Thiểu năng tuần hoàn não có nguy hiểm?

19-10-2017 12:12 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Thiểu năng tuần hoàn não (TNTHN) là do lượng máu cung cấp máu lên não không đủ. Ở người già thường có chức năng hoạt động bơm máu lên não suy yếu

hay những mạch máu nuôi não bị chèn ép, tắc, hẹp... nên có nguy cơ mắc bệnh rối loạn tuần hoàn não cao hơn người trẻ.

Cách nhận biết

TNTHN thường do hai nguyên nhân chính là vữa xơ động mạch và thoái hóa đốt sống cổ làm giảm lưu lượng máu nuôi dưỡng não, giảm khả năng cung cấp ô-xy cho não... gây ra nhiều triệu chứng khác nhau.

Các triệu chứng bao gồm: Nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, ù tai…; mất ngủ, rối loạn giấc ngủ; mệt mỏi, sức khỏe giảm sút dần; thần kinh luôn ở trạng thái căng thẳng; giảm khả năng lao động trí óc, trí nhớ giảm, khả năng tập trung chú ý giảm, chậm chạp, kém nhanh nhẹn; có nhiều biểu hiện rối loạn thần kinh thực vật (tim đập nhanh, dị cảm ở chân tay, rối loạn huyết động, cơn bốc hỏa...).

Đối với bệnh nhân bị TNTHN não cấp tính thì biểu hiện đầu tiên và thường thấy nhất là đau đầu. Sau một thời gian, bệnh sẽ tiến triển và mang theo nhiều triệu chứng hơn như chóng mặt, ù tai, buồn nôn, thậm chí nếu không điều trị bệnh kịp thời bệnh nhân có thể bị mất ý thức, đột quỵ, tê các chi... Thời gian biểu hiện của bệnh sẽ tăng lên khi bệnh tiến triển xấu, ban đầu chỉ là vài phút sau đó nặng hơn là vài giờ.

Thiểu năng tuần hoàn não có nguy hiểm?Thoái hóa cột sống cổ làm thiếu  máu lên não gây tình trạng  TNTHN.

TNTHN mãn tính ở người già được nhận biết qua những biểu hiện tâm lý như cảm xúc vui buồn lẫn lộn, hay cáu giận, khó chịu, mất trí nhớ tạm thời và thường xuyên cảm thấy nhức đầu ê ẩm khi thời tiết thay đổi. Bệnh TNTHN ở người già có tỷ lệ xảy ra cao ở những bệnh nhân đang mắc bệnh tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, tăng mỡ máu...Vì vậy những bệnh nhân có tiền sử hay đang bị những bệnh này thì nên để ý đến những biểu hiện của rối loạn tuần hoàn não.

Cách phòng và đ­iều trị

Hiện nay, số người bị TNTHN ở người già ngày càng tăng. Do đó, vấn đề phòng và điều trị bệnh luôn là điều được nhiều người quan tâm. Biện pháp phòng bệnh tốt nhất chính là phát hiện bệnh từ sớm bằng cách chú ý đến những biểu hiện nhỏ nhất của bệnh và đi khám sớm như đau đầu, chóng mặt, mất ngủ... Không nên nghĩ đây chỉ là những biểu hiện thường thấy của người già mà bỏ qua để tránh trường hợp bệnh trở nên nghiêm trọng.

Khi đã được xác định bị TNTHN, cần tuân theo những lời tư vấn của bác sĩ khám bệnh cho mình, nhất là chế độ ăn, tập luyện, dùng thuốc. Người cao tuổi không nên tắm nước lạnh khi mới đi ngoài trời nắng về. Mùa lạnh cần mặc ấm, nơi nằm ngủ tránh gió lùa. Khi thức dậy cần nằm tĩnh dưỡng khoảng 10 phút rồi mới ngồi dậy, tránh thay đổi tư thế đột ngột từ nằm sang ngồi dễ gây tụt huyết áp tư thế.

Nên thay đổi hành vi nếp sống, tăng cường hoạt động thể lực, nên ăn tăng rau xanh, hoa quả tươi, hạn chế các xúc cảm mạnh, tránh căng thẳng thần kinh. Nên duy trì giấc ngủ bảo đảm 7 – 8 giờ/ngày.

Về điều trị, hiện nay y học hiện đại chủ yếu là điều trị nguyên nhân (rối loạn lipid máu, thoái hóa cột sống cổ…) với các thuốc tăng cường tuần hoàn não, các thuốc bảo vệ thần kinh như tanakan, cavinton, cebrium... Cần điều trị tích cực các bệnh phối hợp như đái tháo đường, tăng huyết áp, hạn chế các yếu tố nguy cơ của bệnh xơ vữa động mạch.

Bệnh nhân cần uống thuốc đều đặn theo đơn của bác sĩ và kiên trì với chế độ ăn uống và luyện tập thể dục nhẹ nhàng và cần phải đi khám định kỳ để kiểm tra phát hiện các yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch và đột quỵ não có biện pháp điều trị dự phòng hiệu quả.

Một lưu ý nữa đối với người cao tuổi và cả người thân của những gia đình có người cao tuổi là phải chuẩn bị những kiến thức về bệnh TNTHN. Nếu người cao tuổi chưa mắc bệnh thì nên chuẩn bị những kiến thức về bệnh để kịp thời phát hiện bệnh, còn với những người cao tuổi đang bị bệnh thì hiển nhiên phải hiểu về bệnh để có cách điều trị hiệu quả nhất. Hy vọng những chia sẻ trên sẽ giúp được người già trong quá trình phòng và điều trị bệnh.


PGS. TS. Nguyễn Hoàng
Ý kiến của bạn