Nếu cơ thể bị thiếu máu quá trình trên sẽ bị ảnh hưởng và gây hại đối với sức khỏe. Một chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng là điều rất quan trọng trong phòng ngừa thiếu máu.
Vai trò của máu đối với cơ thể
Có hai thành phần chính cấu tạo nên máu, đó là các tế bào máu (hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu) và huyết tương (có dạng dung dịch màu vàng với thành phần chủ yếu là nước và có thêm các thành phần khác như đường, đạm, mỡ, vitamin, muối khoáng, men,…).
Máu đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với cơ thể, vận chuyển ô-xy từ phổi đến các tế bào ở các bộ phận, cơ quan của cơ thể, rồi vận chuyển khí CO2 từ các tế bào này về phổi, đào thải ra bên ngoài. Đồng thời máu cũng vận chuyển các chất dinh dưỡng như đường, đạm, mỡ có được nhờ quá trình tiêu hóa từ hệ tiêu hóa đến các tế bào và vận chuyển các chất thải từ quá trình chuyển hóa đến các cơ quan bài tiết. Bên cạnh đó, máu cũng vận chuyển hormone từ tuyến nội tiết đến các mô trong cơ thể. Máu còn vận chuyển nhiệt ra khỏi tế bào rồi sau đó thải ra ngoài qua hệ thống mạch máu dưới da. Máu có khả năng tham gia vào quá trình điều hòa nồng độ pH nội môi thông qua hệ thống đệm của nó. Thông qua áp suất thẩm thấu máu, máu cũng tham gia vào việc điều hòa lượng nước trong tế bào. Máu còn có khả năng chống lại sự nhiễm trùng nhờ cơ chế ẩm bào, thực bào và cơ chế miễn dịch tế bào, miễn dịch dịch thể. Máu có chức năng bảo vệ cơ thể được thể hiện thông qua cơ chế tự cầm máu khi có tổn thương tại mạch máu và có chảy máu.
Các thành phần của máu.
Một người bình thường có trung tình từ 70-80ml máu/kg cân nặng, tương đương khoảng 5-6 lít máu (chiếm từ 7-8% trọng lượng của cơ thể). Lượng máu này tỷ lệ thuận với trọng lượng cơ thể và có tính tương đối ổn định, phụ thuộc vào các yếu tố như cân nặng, giới tính, độ tuổi… Sự ổn định của lượng máu có được nhờ cơ chế điều hòa giữa lượng máu sinh ra ở tủy xương và lượng máu mất đi hàng ngày.
Lượng máu trong cơ thể có thể bị mất ổn định nếu cơ thể bị mất đi một lượng máu quá lớn hoặc tủy xương bị rối loạn chức năng sản sinh máu. Các hoạt động của cơ thể như khi mất nhiều mồ hôi hoặc mất nước thì máu sẽ bị cô đặc và lượng máu có thể giảm. Lượng máu trong cơ thể sẽ bị thay đổi do trường hợp bệnh lý như thiếu máu do mất máu, do suy tủy… dẫn đến thiếu máu.
Cơ thể sẽ ra sau khi thiếu máu?
Thiếu máu là hiện tượng giảm lượng huyết sắc tố và số lượng hồng cầu trong máu ngoại vi dẫn đến thiếu ô-xy cung cấp cho các mô tế bào trong cơ thể, trong đó giảm huyết sắc tố có ý nghĩa quan trọng nhất.
Thiếu máu thường do các nguyên nhân: Mất máu (vỡ mạch máu, chấn thương, sinh con, phẫu thuật, loét dạ dày, bệnh trĩ, khối u, bệnh ung thư...), mắc một số bệnh mạn tính (suy giáp, bệnh gan do thuốc, bệnh thận hoặc một số bệnh nhiễm trùng, ngộ độc kim loại), sản xuất hồng cầu bị lỗi hoặc giảm, thiếu máu do thiếu sắt, vấn đề về tủy xương và tế bào gốc, thiếu vitamin (folate và vitamin B12), tế bào hồng cầu bị phá hủy (do sử dụng một số loại thuốc, nhiễm trùng, nhiễm độc nhện hoặc rắn, van tim giả hoặc ghép mạch máu, lá lách tăng kích thước, rối loạn đông máu)...
Ở mức độ nhẹ, hầu hết các trường hợp thiếu máu không có dấu hiệu nào rõ ràng nên chủ yếu được phát hiện thông qua các lần kiểm tra sức khỏe định kỳ hoặc thực hiện xét nghiệm máu để chẩn đoán bệnh lý. Tuy nhiên, khi gặp những dấu hiệu sau, cần nghĩ đến tình trạng thiếu máu: Thường xuyên cảm thấy choáng váng, chóng mặt, mệt mỏi, uể oải, suy nhược cơ thể; da xanh, nhợt nhạt; hay gắt gỏng; đau đầu; khó tập trung suy nghĩ hay làm việc; móng tay, tóc dễ gãy, giòn; nhịp tim bị rối loạn; hụt hơi hoặc khó thở, tức ngực…
Các loại thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất.
