Nhiều người cho rằng các cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua lành tính, còn đột quỵ não mới nghiêm trọng. Đây là một nhận thức rất sai lầm. Đột quỵ não và cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua đều là tình trạng nghiêm trọng liên quan tới thiếu máu não cục bộ. Theo thống kê, khoảng 30% bệnh nhân đột quỵ trong tiền sử có các cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua. Vì vậy, cần hiểu biết đầy đủ để xử trí đúng với bệnh nhân bị cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua.
Không thể chủ quan
Khi người bệnh trải qua một cơn thiếu máu não thoáng qua, cơ thể thường có khả năng tự phục hồi nhanh, chậm nhất cũng chỉ trong vòng 24 giờ, chính vì thế gây ra tâm lý chủ quan, không kịp thời thăm khám tại các cơ sở y tế. Các biểu hiện không rõ ràng như: khi một người chợt cảm thấy yếu tay hoặc chân ở cùng một bên cơ thể, miệng méo, khó nói. Khoảng vài tiếng sau, các triệu chứng này tự khỏi. Đó chính là triệu chứng điển hình của một cơn thiếu máu não thoáng qua. Các triệu chứng phản ánh tổn thương mang tính “cục bộ”, khởi phát đột ngột, đa số kéo dài 2-20 phút và tự hết. Có khá nhiều bệnh nhân cho rằng đó chỉ là một cơn trúng gió nên không khám chuyên khoa. Đây là nhận thức sai lầm vì nó chính là dấu hiệu báo trước của một cơn đột quỵ nặng xảy ra sau đó (trong khoảng 2 tuần kế tiếp sau đó).
Một nguyên nhân quan trọng của thiếu máu não cục bộ thoáng qua là nghẽn mạch. Rất nhiều bệnh nhân thiếu máu não cục bộ thoáng qua do cục máu đông từ tim hoặc từ động mạch lớn ngoài sọ và cục máu đông đôi khi thấy ở động mạch võng mạc. Chính vì vậy, nếu có biểu hiện nghi ngờ cần được điều trị cấp cứu nhằm truy tìm nguyên nhân và can thiệp ngăn ngừa hữu hiệu nhất.
Cơn thoáng thiếu máu não là sự thiếu hụt sự cung cấp máu trong giai đoạn ngắn ở một khu vực nhất định của não bộ.
Đối tượng dễ bị thiếu máu não cục bộ
Cơn thiếu máu não thoáng qua được xem là dấu hiệu cảnh báo quan trọng của đột quỵ. Theo thông tin từ Hiệp hội Đột quỵ Mỹ. Những người trên 50 tuổi, có tiền sử bệnh về mạch máu, đái tháo đường hoặc mắc chứng rối loạn lipid máu là đối tượng nguy cơ cao.
Về lý thuyết, chỉ sau 4 hoặc 5 phút không nhận được ôxy và dưỡng chất là tế bào não đã bị hủy hoại không phục hồi được. Ở các cơn thiếu máu não và tai biến, khi một mạch máu bị tắc nghẽn thì các mạch máu xung quanh có thể “chi viện” nhưng thời gian chịu đựng không quá lâu.
Vì vậy, việc xử lý, thăm khám và điều trị giải quyết cục máu đông chỉ mang lại hiệu quả tốt nhất trong 3-4 giờ đầu.
Chẩn đoán phân biệt
Bệnh nhân có cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua cần được xét nghiệm, khảo sát các yếu tố nguy cơ: chụp cắt lớp vi tính não hoặc chụp cộng hưởng từ não, công thức tế bào máu, lipid máu, điện tim, siêu âm tim, siêu âm hệ động mạch cảnh và hệ động mạch đốt sống - thân nền.
Các xét nghiệm này nên hoàn tất trong vòng 24-48 giờ đầu sau cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua. Các kết quả xét nghiệm là cơ sở để xây dựng kế hoạch điều trị dự phòng. Ngoài việc chẩn đoán chính xác còn để loại trừ một số biểu hiện tương tự như:
Đau nửa đầu (Migraine): thường có tiền triệu, đau đầu kèm theo buồn nôn, sợ ánh sáng, sợ tiếng động. Triệu chứng tiến triển từ từ trong vòng 30 phút hoặc lâu hơn.
Ngất: thường trên bệnh nhân có tiền sử bệnh lý tim mạch. Đột ngột mất ý thức ngắn, không có các triệu chứng thần kinh khu trú khác.
Động kinh cục bộ: thường khởi phát khu trú ở một bộ phận rồi lan dần ra bộ phận khác.
Cơn mất trí nhớ thoáng qua: thường gặp ở người cao tuổi. Trong cơn vẫn tỉnh, không có triệu chứng thần kinh khu trú nào khác. Cơn kéo dài nhiều giờ.
Cơn hạ đường huyết: thường trên bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường đang điều trị. Có thể chẩn đoán nhanh khi chưa có xét nghiệm bằng cách tiêm glucose tĩnh mạch hoặc uống nước đường.
Thiếu máu não dẫn đến đột quỵ
Đột quỵ làm cho phần não rơi vào tình trạng thiếu ôxy và tế bào não sẽ chết chỉ sau vài phút. Vì vậy, nhận biết và xử lý kịp thời các dấu hiệu của đột quỵ vô cùng quan trọng.
Cơn thoáng thiếu máu não là sự thiếu hụt sự cung cấp máu trong giai đoạn ngắn ở một khu vực nhất định của não bộ. Vì thiếu máu cục bộ làm suy yếu chức năng của các tế bào não, một người mắc phải một cơn thiếu máu thoáng qua sẽ có các triệu chứng suy giảm chức năng não, chẳng hạn nói khó hoặc yếu liệt một bên tay, chân.
Các triệu chứng của một cơn thiếu máu thoáng qua có thể kéo dài từ vài phút đến vài giờ, nhưng theo định nghĩa, chúng phải biến mất trong vòng 24 giờ.
Có đến 20% số người bị thoáng thiếu máu não sẽ gặp phải một cơn đột quỵ thực sự trong 3 tháng tiếp theo.
Khi gặp phải các dấu hiệu: choáng váng đi kèm với yếu liệt một bên, rối loạn cảm giác, méo mặt, nói khó... cần nghĩ ngay đến cơn thiếu máu não thoáng qua, thậm chí là nhồi máu não.
Để phòng tránh đột quỵ cần có thói quen tập thể dục thường xuyên, tập thể lực tối thiểu 150 phút (2,5 giờ) mỗi tuần với cường độ tập trung bình hoặc 75 phút (1 giờ 15 phút) mỗi tuần với cường độ cao. Chế độ ăn cần giảm muối và tăng kali giúp hạn chế tăng huyết áp. Nên ăn nhiều thức ăn rau, củ, quả. Hạn chế mỡ động vật. Hạn chế bia, rượu. Bỏ thuốc lá nếu đang hút thuốc lá. Lưu ý, với người có tiền sử rối loạn lipid máu: kết hợp chế độ ăn hợp lý với điều trị bằng statin, có thể phối hợp nhóm fibrat nếu cần để đưa lipid máu về mức bình thường. Ở người mắc đái tháo đường, cần kết hợp điều chỉnh chế độ ăn với dùng thuốc kiểm soát đường máu. Duy trì HbA1C ở mức dưới 6,5%. Ở người mắc rối loạn lipid máu, cần kết hợp chế độ ăn hợp lý với điều trị để đưa lipid máu về mức bình thường.