Thiếu máu do thiếu sắt, những điều cần biết

05-05-2020 08:35 | Y học 360
google news

SKĐS - Thiếu máu do thiếu sắt hay còn gọi là thiếu máu thiếu sắt, là tình trạng xảy ra khi hồng cầu bị giảm cả về số lượng và chất lượng do thiếu sắt, cụ thể hơn là cơ thể bị thiếu máu vì không tổng hợp đủ hemoglobin do thiếu sắt.

Sắt là một nguyên tố vi lượng rất ít trong cơ thể, chiếm khoảng 0,004% và được phân bố ở nhiều loại tế bào của cơ thể. Sắt là một trong những vi chất quan trọng bậc nhất để tổng hợp nên huyết sắc tố (hay hemoglobin) của hồng cầu, có vai trò vận chuyển và phân phối O2 từ phổi đến các cơ quan, đồng thời đưa CO2 từ cơ quan về phổi nhằm đào thải ra ngoài môi trường. Sắt còn là thành phần quan trọng của nhân tế bào, giúp tăng cường hệ miễn dịch bằng cách tiêu diệt vi khuẩn và virus xâm nhập cơ thể; giúp trẻ tăng trưởng và phát triển bình thường, sản xuất và giải phóng năng lượng trong cơ thể, tăng khả năng tập trung, tăng cường sinh lực, giảm mệt mỏi...

Thế nào là thiếu máu thiếu sắt?

Trong quá trình tổng hợp hemoglobin cần phải có sự tham gia của ion sắt 2 (Fe2 ) kết hợp với protoporphyrin để tạo nên nhân Hem - thành phần chính của huyết sắc tố bên cạnh globin. Khi lượng sắt trong cơ thể không đủ đáp ứng được các nhu cầu sử dụng sắt dẫn đến giảm tổng hợp hemoglobin, hậu quả sẽ là thiếu máu hồng cầu nhỏ nhược sắc hay thiếu máu thiếu sắt.

Thiếu máu thiếu sắt là bệnh lý phổ biến gặp ở mọi lứa tuổi và ở cả hai giới nhưng phụ nữ độ tuổi sinh đẻ và trẻ em chiếm tỷ lệ cao hơn. Bệnh phổ biến trên khắp thế giới, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, do điều kiện kinh tế, dinh dưỡng cho cơ thể không đầy đủ.

Triệu chứng của bệnh thiếu máu, thiếu sắt

Triệu chứng cơ năng: Hoa mắt chóng mặt, hồi hộp đánh trống ngực khi nghỉ ngơi, khi thay đổi tư thế hoặc gắng sức. Đau đầu, mệt mỏi, giảm tập trung, giảm trí nhớ, nhức mỏi cơ xương khớp. Ăn uống kém, rối loạn tiêu hóa; rối loạn giấc ngủ; rối loạn kinh nguyệt ở nữ giới; rối loạn khả năng tình dục ở nam giới...

Triệu chứng thực thể: Khi đi khám bệnh, các bác sĩ sẽ nhận thấy hoặc dùng các biện pháp chuyên môn để phát hiện ra. Người mắc bệnh sẽ có những triệu chứng như:

Hội chứng thiếu máu: Da xanh; Niêm mạc miệng, mắt, môi, lưỡi nhợt nhạt; Gai lưỡi mòn hoặc mất khiến lưỡi nhẵn bóng; Tóc gãy rụng nhiều; Móng tay màu đục, khô, có khía, dễ gãy.

Hội chứng thiếu sắt: Tổn thương tế bào biểu mô miệng, thực quản, hầu họng, móng tay...

Các triệu chứng của suy tim, suy hô hấp ở bệnh nhân thiếu máu lâu dài không được điều trị.

Ngoài ra, cần chú trọng đến cả các triệu chứng của bệnh lý gây ra tình trạng thiếu máu trong cơ thể để giúp đưa ra chẩn đoán chính xác và điều trị nguyên nhân hiệu quả.

Hình ảnh thiếu máu thiếu sắt.

Hình ảnh thiếu máu thiếu sắt.

Nguyên nhân bệnh

Không cung cấp đủ nhu cầu về sắt: Nhu cầu về sắt tăng lên đối với trẻ em tuổi dậy thì, phụ nữ thời kỳ kinh nguyệt, phụ nữ có thai, cho con bú... Khi cơ thể không tổng hợp đủ lượng sắt cung cấp qua dinh dưỡng sẽ dễ dẫn đến thiếu máu thiếu sắt.

Chế độ ăn thiếu sắt: Do chế độ ăn uống không cân đối, khẩu phần ăn không có đủ hàm lượng sắt, chế độ ăn không hợp lý (ăn chay kéo dài, ăn kiêng), ăn uống kém (người già, người hôn mê lâu)... Sử dụng một số thực phẩm làm giảm hấp thu sắt như tanin, cà phê, nước uống có gas... Cơ thể bị giảm hấp thu sắt do mắc một số bệnh lý như: viêm dạ dày, viêm ruột; cắt đoạn dạ dày, ruột...

Mất máu do thiếu máu mạn: Mất máu trong các trường hợp cơ thể bị loét dạ dày, túi thừa meckel, polyp, u mạch máu, bệnh lý viêm đường ruột, viêm chảy máu đường tiết niệu; mất máu nhiều qua kinh nguyệt;  sau phẫu thuật, sau chấn thương, u xơ tử cung...

Rối loạn chuyển hóa sắt bẩm sinh hay cách gọi khác là Hypotransferrinemia, xảy ra khi cơ thể không tổng hợp được transferrin vận chuyển sắt. Bệnh này rất nguy hiểm, dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng cho gan, tim, xương khớp như suy tim, đau xương khớp, tiểu đường...

Trong nhiều trường hợp, nguyên nhân dẫn đến tình trạng bệnh là do sự kết hợp của nhiều nhóm nguyên nhân.

Phòng bệnh bằng cách nào?

Đa dạng hóa bữa ăn là phương pháp tốt nhất để cải thiện các nguyên tố vi lượng của cơ thể, trong đó có sắt. Để đa dạng hóa bữa ăn, cần phải kết hợp các loại thực phẩm khác nhau làm cho bữa ăn cân đối hơn về giá trị và vi chất dinh dưỡng, đồng thời làm tăng hấp thu các chất dinh dưỡng. Thực hiện chế độ ăn cân đối giàu sắt như thịt màu đỏ (thịt bò, thịt trâu...), hải sản, thịt gia cầm, trứng, bột bánh mì, đậu, lạc, bí đỏ, các loại rau xanh đậm như rau ngót, dền, muống... Tăng hấp thu sắt bằng ăn uống các loại quả giàu vitamin C như cam, chanh, dứa, nho, ổi, đu đủ... khi ăn thức ăn nhiều sắt. Không nên uống trà, cà phê ngay sau ăn.

Bổ sung sắt trong suốt thời kỳ mang thai. Theo khuyến cáo của WHO, đối với phụ nữ có thai, liều bổ sung là 60mg sắt/ngày và 400µg folic acid trong suốt thời gian có thai.

Nên nuôi trẻ bằng sữa mẹ hoặc sữa bổ sung sắt dành cho trẻ trong năm đầu đời.

Các bệnh nhiễm ký sinh trùng, sốt rét, nhiễm trùng cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh lý thiếu máu thiếu sắt trong đó có nhiễm ký sinh trùng đường ruột gây tác hại lớn nhất cho cơ thể. Do đó, việc phòng các bệnh trên là rất cần thiết.


BS. Lê Hà
Ý kiến của bạn