Ảnh hưởng thiếu máu do thiếu sắt đến thai phụ và con
Thiếu máu do thiếu sắt là tình trạng cơ thể không có đủ lượng sắt cần thiết để tạo hemoglobin - một protein quan trọng của hồng cầu. Thiếu máu do thiếu sắt không chỉ ảnh hưởng đến thai phụ mà còn gây ra nhiều hậu quả xấu cho trẻ sau này. Chính vì vậy việc duy trì hemoglobin trong giới hạn bình thường là rất quan trọng.
Nguyên nhân chủ yếu của thiếu máu do thiếu sắt là do nhu cầu sắt của thai phụ cao hơn bình thường để cung cấp cho thai nhi nên tình trạng thiếu máu do thiếu sắt càng phổ biến.
Thiếu máu ở phụ nữ có thai gây nên tình trạng thiếu ô-xy ở tim, não…có thể gây những hậu quả nặng nề như sảy thai, tăng huyết áp thai kỳ, tiền sản giật…ở cả mẹ và con dễ bị nhẹ cân, sinh non tháng, suy thai, nguy cơ bệnh tim mạch…
Biểu hiện thiếu máu do thiếu sắt và cách phòng ngừa
Khi bị thiếu máu do thiếu sắt, thai phụ sẽ bị ảnh hưởng rất lớn đến tình trạng sức khỏe, vì vậy cần phải biết những biểu hiện để phát hiện và điều trị kịp thời trước khi xảy ra hậu quả khó lường.
Các biểu hiện xảy ra khi bị thiếu máu do thiếu sắt: Mệt mỏi bất thường; Da xanh xao, niêm mạc nhợt nhạt; Đau ngực, khó thở; Chóng mặt, hoa mắt, nhức đầu; Tim đập nhanh: đây cũng là một triệu chứng do thiếu sắt gây ra, nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến suy tim. Hay có những biểu hiện khác như sưng đau lưỡi và miệng; móng tay và chân dễ gãy, da tóc hư tổn, hội chứng chân bồn chồn...
Để phòng ngừa tình trạng thiếu máu do thiếu sắt thì cần phải cải thiện khẩu phần ăn: tăng các thức ăn giàu sắt như thịt, phủ tạng động vật (tim, gan, cật…), trứng, cá, thủy sản, đậu đỗ… và các thức ăn giàu Vitamin C như rau xanh, quả chín vì Vitamin C giúp tăng cường hấp thu sắt.
Phối hợp nhiều loại thức ăn khác nhau, cải tiến cách chế biến như làm giá, muối dưa… để tăng hấp thu sắt.
Bên cạnh đó phụ nữ mang thai cần uống viên sắt mỗi ngày từ khi bắt đầu có thai và cho tới một tháng đầu sau sinh.