Sáng ngày 10/10, tại hầm xử lý chất thải chế biến hải sản Trọng Đức (ấp Láng Cát, xã Tân Hải, Tân Thành, Bà Rịa Vũng Tàu) đã xảy ra cái chết thương tâm của 2 công nhân do rơi xuống hầm xử lý nước thải, ngạt khí, tử vong là: Nguyễn Văn Chiến (27 tuổi), Nguyễn Thành Toàn (31 tuổi) cùng trú Tân Hải, Tân Thành. Vào thời điểm xảy ra tai nạn, anh Chiến và Toàn xuống hầm xử lý chất thải của nhà máy để dọn vệ sinh. Khi hai công nhân này bị nạn, một số công nhân khác xuống để cứu vớt lên, cũng có người bị ngạt khí phải cấp cứu. Cũng liên quan đến chết ngạt, trước đó, ngày 4/9/2013, ở Đồng Tháp, tại Nhà máy tinh luyện dầu cá thuộc Công ty CP Đầu tư và Phát triển đa quốc gia IDI đã xảy ra vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng. Vào thời điểm trên, các công nhân này vào bồn chứa dầu để lấy mẫu mỡ cá để kiểm nghiệm thì bất ngờ một trong số các công nhân trên có triệu chứng khó thở, nghi là bị ngạt khí. Một số công nhân khác chạy lại cứu đồng nghiệp nhưng tất cả đã bị ngạt khí. Khi vụ tai nạn thương tâm trên chưa làm nguôi lòng những người thân trong gia đình các nạn nhân ở Đồng Tháp thì tại Bạc Liêu, ngày 27/9/2013, tại Cảng cá Gành Hào, tỉnh Bạc Liêu lại xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng làm 2 người chết, 3 người bị hôn mê sâu do nghi ngộ độc khí trong lúc bốc dỡ cá từ hầm tàu biển lên vựa cá tại cảng.
Theo các cơ quan chức năng, nguyên nhân dẫn đến việc các nạn nhân bị tử vong và hôn mê sâu trên là bởi hầm cá đã bị ủ lâu ngày ngoài biển khi tàu đánh bắt. Do đó, nhiều khả năng các nạn nhân bị ngạt khí độc từ cá bị phân hủy, khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi. Bước đầu xác định các nạn nhân chết và hôn mê là do hít phải khí độc khi cá phân hủy thải ra. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là vì sao rất nhiều vụ tai nạn lao động thương tâm do chết ngạt vì khí độc có nhiều ở những nơi có sự phân hủy các chất hữu cơ và khi các nạn nhân xuống làm việc hít phải các khí độc (CO, CO2, CH4, H2S...) tích tụ lại dưới các khoang hầm dẫn đến ngạt thở và tử vong. Các cơ quan chức năng và truyền thông đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo về thực trạng nguy hiểm này nhưng các vụ việc đau lòng tương tự vẫn xảy ra. Phải chăng ở đây là do sự chủ quan của người lao động, chủ sử dụng lao động hay thiếu kiến thức về vấn đề trên? Vai trò tuyên truyền giám sát và kiểm tra của các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý lao động ở đây như thế nào?
Để tránh xảy ra các vụ tai nạn thương tâm, lời khuyên của các nhà khoa học đối với người lao động tại các hầm, mỏ là phải thường xuyên sử dụng các dụng cụ chống độc để tránh nguy hiểm. Trước các vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra ở trên, chủ lao động và các lao động cần trang bị cho mình các phương tiện bảo hộ lao động phù hợp nhằm hạn chế các vụ tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra do ngạt. Hoặc cũng có thể tự xử lý bằng việc trước khi xuống hầm phải mở nắp hầm một thời gian dài để khí mêtan và các khí độc bay hết. Nên làm thông thoáng khí trước khi xuống. Có thể cắt một cành cây nhiều lá buộc dây dài thả xuống đáy, rồi rút lên thả xuống nhiều lần trước khi cho người xuống. Bên cạnh đó, có thể áp dụng các biện pháp truyền thống như: thắp một ngọn nến hay ngọn đèn, thòng dây thả dần xuống hầm, nếu ngọn nến vẫn cháy sáng bình thường là không khí dưới hầm vẫn đủ oxy để thở. Trái lại, nếu ngọn nến chỉ cháy leo lét rồi tắt thì không nên xuống vì không khí dưới hầm thiếu oxy và có nhiều khí CO2 hoặc các khí độc khác. Cũng có thể nhốt một con gà hay một con chim vào trong lồng, buộc dây thả dần xuống hầm, nếu con vật bị chết ngạt thì người không nên xuống.
Trầm Lân - Cẩm Dương