Hà Nội

Thiếu máu thiếu sắt ở phụ nữ mang thai, bổ sung sắt như thế nào?

10-09-2022 06:43 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Ước tính tỷ lệ thiếu máu trong thai kỳ trên toàn cầu vào khoảng 41.8%, chủ yếu là thiếu máu do thiếu sắt. Thiếu máu thiếu sắt không được chẩn đoán và điều trị có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho cả thai phụ và thai nhi. Chính vì vậy, việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời là rất quan trọng.

Thiếu máu, thiếu sắt ở bà bầu và hệ lụyThiếu máu, thiếu sắt ở bà bầu và hệ lụy

SKĐS - Khi mang thai, nếu chủ quan và không coi trọng chăm sóc và theo dõi thai kỳ, bà bầu có thể gặp hệ lụy là bị thiếu máu, thiếu sắt.

1. Nguyên nhân gây thiếu máu thiếu sắt trong thời kỳ mang thai

Sắt là một nguyên tố thiết yếu tham gia vào nhiều hoạt động tế bào và các chức năng sinh lý của cơ thể như tham gia quá trình vận chuyển oxy trong máu, tổng hợp DNA và các phản ứng oxy hóa – khử.

Trong thời kỳ mang thainhu cầu sắt của cơ thể tăng cao đáng kể so với bình thường. Nguyên nhân là do cơ thể cần sắt cho sự tăng thể tích huyết tương, tạo tế bào hồng cầu, cung cấp oxy cho sự phát triển của thai nhi cũng như bù đắp lượng sắt bị mất đi trong quá trình sinh. 

Thông thường, nhu cầu sắt ở phụ nữ có thai tương ứng khoảng 1000-1200mg cho người có cân nặng trung bình 55kg, trong đó 350mg liên quan đến sự phát triển của nhau thai và thai nhi, 500mg cần thiết cho sự tăng khối lượng của hồng huyết cầu và 250 mg cho sự mất máu khi sinh.

photo-1662691130228

Trong thời kỳ mang thai, nhu cầu sắt của cơ thể tăng cao đáng kể so với bình thường.

Một số yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng thiếu máu thiếu sắt ở phụ nữ có thai:

- Khoảng cách giữa 2 lần mang thai liên tiếp gần nhau.

- Mang thai nhiều hơn 1 thai.

- Nôn quá nhiều, thường do bị nghén buổi sáng.

- Không bổ sung đủ lượng sắt cần thiết trong quá trình mang thai.

- Trước khi mang thai có cường kinh (tình trạng ra nhiều máu hơn bình thường trong chu kỳ kinh nguyệt).

- Có tiền sử thiếu máu trước khi mang thai.

2.Triệu chứng của thiếu máu thiếu sắt

Các triệu chứng ban đầu của thiếu máu thường không đặc hiệu như mệt mỏi, yếu người, đau đầu, khó thở nhẹ trong quá trình gắng sức, nhịp tim bất thường, chóng mặt hoặc choáng váng, mất khả năng tập trung…

 Như vậy, các dấu hiệu của thiếu máu thiếu sắt thường tương tự như các biểu hiện của mang thai, trong giai đoạn đầu của thiếu máu thường không có triệu chứng. Chính vì vậy, thai phụ nên thực hiện xét nghiệm máu trong quá trình thăm khám định kỳ để sớm phát hiện tình trạng thiếu máu trong thời kỳ mang thai.

Cách tốt nhất để hạn chế thiếu máu thiếu sắt ở phụ nữ mang thai là bổ sung đầy đủ sắt thông qua thực phẩm hằng ngày.

3. Ảnh hưởng của thiếu máu thiếu sắt đến sản phụ và thai nhi

Đối với sản phụ: Bà bầu nếu thiếu máu thiếu sắt dễ bị sảy thai, nhau tiền đạo, bong nhau, tăng huyết áp thai kỳđái tháo đường thai kỳ, tiền sản giật, ối vỡ sớm, nhiễm trùng hậu sản, băng huyết sau sinh. Bên cạnh đó, vấn đề băng huyết sau sinh sẽ có nguy cơ đe dọa nghiêm trọng tới tính mạng người mẹ thiếu máu thai kỳ.

Đối với thai nhi: Trẻ sinh ra bởi người mẹ thiếu máu thai kỳ cũng dễ bị thiếu máu, nhẹ cân, sinh non tháng, suy thai, tăng khả năng bị các bệnh sơ sinh hơn so với bình thường. Trẻ sơ sinh thiếu máu thiếu sắt có thể gây ra ảnh hưởng lâu dài tới phát triển trí não do sự thiếu hụt sắt sớm có tác động tiêu cực đến tế bào oligodendrocyte làm thay đổi quá trình myelin hóa và ảnh hưởng đến sự dẫn truyền thần kinh.

4. Dự phòng và điều trị thiếu máu thiếu sắt ở phụ nữ mang thai

Cách tốt nhất để hạn chế thiếu máu thiếu sắt ở phụ nữ mang thai là bổ sung đầy đủ sắt thông qua thực phẩm hằng ngày. 

