Hà Nội

Thiếu máu khi mang thai có thể cải thiện qua chế độ ăn

03-08-2021 07:06 | Dinh dưỡng
google news

SKĐS - Phụ nữ mang thai là một trong những đối tượng có nguy cơ cao gặp phải tình trạng thiếu máu. Để cải thiện cần phải chú ý chế độ dinh dưỡng.

Bổ sung thực phẩm giàu sắt khi thiếu máu

Để điều trị tốt bệnh thiếu máu khi mang thai, các thai phụ nên chủ động xây dựng một chế độ ăn uống đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dinh dưỡng cũng như năng lượng. Theo đó, nên ăn ít nhất 3 phần ăn mỗi ngày các loại thực phẩm giàu chất sắt, như thịt gia cầm, thịt nạc đỏ và cá, lòng đỏ trứng, gan, thịt bò, ngũ cốc, rau lá xanh đậm, đậu phụ, các loại hạt…

Trứng gà

Trứng gà là một nguồn thực phẩm chứa nhiều chất dinh dưỡng phong phú, bao gồm canxi, chất đạm, sắt, phốt pho, vitamin và khoáng chất có lợi cho sức khỏe của cả mẹ và bé trong thai kỳ. Vì vậy, mẹ bầu nên cố gắng ăn khoảng 3 - 4 quả trứng gà vào mỗi tuần để cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể.

Dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai bị thiếu máu - Ảnh 1.

Trứng gà là thực phẩm giàu sắt, tốt cho phụ nữ mang thai bị thiếu máu.

Tăng cường thực phẩm giàu vitamin

Ngoài việc bổ sung chất sắt trong chế độ dinh dưỡng, nên tăng cường tiêu thụ các loại thực phẩm giàu vitamin để ngăn ngừa tình trạng thiếu máu trong thai kỳ như trái cây họ cam quýt, cà chua, thanh long, táo, bưởi...

Dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai bị thiếu máu - Ảnh 2.

Trái cây tươi chứa nhiếu vitamin.

Thực phẩm giàu folate

Bên cạnh đó, nên lựa chọn các loại thực phẩm giàu folate để ngăn ngừa tình trạng thiếu máu do thiếu folate trong thai kỳ. Các loại thực phẩm chứa nhiều folate thường bao gồm: rau xanh lá, trái cây hoặc nước trái cây có họ cam quýt, bánh mì và ngũ cốc bổ sung axit folic, đậu khô…

Uống viên sắt

Trong suốt khoảng thời gian mang thai cho đến khi sinh con sau một tháng, bạn nên uống mỗi ngày một viên sắt - axit folic, tương đương với 600mg sắt và 400mcg acid folic. Đối với phụ nữ mang thai bị thiếu máu cần sử dụng viên uống bổ sung theo sự chỉ định của bác sĩ.

Lưu ý khi dùng viên sắt 

Phụ nữ khi mang thai nên hạn chế tiêu thụ các loại chất có thể làm cản trở sự hấp thụ chất sắt vào cơ thể, chẳng hạn như phytate hoặc tannin thường có trong các loại trà và ngũ cốc thô. Bên cạnh đó, không nên dùng thuốc sắt chung với canxi hoặc thuốc chống loét dạ dày vì có thể làm giảm khả năng hấp thụ chất sắt của cơ thể.

 Trong trường hợp cần thiết phải sử dụng cùng lúc những loại thuốc trên, nên uống chúng cách nhau ít nhất khoảng 2 tiếng. Lưu ý, không nên dùng thuốc chứa sắt cùng với cà phê, trà hoặc sữa, vì sự kết hợp này cũng góp phần làm ảnh hưởng đến sự hấp thụ sắt.

Những bài tập thể dục buổi sáng giúp bạn tăng cường sức khỏe


Bác sĩ Bùi Phương
Ý kiến của bạn