Thiếu 23.800 nhân lực y tế dự phòng và những khoảng trống trong đào tạo, sử dụng

04-04-2023 17:15 | Y tế

SKĐS - Theo Bộ Y tế, tổng số cán bộ làm công tác y tế dự phòng từ trung ương đến tuyến huyện đáp ứng 42% nhu cầu nhân lực cần có. Số nhân lực y tế thiếu hụt là khoảng 23.800 người, trong đó bác sĩ y học dự phòng thiếu 8.075 người, cử nhân y tế công cộng thiếu 3.993 người...

Thông tin trên được Bộ Y tế nêu ra tại báo cáo việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sởy tế dự phòng của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan -  thay mặt Chính phủ, thừa uỷ quyền của Thủ tướng gửi Đoàn Giám sát của Quốc hội.

Chế độ phụ cấp chống dịch từ 75.000- 150.000 đồng/người/ngày: Còn thấp, chưa tương xứng so với quy mô, mức độ nguy hiểm của các dịch

    Bộ Y tế nêu rõ:

  • Chế độ phụ cấp thường trực 24/24 giờ gồm các mức từ 25.000 - 115.000, đồng/người/phiên trực tùy theo phân hạng bệnh viện; 
  • Chế độ phụ cấp chống dịch gồm các mức từ 75.000- 150.000 đồng/người/ngày tùy theo nhóm bệnh truyền nhiễm. Mức phụ cấp chống dịch còn thấp, chưa tương xứng so với quy mô, mức độ nguy hiểm của các dịch;
  • Chế độ phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật gồm các mức từ 15.000 - 280.000 đồng/người/phẫu thuật tùy theo công việc thực hiện và loại phẫu thuật (loại đặc biệt, loại I, loại II, loại III).
Thiếu khoảng 23.800 nhân lực y tế dự phòng và những khoảng trống trong đào tạo, sử dụng - Ảnh 1.

Tổng số cán bộ làm công tác y tế dự phòng từ trung ương đến tuyến huyện đáp ứng 42% nhu cầu nhân lực cần có.

Cũng theo báo cáo này, định mức chi sự nghiệp y tế theo tiêu chí dân số quy định tại Quyết định số 46/2016/QĐ-TTg ngày 19/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó giao các địa phương khi phân bổ phải bảo đảm thực hiện Nghị quyết 18/2008/QH12 của Quốc hội, tức là dành tối thiểu 30% ngân sách y tế cho y tế dự phòng. Qua báo cáo của các địa phương hiện còn nhiều địa phương chưa thực hiện dành ít nhất 30% ngân sách cho y tế dự phòng, có địa phương tỉ lệ ngân sách cho y tế dự phòng còn rất thấp, công tác y tế dự phòng chưa được quan tâm đúng mức...

Những khoảng trống trong chính sách đào tạo, sử dụng nhân lực y tế dự phòng

Cũng tại báo cáo này cho thấy, công tác đào tạo nguồn nhân lực làm công tác y tế dự phòng hiện nay có những khoảng trống trong chính sách đào tạo, sử dụng.

Về khoảng trống trong chính sách đào tạo

Có sự không nhất quán giữa các quy định về đào tạo và mô tả vị trí chức danh nghề nghiệp, cũng như không nhất quán giữa quy định liên quan đến đào tạo và tổ chức hiện tại. 

Cụ thể, theo quy định về văn bằng đối với một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù của hệ thống giáo dục đại học tại khoản 2 Điều 15 Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ không còn bằng bác sĩ y học dự phòng trong khi thực tế hiện nay vẫn có vị trí chức danh nghề nghiệp bác sĩ y học dự phòng tại các Trung tâm Kiểm soát bệnh tật

Ngoài ra việc không còn quy định bằng bác sĩ y học dự phòng trong nội dung khoản 2 Điều 15 Nghị định số 99/2019/NĐ-CP dẫn đến nguy cơ các sinh viện đang theo học ngành bác sĩ y học dự phòng tại các cơ sở đào tạo từ năm 2020 đến nay sẽ có thể không được cấp bằng sau khi tốt nghiệp.

Trong dự thảo Nghị định Quy định về đào tạo đặc thù trong lĩnh vực sức khỏe hiện đang xây dựng cũng không đề cập đến đào tạo bác sĩ y học dự phòng là một chuyên khoa. Dẫn đến việc đào tạo bác sĩ y học dự phòng trong tương lai có thể bị ảnh hưởng.

Về khoảng trống trong chính sách sử dụng

Theo báo cáo, hiện tại, mặc dù đã có thông tư quy định bác sĩ y học dự phòng được thi cấp chứng chỉ hành nghề "khám chữa bệnh thông thường", tuy nhiên hiện nay chưa có danh mục kĩ thuật và hoạt động chuyên môn cụ thể thuộc "các bệnh thông thường; xử trí ban đầu một số trường hợp cấp cứu tại cộng đồng".

Cùng đó, quy định bác sĩ y học dự phòng được khám chữa bệnh thông thường, dự phòng là các nhiệm vụ của y tế cơ sở nhưng định biên Trạm y tế lại không có bác sĩ y học dự phòng.