Sắt có nhiều trong các loại thịt đỏ như tim, gan, thịt gia cầm, cá, nghêu, hàu, lòng đỏ trứng; các loại đậu, ngũ cốc, các loại rau có lá xanh đậm (rau chân vịt, rau cải xanh, rau muống, mồng tơi…). Trong đó, nguồn gốc động vật được coi là nguồn hấp thu sắt tốt hơn so với thực vật.

photo-1662691133637

Cách tốt nhất để hạn chế thiếu máu thiếu sắt ở phụ nữ mang thai là bổ sung đầy đủ sắt thông qua thực phẩm hằng ngày

Việc lựa chọn phương pháp điều trị thiếu máu thiếu sắt phụ thuộc vào nguyên nhân, mức độ nghiêm trọng của bệnh, thời gian còn lại tới lúc sinh cũng như các yếu tố nguy cơ, bệnh mắc kèm khác của mẹ. Thông thường, có 2 đường dùng của sắt bao gồm: Đường uống và đường tiêm.

4.1.Đường uống

Bổ sung sắt dạng uống là lựa chọn đầu tay trong trường hợp thiếu máu thiếu sắt nhẹ hoặc thiếu sắt mà không gây thiếu máu.

Thuốc bổ sung sắt cho mẹ bầu thường gồm 2 dạng:

- Sắt vô cơ (Sắt sulfat): Hạn chế của loại sắt này được tế bào ruột hấp thu sắt thụ động, lượng sắt dư thừa bị ứ đọng lại ở dạ dày ruột gây phản ứng với thức ăn, lâu dần gây tổn thương đường tiêu hóa dẫn đến các biểu hiện như ợ chua, đầy bụng, khó tiêu, nóng trong, táo bón.

- Sắt hữu cơ (Sắt fumarate và sắt gluconate): Được ruột hấp thu chủ động vào trong máu theo nhu cầu cơ thể. Lượng sắt được hấp thu được đi về những cơ quan đích như tủy xương để tạo máu hay gan để dự trữ. Lượng sắt dư thừa sẽ được đào thải ra bên ngoài qua đường tiêu hóa do đó không gây lắng đọng trong tổ chức. Do đó, sắt hữu cơ dễ hấp thu hơn và ít gây táo bón hơn so với sắt vô cơ.

Thuốc sắt dạng uống trên thị trường thường được bào chế dưới 2 dạng: Dạng nước và viên.

- Sắt nước có ưu điểm là dễ hấp thu, ít gây táo bón, ít gây nóng nhưng lại khó uống và dễ gây buồn nôn.

- Viên sắt có ưu điểm là dễ uống, không gây buồn nôn nhưng hấp thu kém hơn sắt nước và gây nóng trong nhiều hơn.

photo-1662691136467

Bổ sung sắt dạng uống là lựa chọn đầu tay trong trường hợp thiếu máu thiếu sắt nhẹ hoặc thiếu sắt mà không gây thiếu máu.

Khi bổ sung thêm viên thuốc sắt, sản phụ cần chú ý một số điểm sau:

- Thuốc được hấp thu tốt hơn nếu uống lúc bụng đói nên thường uống thuốc trước ăn 1h hoặc sau ăn 2h.

- Uống kèm với các loại nước giàu vitamin C như nước cam, nước chanh, bông cải xoăn... giúp tăng khả năng hấp thu sắt.

- Nếu cần bổ sung đồng thời cả sắt và canxi, nên uống 2 loại này cách xa nhau vì canxi làm cản trở khả năng hấp thụ sắt. Không dùng thuốc sắt cho thai phụ cùng thời điểm với sữa, thuốc bổ sung canxi hay thực phẩm giàu canxi.

- Khi uống viên bổ sung sắt cần uống nhiều nước và ăn những thực phẩm giàu chất xơ để phòng ngừa táo bón. Đặc biệt chỉ uống thuốc bằng nước đun sôi để nguội, tránh sử dụng trà hay cà phê vì sẽ làm giảm sự hấp thụ sắt.

4.2. Đường tiêm

Bổ sung sắt theo đường tiêm được chỉ định từ tam cá nguyệt thứ 2 trở lên, đường dùng phù hợp nhất là tiêm tĩnh mạch. Đường tiêm bắp nhìn chung không được khuyến cáo do hấp thu chậm, gây đau và có thể phát triển áp xe vô trùng.

5. Lời khuyên thầy thuốc

- Đa số các trường hợp thiếu máu thiếu sắt đều được điều trị bằng cách điều chỉnh chế độ ăn bổ sung thêm nhiều thực phẩm chứa sắt, dùng những chế phẩm sắt đường uống.

- Trong một số trường hợp như: Không dung nạp sắt đường uống, đáp ứng kém hoặc không đáp ứng với sắt đường uống, hấp thu thấp do mắc những bệnh về đường ruột, thiếu tuân thủ... có thể chuyển sang liệu pháp truyền sắt tĩnh mạch.

- Tuân thủ chỉ định và hướng dẫn dùng thuốc của bác sĩ chuyên khoa.

- Nếu có các triệu chứng bất thường nên báo ngay cho bác sĩ để có hướng xử lý kịp thời.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Bệnh Alzheimer trẻ hóa, nhiều người 30 tuổi đã lúc nhớ lúc quên.

DS. Phạm Quỳnh Như
Bệnh viện Trung ương Huế
Ý kiến của bạn