời điểm diễn ra câu chuyện “có chồng 4 lần mà vẫn còn trinh”, chưa có chiếc cầu nào bắc qua sông Bảo Định, người dân 2 bên sông muốn qua lại phải dùng đò ngang, và chính 1 chiếc đò ngang qua sông đã làm chết 1 trong 4 chú rể của câu chuyện đang kể, khi anh trên đường đến nhà gái để đón dâu. Đó là lần người con gái trong câu chuyện gần với đêm tân hôn nhất, khi mà tiệc “nhóm họ” bên nhà gái đã đãi xong, chuẩn bị đợi nhà trai đến để đưa dâu. Vậy mà chú rể vẫn cứ ra đi như 3 lần trước.

Quá hoang mang và thất vọng, cộng với những lời đàm tiếu của người dân trong vùng, cô Tư Thảo đã bỏ xứ Tân An đi về Gia Định - Đồng Nai, sau đó không còn ai biết gì về cô nữa.

Ảnh minh họa

Những chàng rể yểu mệnh

Nhà cô Thảo ở bên kia sông qua một chiếc cầu Đúc là tới. Buổi sáng đẹp trời, có một đám cưới diễn ra ngay trên dòng sông Bảo Định. Chú rể ở Thủ Thừa, họ đi đón dâu bằng ngựa xuống Tân An rồi thuê xuồng chở qua sông đón dâu. Đám cưới tổ chức linh đình, kèn, pháo rộn ràng, người người đua chen chúc tụng. Đoàn người đón dâu khoảng 30 người, họ chia làm 3 xuồng hướng nhà gái thẳng tiến. Chiếc đi đầu gồm bà mai, ba mẹ chú rể và những người trưởng tộc, đại diện họ nhà trai. Chiếc thứ hai chở chú rể và đội bưng lễ. Chiếc cuối cùng là bà con, bạn bè thân thuộc nhà trai. Dòng sông tuy không rộng nhưng dòng nước chảy xiết. Cánh chèo đò phải cật lực chèo để giữ thăng bằng và đưa xuồng qua sông.

Khi chiếc thứ nhất chở bà mai và đại diện cập bến thì tiếng pháo đám cưới nổ vang chào mừng hai họ. Trên chiếc xuồng thứ hai, K, một thanh niên do giật mình vì tiếng pháo nổ lớn nên chao đảo làm cho xuồng cũng ngả nghiêng theo. Khi không còn thăng bằng thì xuồng bị lật. Mọi người ngã nhào xuống sông. Lúc ấy chỉ cách bờ chừng 10m, lập tức trai làng nhảy xuống cứu những người bị chìm, mọi người được cứu cả nhưng chẳng may một thanh niên và chú rể thì bị dòng xoáy nhấn chìm xuống đáy sông mất tích. Hơn một ngày sau, xác chú rể nổi lên ở sông Vàm Cỏ Tây cách đó chừng hơn 1 km. Vậy là đám cưới trở thành đám tang với những tiếng khóc ai oán, tỉ tê của người thân chú rể. Cô Tư Thảo tuy chưa một lần bái tổ tiên nhưng cũng về nhà chịu tang chồng. Sau đó 3 tháng, cô Thảo xin phép nhà chồng cho cô xả tang để về nhà với bố mẹ đẻ.

Lần thứ hai là một chàng trai người Bến Lức, mặc áo khăn dài được bà mai và cha mẹ đưa tới Tân An để coi mắt người con gái. Sau khi coi mắt mà hai bên đồng ý thì sẽ tiến tới chuyện nhà trai sang bỏ rượu rồi đám hỏi và một năm hoặc hơn thì tổ chức lễ cưới. Sau chuyến coi mắt ưng ý, nhà trai ra về chờ ngày báo hỷ. Bà mai hí hửng vì lần này trai tài đã bén duyên với gái sắc. Nhưng khi bà mai chưa bước ra khỏi nhà cô Tư Thảo thì nghe được hung tin, chú rể bị tai nạn tàu hỏa chấn thương sọ não và sau đó đã vĩnh viễn ra đi.

Chàng rể thứ 3 thì lại chết một cách oái oăm. Số là lần đó, sau khi đi coi mặt, làm lễ ăn hỏi xong rồi chỉ chờ ngày cưới vợ đẹp nữa là êm ấm. Một lần, chú rể đi xem đá banh và chết một cách đột ngột khiến mọi người không tin là sự thật. Hai đội đang hăng say đấu đá bất phân thắng bại thì trái banh văng ra ngoài xa. Chú rể xung phong chạy đi nhặt banh nhưng khi vừa cầm trái banh lên thì anh ta đứng khựng lại như trời trồng. Mọi người kêu gọi, hối thúc đưa banh vào sân để tiếp tục đá cũng không thấy động tĩnh gì. Bực mình, một thanh niên chạy tới định giật lấy trái banh thì phát hiện bạn mình cứng đơ người, mồm há hốc, bọt miệng trào ra trắng xóa, anh ta đã chết từ lúc nào.

Khoảng vài năm sau, có một chàng trai quê Kiên Giang đã luống tuổi nhưng chưa vợ được sự mai mối nên biết tới cô Thảo. Anh chàng này tuy ở xa nhưng cũng biết thông tin về cô Tư song anh vốn không tin vào mê tín nên quyết thử vận may một phen. Gia đình cô Thảo lúc đầu thấy ái ngại nhưng trước sự nhiệt thành của nhà trai nên cũng gật đầu ưng ý. Lễ coi mặt diễn ra chóng vánh, trai ưng, gái thuận. Lần này, họ phá lệ, ăn hỏi xong 3 tháng sẽ tổ chức đám cưới luôn chứ không chờ phải 1 năm như tập tục. Ngày đám hỏi, nhà trai kéo về nhà gái rất đông. Họ uống rượu, chúc mừng và cũng hồi hộp. Tiệc mừng tan, trai làng say khướt riêng chú rể vẫn tỉnh táo và còn đưa hết các bạn bè của mình về tận nhà. Một ngày trôi qua êm đẹp, không xảy ra điều xấu như một số người vẫn tiên đoán. Chú rể sau một cuộc vui, thỏa mãn vì chuẩn bị cưới được vợ đẹp lại hiền nên đặt mình là ngủ rất say. Sáng sớm hôm sau, khi mặt trời đã lên cao mà chú rể vẫn chưa dậy, em gái vào buồng lay gọi anh trai dậy thì hỡi ôi, anh trai đã chết từ bao giờ, người cứng đờ, lạnh cóng. Người ta bảo do tối hôm trước anh ta uống rượu nhiều về ngủ lại không đóng cửa sổ nên trúng gió.

Vậy là qua 4 lần làm cô dâu, chuẩn bị về nhà chồng thì tai nạn thương tâm xảy ra. Cô Tư Thảo từ đó không còn thấy xuất hiện trong làng nữa. Người ta kể, cô xin gia đình cho đi làm ăn xa và không thấy quay trở về làng. Rõ ràng đó chỉ là sự ngẫu nhiên và một phần người vùng sông nước còn nặng nề những tập tục cổ hủ khó thay đổi. Ngày nay, khi cuộc sống mới, những người con gái tuổi Dần vùng sông nước không phải chịu điều tiếng sát phu oan muôn đời như cô Tư Thảo.

Theo Phapluatxahoi.vn


Ý kiến của bạn