Ngoài ra, trên thực tế, các bác sĩ y học dự phòng chưa được thực hiện đúng như các vị trí chức danh nghề nghiệp đã được mô tả như:

  • Phạm vi hành nghề về y học dự phòng bị bó hẹp: bác sĩ y học dự phòng không được cấp chứng chỉ hành nghề cho những chuyên khoa dự phòng như: dinh dưỡng, nghề nghiệp, hoặc chăm sóc điều trị giảm hại (điều trị bằng methadone), cai nghiện rượu, thuốc lá, bệnh truyền nhiễm và bệnh không lây nhiễm…
  • Ngoài ra, nhân lực y tế chăm sóc sức khỏe cho người lao động (khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp) hiện nay còn thiếu hụt khi mà trên toàn quốc hiện tại có khoảng 55 triệu người lao động, số lượng người lao động tiếp xúc với các yếu tố có hại, nguy hiểm ngày càng "gia tăng".  Thiếu số lượng cán bộ y tế chuyên trách tại các trường học nên không đảm bảo đáp ứng được yêu cầu chăm sóc sức khỏe cho gần 24 triệu học sinh, sinh viên trên toàn quốc.

Đồng thời, báo cáo của Chính phủ cũng cho thấy, chính sách thu hút, đãi ngộ đối với cán bộ làm công tác y tế dự phòng, y tế trường học còn hạn chế, chưa đủ sức thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.

"Thực trạng này làm hạn chế cơ hội có thể hành nghề khám chữa bệnh nhằm duy trì và nâng cao năng lực phát hiện bệnh, xử trí dịch bệnh, điều trị các vấn đề sức khoẻ thông thường, đồng thời làm giảm cơ hội có thêm thu nhập cho bác sĩ y học dự phòng"- báo cáo nêu rõ.

Tập trung ngân sách nhà nước cho y tế dự phòng, y tế cơ sở, bệnh viện ở vùng khó khăn; Khẳng định phạm vi hành nghề cho bác sĩ y học dự phòng

Tại báo cáo đưa ra những đề xuất trong thực hiện chính sách, pháp luật về y tế dự phòng, như: trong công tác đào tạo nguồn nhân lực làm công tác y tế dự phòng cần tiếp tục đào tạo bác sĩ y học dự phòng; cần có quy định về văn bằng, chứng chỉ hành nghề, lộ trình phát triển rõ ràng để khuyến khích, thu hút sinh viên đăng ký học và thực hiện các hoạt động dự phòng trong hệ thống y tế; ưu tiên miễn hoặc giảm học phí cho ngành bác sĩ y học dự phòng để thu hút sinh viên tham gia.

Thiếu khoảng 23.800 nhân lực y tế dự phòng và những khoảng trống trong đào tạo, sử dụng - Ảnh 2.

Trên thực tế các bác sĩ y học dự phòng chưa được thực hiện đúng như các vị trí chức danh nghề nghiệp đã được mô tả(ảnh minh hoạ)

Trong công tác sử dụng nguồn nhân lực làm công tác y tế dự phòng: Khẳng định phạm vi hành nghề cho bác sĩ y học dự phòng, ban hành các danh mục kỹ thuật mà bác sĩ y học dự phòng được thực hiện trong đó bao gồm nội dung hành nghề liên quan đến khám chữa bệnh thông thường, cấp cứu, dinh dưỡng an toàn thực phẩm, khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp, tư vấn điều trị, dự phòng HIV, tiêm chủng, xét nghiệm sàng lọc bệnh...; xây dựng các văn bản, hướng dẫn để bác sĩ y học dự phòng được phép theo học và được cấp chứng chỉ hành nghề bác sĩ gia đình; 

Xem xét cấp chứng chỉ hành nghề "khám bệnh nghề nghiệp" cho các bác sĩ y học dự phòng có chứng chỉ bệnh nghề nghiệp cơ bản; mở rộng cơ hội cho bác sĩ y học dự phòng có cơ hội học tiếp bậc học cao hơn ở một số chuyên ngành có liên quan nhiều đến mô hình bệnh tật ở tuyến y tế cơ sở và các chăm sóc dự phòng như:  Y học gia đình, Truyền nhiễm,  Da liễu, Phục hồi chức năng, Y học cổ truyền,…; 

Xây dựng và triển khai các chính sách khuyến thích thu hút từ đào tạo đến sử dụng nhân lực y học dự phòng như hỗ trợ kinh phí đào tạo, đảm bảo các vấn đề về tiền lương, phụ cấp và các khoản phúc lợi cho cán bộ làm công tác y tế dự phòng.

Cùng đó ưu tiên bố trí ngân sách, bảo đảm tốc độ tăng chi cho y tế cao hơn tốc độ tăng chi ngân sách nhà nước. Tập trung ngân sách nhà nước cho y tế dự phòng, y tế cơ sở, bệnh viện ở vùng khó khăn, biên giới, hải đảo, các lĩnh vực phong, lao, tâm thần...; dành ít nhất 30% ngân sách y tế cho công tác y tế dự phòng. 

Thông tin mới nhất về tiêm vaccine COVID-19Thông tin mới nhất về tiêm vaccine COVID-19

SKĐS - Đến nay nước ta đã tiêm gần 266 triệu liều vaccine COVID-19. Bộ Y tế tiếp tục thúc đẩy việc tiêm vaccine COVID-19, đặc biệt đối với các trường hợp nguy cơ cao, trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi nhất là ở các tỉnh, thành phố lớn, khu vực trọng điểm du lịch, có lượng khách quốc tế cao...

Thái Bình
Ý kiến của bạn