1. Cảnh báo nhập viện tăng vọt do thiếu vitamin và khoáng chất
Số liệu của NHS (Dịch vụ Y ế Quốc gia Anh) cho thấy, số ca nhập viện do thiếu vitamin tăng vọt ở Anh. Theo đó, số ca nhập viện do thiếu vitamin hoặc sắt tăng hơn 10% mỗi năm và tăng gấp 10 lần so với năm 1998 - 1999.
Trong giai đoạn 2023-2024, có 191.927 ca nhập viện do nguyên nhân chính là thiếu sắt, tăng 11% so với giai đoạn 2022-2023. Con số này gần gấp 10 lần so với năm 1998-1999 (20.396 ca nhập viện do thiếu sắt).
Dữ liệu của NHS cũng cho thấy, có 2.630 ca nhập viện trong năm 2023-2024 mà nguyên nhân chính là do thiếu vitamin B (ngoài folate), tăng 15% so với năm trước và gấp hơn 3 lần so với con số 833 của năm 1998-1999.
Thiếu vitamin và khoáng chất có thể khiến bạn phải nhập viện (Ảnh minh họa).
Phân tích của hãng thông tấn PA Media, thiếu máu do thiếu vitamin B12 hay folate đã dẫn đến 3.490 ca nhập viện vào năm 2023-2024, tương tự như năm trước nhưng tăng gấp 4 lần so với năm 1998-1999 (836 ca). Sự gia tăng đáng kể số ca nhập viện do thiếu vitamin là điều đáng lo ngại, các bác sĩ cảnh báo.
GS. Kamila Hawthorne, Chủ tịch Hiệp hội các bác sĩ Hoàng gia Anh (RCGP) cho biết, số bệnh nhân được chẩn đoán thiếu sắt nhập viện tăng gần 10 lần và số bệnh nhân thiếu folate tăng gấp 4 lần, chủ yếu là do chế độ ăn thiếu dinh dưỡng, đặc biệt đáng lo ngại.
Giá thực phẩm tươi, lành mạnh tăng vọt trong vài năm qua, khiến chế độ ăn uống bổ dưỡng ngày càng trở nên đắt đỏ đối với một số người, trong khi đồ ăn nhanh thì rẻ, no bụng và dễ tiếp cận nhưng lại ít chất dinh dưỡng.
Một cuộc khảo sát gần đây của các thành viên RCGP cho thấy, khi xem xét những bệnh nhân nhập viện vì bất kỳ lý do gì nhưng cũng được ghi nhận là bị thiếu vitamin, số lượng bệnh nhân bị ảnh hưởng thậm chí còn cao hơn.
Trong năm 2023-2024, có 804.936 đợt điều trị của NHS liên quan đến những người bị thiếu máu do thiếu sắt, tăng so với con số 721.650 của năm trước. Ngoài ra còn có 38.140 đợt điều trị cho những người bị thiếu máu do thiếu vitamin B12, tăng so với mức 35.983 của năm trước và 227.097 đợt điều trị cho những người bị thiếu hụt vitamin B khác, tăng so với mức 201.320.
Có 486 đợt điều trị cho những người bị thiếu vitamin C, tăng so với 338 ca của năm trước và 773 trường hợp liên quan đến tình trạng thiếu canxi, tăng so với 758 ca. Theo đó, việc thực hiện phương pháp tiếp cận dựa trên phòng ngừa đối với sức khỏe, không chỉ cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân mà còn giảm bớt áp lực cho dịch vụ y tế.
2. Làm thế nào để nhận biết và ngăn ngừa?
2.1 Thiếu sắt
Thiếu sắt là nguyên nhân phổ biến nhất gây thiếu máu. Lượng sắt không đủ, mang thai, kinh nguyệt, chảy máu trong, không hấp thụ được sắt, lạc nội mạc tử cung và di truyền là một số lý do phổ biến gây ra tình trạng thiếu hụt này.
Dấu hiệu thiếu sắt
Theo NHS, các triệu chứng thiếu sắt bao gồm:
- Mệt mỏi và thiếu năng lượng
- Hụt hơi
- Tim đập nhanh
- Da nhợt nhạt hơn bình thường
- Đau đầu...
Nên ăn gì?
- Ăn rau xanh đặc biệt là cải xoong và cải xoăn
- Ngũ cốc và bánh mì tăng cường thêm sắt
- Thịt
- Trái cây khô như mơ, mận khô và nho khô
- Các loại đậu (đậu Hà Lan, đậu lăng và đậu lăng đen)…
2.2 Thiếu hụt vitamin B12
Thiếu hụt vitamin B12 thường dẫn đến thiếu máu và các triệu chứng thần kinh.
Dấu hiệu thiếu hụt B12
- Thở nhanh hoặc khó thở
- Đau đầu
- Khó tiêu
- Mất cảm giác thèm ăn (chán ăn)
- Hồi hộp
- Có vấn đề về thị lực
- Cảm thấy yếu hoặc mệt mỏi
- Tiêu chảy
- Lưỡi đau hoặc đỏ, đôi khi có loét miệng
- Có vấn đề về trí nhớ, sự hiểu biết và khả năng phán đoán (thay đổi nhận thức)...
Nên ăn gì?
- Thịt, đặc biệt là thịt bò (gan và nội tạng động vật) và thịt lợn
- Gia cầm, đặc biệt là gà và gà tây.
- Hải sản như cá (cá hồi, cá ngừ, cá hồi vân, cá mòi, cá thu) và động vật có vỏ (nghêu, trai, hàu, cua…).
- Các sản phẩm từ sữa như sữa, phô mai và sữa chua là nguồn cung cấp vitamin B12 tốt.
- Trứng, đặc biệt là lòng đỏ…