Thông thường lưu lượng máu giảm là kết quả của bệnh động mạch vành, là tình trạng xảy ra khi động mạch vành cung cấp máu cho cơ tim bị hẹp. Khi dòng máu đến cơ tim bị ngăn chặn hoàn toàn khiến các tế bào cơ tim bị hoại tử sẽ gây ra nhồi máu cơ tim.
Vậy biểu hiện của thiếu máu cơ tim là như thế nào và người bị bệnh cần ăn những thực phẩm gì?
Triệu chứng của thiếu máu cơ tim
Hầu hết những người bị thiếu máu cơ tim (hẹp dưới 50%) không gặp các triệu chứng hoặc hạn chế lưu lượng máu. Nhưng nếu xơ vữa động mạch tiến triển, không được điều trị thì các triệu chứng có thể xảy ra.
Cảm giác đau khó chịu ở ngực khi cơ tim không được cung cấp đủ oxy được gọi là cơn đau thắt ngực. Đây là một hội chứng lâm sàng đặc trưng bởi cảm giác khó chịu ở ngực, hàm, vai, lưng hoặc cánh tay. Cơn đau nặng hơn khi tập thể dục, gắng sức hoặc căng thẳng. Khi bệnh nặng có thể đau ngay cả lúc nghỉ ngơi.
Tần suất cơn đau thắt ngực có thể xảy ra vài tháng, vài tuần hoặc nặng hơn là vài ngày một lần. Thời gian đau diễn ra vài giây đến vài phút, có thể thuyên giảm khi nghỉ ngơi hoặc sử dụng thuốc nitroglycerin. Nhưng nếu cơn đau không thuyên giảm sau khi dùng thuốc hoặc kéo dài 15 - 20 phút thì cần đi cấp cứu, vì đó có thể là một cơn nhồi máu cơ tim.
Lưu ý là đau thắt ngực có thể xảy ra ở những người mắc bệnh van tim, bệnh cơ tim phì đại và tăng huyết áp không kiểm soát được.
Thiếu máu cơ tim còn kèm theo các triệu chứng:
- Hồi hộp.
- Tim đập nhanh.
- Vã mồ hôi.
- Buồn nôn, nôn.
- Choáng váng hoặc ngất xỉu.
- Hụt hơi, khó thở.
- Sưng ở bàn chân hoặc mắt cá chân.
Giống như các bệnh động mạch vành khác, thiếu máu cơ tim có thể không có bất kỳ triệu chứng nào cho đến khi xảy ra một cơn nhồi máu cơ tim. Trường hợp này được gọi là thiếu máu cơ tim thầm lặng.
Có nhiều người có thể bị thiếu máu cơ tim thầm lặng, thiếu máu cơ tim không đau, thậm chí là nhồi máu cơ tim không có triệu chứng báo trước. Những người từng bị nhồi máu cơ tim, người lớn tuổi hoặc người mắc bệnh đái tháo đường có nhiều nguy cơ bị thiếu máu cơ tim thầm lặng hơn.

Lối sống lành mạnh sẽ giúp bảo vệ sức khỏe và hạn chế nguy cơ mắc thiếu máu cơ tim.
Nên làm gì khi bị thiếu máu cơ tim?
Tùy vào mức độ nghiêm trọng và tình trạng sức khỏe cụ thể của người bệnh mà bác sĩ sẽ quyết định điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật hoặc cả hai.
Bên cạnh việc tuân thủ chỉ định của bác sĩ, người bệnh cần thay đổi lối sống để điều trị thiếu máu cơ tim:
- Ngủ đủ giấc.
- Tăng cường vận động.
- Giảm cân nếu bị thừa cân béo phì.
- Giảm căng thẳng.
- Bỏ thuốc lá.
- Giảm uống rượu.
Cần có chế độ ăn lành mạnh cho tim, dưới đây là một số thực phẩm người bệnh thiếu máu cơ tim cần chú ý:
1.Tăng cường thực phẩm giàu Omega - 3
Các thực phẩm giàu Omega - 3 trong các loại cá béo như cá hồi, cá ngừ, cá thu… rất tốt cho tim mạch. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng các acid béo Omega - 3 hữu ích trong việc hạ huyết áp, giảm sự hình thành của các mảng xơ vữa bám trong động mạch, giảm nguy cơ đột tử do bệnh tim mạch…
Theo khuyến cáo của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ nên ăn cá ít nhất 2 lần/tuần, bên cạnh đó bạn có thể bổ sung Omega - 3 thông qua các thực phẩm chức năng như dầu cá… Tùy vào tình trạng của bạn, bác sĩ sẽ cho bạn những chỉ định phù hợp về việc bổ sung nguồn Omega - 3 vào cơ thể.
2. Tăng cường rau xanh, hoa quả tươi
Các thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh, trái cây giúp bạn no lâu hơn, giảm cảm giác thèm ăn do làm giảm thời gian rỗng dạ dày và có thể giúp làm giảm lượng cholesterol trong máu. Đây cũng là nguồn cung cấp vitamin và khoáng chất thiết yếu như kali, canxi…
Theo các chuyên gia, bạn cần ăn khoảng 500gr rau củ và trái cây mỗi ngày, việc ăn nhiều rau củ, trái cây cũng giúp hạn chế việc thu nhận các thực phẩm có lượng calo cao như thịt đỏ, đồ ăn nhiều dầu mỡ và thức ăn nhanh. Đồng thời cũng giống như những thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật khác, rau và trái cây còn giàu chất chống oxy hóa – thành phần giúp ngăn ngừa bệnh tim mạch.
3. Ngũ cốc nguyên hạt
Một chế độ ăn giàu chất xơ từ ngũ cốc nguyên hạt có liên quan đến việc giảm LDL cholesterol và giảm nguy cơ bệnh tim. Thực phẩm có hàm lượng chất xơ hòa tan cao như yến mạch, các loại đậu và lúa mạch rất tốt để giảm mức cholesterol toàn phần. Bên cạnh đó các loại đậu và hạt là nguồn cung cấp protein thực vật, chất xơ, chất béo lành mạnh và vi chất dinh dưỡng giúp giảm nguy cơ bệnh tim mạch.
Ngoài ra ngũ cốc nguyên cám như gạo lứt, yến mạch, bánh mì đen… giàu chất xơ sẽ giúp kiểm soát tốt lượng đường huyết và hàm lượng cholesterol trong máu. Trong khi đó hàm lượng cholesterol cao là nguyên nhân chính làm hình thành mảng xơ vữa động mạch gây thiếu máu cơ tim.
Tóm lại: Một thói quen lối sống lành mạnh sẽ giúp bảo vệ sức khỏe và hạn chế nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Phòng ngừa thiếu máu cơ tim bằng cách: Không hút thuốc lá, thuốc lào, kể cả thuốc lá điện tử. Duy trì cân nặng hợp lý, giảm cân nếu bị thừa cân béo phì. Tập thể dục thường xuyên. Có chế độ ăn uống cân bằng, dinh dưỡng, tăng cường rau xanh, hoa quả, cá, hạn chế muối, đường, bổ sung mỡ và nội tạng động vật.