Hà Nội

Thiếu máu - Triệu chứng thường gặp khi bị suy thận mạn

27-04-2015 14:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới thiếu máu như suy dinh dưỡng, hồng cầu bị phá huỷ quá nhiều, chức năng tạo máu của tuỷ gặp trở ngại, mất máu.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới thiếu máu như suy dinh dưỡng, hồng cầu bị phá huỷ quá nhiều, chức năng tạo máu của tuỷ gặp trở ngại, mất máu. Những bệnh nhân suy thận mạn cũng bị thiếu máu ở các mức độ khác nhau, đó là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng bệnh trở nên nặng hơn.

Khi bị suy thận, mức độ thiếu máu luôn song hành với mức độ tổn thương của thận.

Truy tìm nguyên nhân

Suy dinh dưỡng: Người bệnh suy thận mạn bị suy nhược do có khẩu phần ăn ít mỡ, sự tạo thành protein trong cơ thể giảm thiểu nhưng trong nước tiểu lại có một lượng lớn protein bị thải ra ngoài, thêm vào nữa là phần lớn người bệnh đều chán ăn, khả năng hấp thụ của ruột cũng kém, kết quả là những chất tạo máu như Fe, acid folic, protein không đủ cung cấp cho cơ thể. Những yếu tố này khiến người bệnh bị suy dinh dưỡng, từ đó dẫn tới thiếu máu.

Lượng hồng cầu tạo ra bị suy giảm: Trong kỳ cuối của bệnh thận, thực chất thận chịu sự phá huỷ rất nghiêm trọng, chức năng thúc đẩy quá trình sản sinh hồng cầu của thận giảm, tác dụng của chất hình thành hồng cầu tuỷ yếu đi khiến quá trình sản sinh và trưởng thành của hồng cầu gặp trở ngại, từ đó dẫn tới chứng thiếu máu.

Tốc độ phá huỷ hồng cầu tăng lên: Khi bị suy thận mạn tính, lượng chất thải trong quá trình trao đổi chất được bài tiết ra ngoài cơ thể con người ít đi, nồng độ máu tăng cao. Những chất này làm gia tăng tốc độ phá huỷ hồng cầu khiến tuổi thọ của hồng cầu bị rút ngắn dẫn tới thiếu máu.

Mất máu mạn tính: Với những người bị chứng nhiễm độc nước tiểu, những chất thải và chất có nguồn gốc acid không thể tự bài tiết ra ngoài qua nước tiểu, chúng một mặt khiến chức năng đông máu có biểu hiện dị thường, mặt khác lại khiến các mao mạch máu càng giòn hơn. Người ta gọi những vật chất này là những độc tố gây nên bệnh nhiễm độc nước tiểu. Dưới tác dụng của những độc tố này, người mắc bệnh nhiễm độc nước tiểu thường có triệu chứng chảy máu mũi, chảy máu chân răng, xuất huyết dưới da và xuất huyết dạ dày. Đây cũng là nguyên nhân gây thiếu máu.

Những hệ luỵ do thiếu máu gây ra

Thiếu máu trong thời gian dài có thể dẫn đến các biến chứng về tim mạch, đột quỵ, thậm chí gây tử vong cho người bệnh. Khi bị thiếu máu, bệnh nhân thường cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt, da xanh xao, niêm mạc có màu hồng nhợt nhạt, tim đập nhanh, sức chịu đựng kém và khả năng tập trung suy giảm… Nếu có bệnh lý cơ quan nào khác đi kèm thì các triệu chứng của bệnh lý đó sẽ biểu hiện nặng thêm, ví dụ: thiếu máu có suy tim thì suy tim trở nặng hơn, dễ thiếu máu não… Theo thống kê, tỷ lệ suy thận mạn (giai đoạn 3 - 5 của bệnh thận mạn tính) là 3,1%. Ước tính theo dân số Việt Nam với tỷ lệ này thì có khoảng 7 triệu người lớn bị suy thận mạn. Trên thực tế, con số này có thể cao hơn và ngày càng gia tăng. Điều này có nghĩa là ngày càng có nhiều bệnh nhân thiếu máu do suy thận mạn.

Lời khuyên của thầy thuốc

Thiếu máu là do bệnh thận mạn tính giai đoạn cuối gây ra nên được gọi là thiếu máu do bệnh thận; tính chất thiếu máu là do thiếu sắt hoặc do tiểu bào thiếu sắc tố. Mức độ thiếu máu luôn song hành với mức độ tổn thương của thận, ở những người suy thận nặng, thiếu máu rất trầm trọng.

Như trên đã nói, thiếu máu do suy thận mạn tính có thể làm gia tăng khả năng bị các bệnh lý về tim mạch, đột quỵ, tăng nguy cơ suy thận mạn tiến triển đến giai đoạn cuối... Vì thế, việc điều trị thiếu máu cần được tiến hành sớm. Người bệnh cần ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, nhất là dưỡng chất tạo máu, đồng thời phải điều trị tình trạng nhiễm khuẩn, viêm nhiễm, mất máu (nếu có)… song song với bù đắp thiếu hụt chất erythropoietin nội sinh bằng thuốc kích thích tạo máu.

BS. Nguyễn Hải Châu

 

 

 


Ý kiến của bạn