(SKDS) - Văn học thiếu nhi vẫn luôn được xem là địa hạt màu mỡ, thu hút sự quan tâm, đầu tư của nhiều thế hệ nhà văn Việt Nam. Thế nhưng, có một thực tế khá bất ngờ là trong khi mảng sách dành cho tuổi teen đang lên ngôi thì văn học dành cho đối tượng nhỏ tuổi đang bị thu hẹp đến mức báo động.
Hé lộ những cây viết mới
Trong ngôi nhà văn chương Việt Nam, văn học thiếu nhi dù chỉ “chào đời” cách đây hơn 50 năm nhưng luôn thu hút nhiều tác gia tên tuổi. Theo nhận xét của nhà văn Tô Hoài, trước năm 1945, văn học Việt Nam chỉ mới xuất hiện những tác phẩm về dòng văn học này mà chưa có phong trào sáng tác cho thiếu nhi. Chỉ đến khi NXB Kim Đồng được thành lập từ ngày 17/6/1957, làng văn Việt Nam mới hình thành “dòng chảy” được gọi tên là văn học thiếu nhi. Nhìn nhận sách văn học và sách thiếu nhi “tuy hai mà một”, ông Nguyễn Huy Thắng - Phó Giám đốc kiêm Tổng biên tập NXB Kim Đồng khẳng định: “Với NXB Kim Đồng, hai yếu tố văn học và thiếu nhi đã được gắn kết một cách hữu cơ”.
![]() |
Thực tế, ngày 17/6/1957 cũng là cột mốc quan trọng của văn học Việt Nam, bởi cùng ngày đó, NXB Hội Nhà văn Việt Nam và NXB Kim Đồng cùng được thành lập. Dòng chảy văn học thiếu nhi được khơi nguồn như một định mệnh khi Giám đốc NXB Hội Nhà văn Việt Nam là Tô Hoài và Giám đốc NXB Kim Đồng là Nguyễn Huy Tưởng không chỉ là hai nhà văn gạo cội của văn học Việt Nam mà cũng chính là những cây bút tâm huyết đối với văn học thiếu nhi. Cho đến nay, Dế mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài, Lá cờ thêu sáu chữ vàng của Nguyễn Huy Tưởng vẫn được xem là một trong những tác phẩm đầu tiên và cũng là những tác phẩm kinh điển của văn học thiếu nhi Việt Nam. Đến hẹn lại lên, cứ mỗi dịp hè về, những tác phẩm kinh điển này của văn học thiếu nhi vẫn được tái bản với nhiều hình thức khác nhau và vẫn có sức hút nhất định với thị trường sách.
Bước qua tuổi “tri thiên mệnh”, nhìn lại văn học thiếu nhi luôn được nhiều thế hệ nhà văn Việt Nam quan tâm. Từ thế hệ nhà văn đầu tiên như Đoàn Giỏi, Phạm Hổ, Võ Quảng, Nguyễn Đình Thi... đến Trần Đăng Khoa, Nguyễn Hoàng Sơn, Lê Phương Liên, Phan Thị Thanh Nhàn... thời nào văn học thiếu nhi cũng nhận được sự quan tâm của những nhà văn gạo cội, để lại những tác phẩm có giá trị cho văn học thiếu nhi. Thế nhưng, có một thực tế là sau cuộc “đổ bộ” của một thế hệ nhà văn viết cho tuổi mới lớn như Nguyễn Nhật Ánh, Bùi Chí Vinh, Nguyễn Thị Châu Giang, Phan Hồn Nhiên..., văn học thiếu nhi có bước hụt hẫng nhất định về lực lượng người viết. Thỉnh thoảng đôi ba năm, dòng chảy văn học này mới được bồi đắp một cây bút vững chãi như Nguyễn Ngọc Thuần.
Trước sự thiếu hụt những cây viết mới mẻ của văn học thiếu nhi, những năm gần đây, dòng chảy văn học này đã có nhiều hoạt động tích cực để phát hiện, bồi đắp lực lượng sáng tác trẻ. Bắt đầu từ 2011, giải thưởng Cây bút hồng của TW Đoàn TNCS HCM, Báo Thiếu niên Tiền phong cùng Hội Nhà văn Việt Nam đã được khởi động, tổ chức thường niên. Cuộc thi đã phát hiện những cây bút triển vọng như Đỗ Tú Cường, Nguyễn Đan Thi, Võ Hương Nam... Nhà văn Phong Điệp khẳng định: “Bên cạnh những nhà văn đã thành danh, xuất hiện một lực lượng đông đảo các tác giả trẻ quan tâm đến lĩnh vực này. Có thể kể đến những tác giả tiêu biểu như: Hồ Huy Sơn, Nhã Thuyên, Nguyễn Xuân Thủy, Chu Thanh Hương...”.
Sính ngoại hơn nội, teen vẫn hơn thiếu nhi
Không thể phủ nhận, thị trường văn học thiếu nhi vẫn là một mảnh đất màu mỡ được những người làm sách quan tâm, đầu tư. Bên cạnh những NXB, thời gian gần đây, không ít những nhà sách, các đơn vị truyền thông quan tâm đến văn học thiếu nhi như Nhà sách Đông A, Nhã Nam, Thaihabook... Mùa hè vẫn thường được xem là “mùa gặt” của văn học thiếu nhi, lướt các cửa hàng sách lại thấy xuất hiện những cuốn sách văn học thiếu nhi được tái bản, mới trình làng với nhiều hình thức trình bày mới lạ, hấp dẫn. NXB Kim Đồng, bên cạnh dòng sách văn học liên tục trình làng những tủ sách mới như Nghệ thuật với trẻ thơ, Thơ với tuổi thơ, Tủ sách vàng...
![]() |
|