Thiếu nữ quê lúa lấy máu viết đơn, xin đi mở đường đánh Mỹ

30-04-2022 13:16 | Thời sự

SKĐS - 17 tuổi, bà Nguyễn Thị Bích Liên từ quê lúa Thái Bình đã lấy máu viết đơn xin ra mặt trận, trở thành nữ thanh niên xung phong với 3 lần nhận huy hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”.

Lấy gạch bỏ vào túi quần cho đủ cân để qua vòng sơ tuyển

Trong không khí kỷ niệm 47 năm Ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2022), bà Nguyễn Thị Bích Liên với dáng người nhỏ thấp, đôi mắt tinh anh, giọng nói hồ hở kể về những năm kháng chiến gian khổ nhưng đầy oai hùng.

Năm 1965 khi vừa tròn 17 tuổi, cô thiếu nữ đưa ra quyết định táo bạo xin tham gia thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước. Biết chuyện, bố mẹ không đồng tình bởi hai anh trai bà đã đi bộ đội, hơn nữa chiến trường bà Liên muốn tham gia lại rất ác liệt.

"Mẹ tôi đêm nào cũng ra cổng ngồi khóc rồi bảo thôi để đến lần sau có chỗ nào đỡ vất vả hơn thì hãy đi, giờ đi gian khổ lắm. Nhưng tôi bảo không, gian khổ thì con mới xin đi, nếu sung sướng thì con lại không đi", bà Liên kể lại.

Để thể hiện sự quyết tâm, bà Liên đã trích máu ở ngón tay viết đơn xin đi xung phong. Khi nộp xong, lo sợ không được chấp thuận nên hôm sau bà đã trốn luôn mà chẳng dám từ biệt bố mẹ.

Thiếu nữ quê lúa lấy máu viết đơn, xin đi mở đường đánh Mỹ - Ảnh 1.

Đoàn văn nghệ “Tiếng hát át tiếng bom” của Nguyễn Thị Bích Liên đi biểu diễn phục vụ chiến trường. Ảnh: NVCC

Sáng sớm hôm sau, bà Liên đi bộ vượt quãng đường khoảng 15km lên huyện Tiền Hải để báo danh. Mọi người đi đường thấy cô gái dáng người bé nhỏ, lúc đó nặng có 38kg và mang cả túi xách thì thấy lạ.

Bà Liên còn tiết lộ, ngày ấy khi khám sơ tuyển, bà phải kiễng chân, lấy 2 cục gạch bằng nắm tay bỏ vào túi quần cho đủ cân để được tham gia thanh niên xung phong. Thủ tục hoàn tất, bà Liên cùng đồng đội hành quân ra chiến trường và được giao nhiệm vụ bảo đảm giao thông đường sắt tuyến từ Phủ Lý đến cầu Yên (tỉnh Ninh Bình).

Ban ngày bà cùng đồng đội sửa từng mét đường, từng thanh tà vẹt, thanh ray đường sắt, vận chuyển, san lấp hố bom để đảm bảo thông tuyến cho bộ đội ta di chuyển. Đêm đến, bà cùng các bạn lập đội văn nghệ tự biên, tự diễn, tự sáng tác rồi biểu diễn cho các đồng chí bộ đội nghe nhằm động viên, khích lệ tinh thần các chiến sĩ.

"Cây văn nghệ" Bích Liên thời đó cũng vì thế mà nổi lên với các làn điệu chèo "đặc sản" quê lúa, với những bài thơ đậm tình người.

"… Hoan hô những người chiến sỹ cầu đường

Những cô gái xung phong ngày đêm hăng sản xuất

C không nam (đơn vị toàn nữ) nhưng tinh thần không thấp

Việc khó khăn bằng đóc cọc chăng dây

Âu thuyền Yên Phú là đây

Gánh đất khơi sông cho xà lan ta lẩn tránh

Ai đi qua cũng dừng chân đứng ngắm

Tấm tắc khen những cô gái xung phong".

Đó là bài thơ đầu tay của Nguyễn Thị Bích Liên. Nó ra đời trong hoàn cảnh bà cùng đồng đội thực hiện nhiệm vụ tạo âu thuyền cho thuyền ta tránh ngư lôi, bom đạn…

Thiếu nữ quê lúa lấy máu viết đơn, xin đi mở đường đánh Mỹ - Ảnh 2.

Đến tuổi về hưu, bà Nguyễn Thị Bích Liên đảm nhận 18 đầu việc xã hội, nổi bật là hoạt động nghĩa tình đồng đội giữa thời bình.