Thiếu máu ở mức độ nhẹ không đáng lo bởi nó có thể cải thiện bằng chế độ dinh dưỡng, tăng cường bổ sung sắt và một số loại vitamin. Tuy nhiên, nếu thiếu máu do vấn đề bệnh lý thì cần được điều trị sớm để ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe, ảnh hưởng xấu đến chức năng hoạt động của các cơ quan trong cơ thể. Vì vậy, khi thấy có các triệu chứng trên thì nên đi khám bệnh để được khám lâm sàng và làm các xét nghiệm để có chẩn đoán và xác định nguyên nhân gây thiếu máu.
Ăn gì để bổ máu?
Tùy vào nguyên nhân của bệnh thiếu máu, bác sĩ sẽ có hướng điều trị khác nhau, không nên tự ý dùng thuốc bổ sung. Tuy nhiên hàng ngày có thể thực hiện chế độ ăn với các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng và nhóm chất cần bổ sung cho người bị thiếu máu.
Thực phẩm giàu chất sắt: Hầu hết các trường hợp thiếu máu là do thiếu sắt, bổ sung chất sắt từ thực phẩm không những nuôi dưỡng tế bào tốt hơn mà còn giảm tình trạng thiếu máu. Các thực phẩm thuộc nhóm này có thể kể đến: Thịt bò, thịt lợn, thịt gà, gan động vật, nấm, mộc nhĩ...; hải sản, nhất là hải sản có vỏ rất nhiều chất sắt và folate nên người bị thiếu máu nhất thiết phải tăng cường bổ sung (tôm, cua, hàu, cá mòi, cá thu,...); các loại rau (cải bó xôi, cải xoăn, cần tây, lá lốt, rau ngót, rau đay... là nguồn cung cấp chất sắt vô cùng đa dạng; các loại đậu là nguồn thực phẩm giàu vitamin và chất sắt (đậu đen, đậu Hà Lan, đậu xanh, đậu nành...)...
Thực phẩm giàu vitamin B: Các loại vitamin B12, B9, B6... đóng vai trò quan trọng đối với quá trình tạo hồng cầu cũng như biệt hóa nguyên bào hồng cầu. Vì thế chúng cũng rất cần đối với người bị thiếu máu. Các thực phẩm giàu vitamin B, bao gồm: Trứng, rau đậm màu, các loại đậu, măng tây, cá hồi, cá ngừ, các loại hạt, hoa quả tươi...
Thực phẩm giàu vitamin C: Vitamin C giúp phòng ngừa bệnh thiếu máu và giúp sắt được hấp thụ tốt hơn, phòng chống viêm, nhiễm... Xoài, cà chua, chanh, cam, dâu tây, ổi, nho... là loại trái cây giàu vitamin C. Việc bổ sung vitamin C tự nhiên từ trái cây sẽ giúp cơ thể giữ và hấp thụ sắt tốt hơn nhờ đó mà quá trình chuyển hóa các chất được vận chuyển bởi hồng cầu trở nên tốt hơn.
Khi thực hiện chế độ dinh dưỡng cho người thiếu máu, nên lưu ý tránh uống trà hoặc cà phê vì nó làm cản trở quá trình hấp thu sắt. Không nên hút thuốc lá bởi làm giảm hấp thụ vitamin.
Thực phẩm chứa nhiều sắt.
Các biến chứng nguy hại do thiếu máu gây ra
Suy nhược cơ thể ở mức độ nghiêm trọng, người bệnh mệt mỏi đến mức khó có thể thực hiện được các sinh hoạt đời thường. Khi thiếu máu, để bù đắp vào lượng hồng cầu bị hao hụt, tim sẽ phải bơm nhiều máu hơn mức bình thường. Tình trạng này kéo dài rất dễ dẫn đến suy tim sung huyết. Nếu bị thiếu máu di truyền rất dễ xảy ra biến chứng đe dọa tính mạng. Tình trạng thiếu máu kéo dài sẽ làm mất đi một lượng máu lớn gây thiếu máu cấp tính và dẫn đến tử vong.
Khi phụ nữ mang thai thiếu máu do thiếu folate rất dễ sinh non.
Trẻ em dưới 2 tuổi khi chế độ ăn thiếu chất sắt có nguy cơ thiếu máu, nếu không chữa trị, thiếu máu nặng có thể ảnh hưởng đến phát triển não bộ.