Nén đau thương, tự tay chôn cất nhiều đồng đội hy sinh

Tháng 7/1968, bà cùng đồng đội nhận nhiệm vụ mới di chuyển từ Ninh Bình hành quân vào Trường Sơn. "Đón" nữ thanh niên xung phong và đồng đội là trận oanh tạc dữ dội của quân địch. Khi họ vừa đặt chân đến làng Thanh Thạch (Quảng Bình) thì có tiếng súng báo động, máy bay Mỹ oanh tạc. Trước diễn biến này, bà cùng một đồng chí nữ chỉ kịp đẩy nhau nhảy xuống hầm thì bom nổ. Sau đó nghe tiếng súng hiệu lệnh, bà lao ra khỏi hầm, chạy về phía nhà Ban chỉ huy Đội. "Tuy nhiên người đột đồng đội của tôi không may mắn đã hy sinh sau trận oanh tạc đó" bà Liên khóc nấc kể lại.

Trong những chuyến thực hiện nhiệm vụ ở các điểm trọng yếu như trọng điểm 448 trên đường 15A, Cổng Trời, Km39… bà Liên nhiều lần cận kề cái chết và chứng kiến những điều đau lòng bởi mưa bom, bão đạt trút xuống hàng ngày. Một lần, bà đi công tác, về đến đơn vị thì thấy bom của địch đánh trúng nhà sinh hoạt của đơn vị. Nén đau thương, bà cùng đồng đội đã tự tay chôn cất 9 đồng đội hy sinh…

Thiếu nữ quê lúa lấy máu viết đơn, xin đi mở đường đánh Mỹ - Ảnh 3.

Ảnh chụp bà Nguyễn Thị Bích Liên năm 1968. Ảnh: NVCC

Năm 1969, cựu nữ thanh niên xung phong Nguyễn Thị Bích Liên gia nhập Đoàn Văn công "Tiếng hát át tiếng bom", thuộc Ban xây dựng 67, Bộ Giao thông Vận tải. Từ đây, bà tiếp tục mang lời ca, tiếng hát của mình đi động viên, chia sẻ với các cán bộ, chiến sĩ ở các mặt trận. Giữa rừng già, chỉ cần có một hòm đạn làm "đạo cụ", bà cùng các bạn trong đội có thể biểu diễn say sưa.

Năm 1970, Nguyễn Thị Bích Liên đã có dịp đoàn tụ với mẹ sau 5 năm trốn đi thanh niên xung phong. Ở quê nhà, không có lấy một dòng tin tức của con gái. Khi nghe tin có một cô bạn cùng quê, cùng tên với Liên hy sinh, gia đình tưởng con gái đã mất nên lập bàn thờ, cúng giỗ đã đến lần thứ hai.

Lần đoàn tụ mừng mừng, tủi tủi đó diễn ra khi bà được lệnh ra công tác ở Hà Nội. Tại Thủ đô, bà đã viết thư gửi về nhà, báo tin cho mọi người rằng mình ổn. Vài ngày sau đó, cuộc gặp gỡ giữa Bích Liên, mẹ và em gái ở Thủ đô giàn giụa trong nước mắt…

Thiếu nữ quê lúa lấy máu viết đơn, xin đi mở đường đánh Mỹ - Ảnh 4.

Bà Bích Liên (đứng giữa) trong một lần tặng quà hội viên Hội Cựu thanh niên xung phong xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì, TP Hà Nội. Ảnh: NVCC

Chiến tranh đi qua, bà Liên bỏ lại phía sau tuổi thanh xuân đã cống hiến hết mình cho Tổ quốc, để trở về Hà Nội công tác. Thời bình hiện tại, bà luôn đi đầu trong các hoạt động chữ thập đỏ, nhân đạo từ thiện. Khi thì đi xin tài trợ tại các bệnh viện để khám, chữa bệnh miễn phí cho hội viên, lúc lại đến thăm hỏi, động viên hội viên thanh niên xung phong cô đơn. Thỉnh thoảng, bà lại sang Hòa Bình, Lạng Sơn để trao tặng bò giống cho những hoàn cảnh khó khăn...

"Nghĩa tình thanh niên xung phong không chỉ trong mưa bom, bão đạn mà tiếp tục tỏa sáng trong cuộc sống đời thường. Điều này giúp chúng tôi có thêm động lực vượt qua khó khăn trong cuộc sống", bà Nguyễn Thị Bích Liên tâm sự.

Ngày thống nhất đất nước (30/4) qua nhiều cuộc triển lãm, trưng bàyNgày thống nhất đất nước (30/4) qua nhiều cuộc triển lãm, trưng bày

SKĐS - Kỷ niệm 47 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2022), nhiều cuộc triển lãm ngày hội non sông được tổ chức ở các địa phương.


Bảo Nguyên
Ý kiến của bạn