Thiếu hụt thuốc tê: Cục Quản lý Dược yêu cầu tìm nguồn cung, bệnh viện tìm thuốc thay thế

17-09-2022 13:40 | Y tế

SKĐS - Trước dự báo Bệnh viện Răng Hàm Mặt TW (Hà Nội) chỉ 2 tuần nữa là hết thuốc tê, Giám đốc Bệnh viện cho hay đã tìm khẩn trương nguồn thuốc thay thế; Về phía Cục Quản lý Dược cũng đã yêu cầu nhà sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu khẩn trương tìm nguồn cung ứng...

Liên quan đến thông tin thiếu thuốc tê của Bệnh viện Răng Hàm Mặt TW (Hà Nội), trao đổi với Phóng viên Báo Sức khỏe & Đời sống trưa ngày 17/9, Lãnh đạo Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cho biết, Lãnh đạo Bộ Y tế đã chỉ đạo Cục Quản lý Dược và Vụ/ Cục liên quan làm việc ngay với Bệnh viện Răng Hàm Mặt TW để nắm bắt tình hình và tháo gỡ khó khăn cho bệnh viện.

Đồng thời Lãnh đạo Bộ Y tế cũng đã yêu cầu Cục Quản lý Dược chỉ đạo các đơn vị sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu nhanh chóng tìm nguồn cung thuốc tê để đảm bảo thuốc cho nhu cầu điều trị của các bệnh viện chuyên khoa răng hàm mặt.

Sáng cùng ngày, trao đổi với phóng viên báo Sức khỏe & Đời sống, PGS.TS Trần Cao Bính- Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt TW (Hà Nội) cho biết: Hiện nay trên thị trường Việt Nam có 2 hãng cung ứng thuốc tê chính cho BV là sản phẩm sản xuất tại Pháp và tại Canada. Với nhu cầu sử dụng của bệnh viện  từ 1000 - 2000 ống (cao điểm) trên một tuần.

Thiếu hụt thuốc tê, Cục Quản lý Dược yêu cầu tìm nguồn cung; bệnh viện đã khẩn trương tìm thuốc thay thế - Ảnh 1.

PGS.TS Trần Cao Bính - Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt TW khẳng định: Bệnh viện sẽ linh hoạt đảm bảo đầy đủ thuốc vật tư để đảm bảo công tác khám chữa bệnh bình thường và đã có các giải pháp thay thế nếu việc cung ứng thuốc tê nồng độ Lidocaine 2% thiếu hụt. Ảnh: Trương Liên

Trong 2 năm đại dịch COVID 19 và giai đoạn hiện nay mặc dù có tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng vật tư, trang thiết bị nói chung và thuốc tê trong nha khoa nói riêng, Bệnh viện Răng Hàm Mặt TW (Hà Nội) luôn luôn chủ động đưa ra các giải pháp linh hoạt để không làm xáo trộn và đứt gãy việc cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe răng miệng nói chung và công tác khám chữa bệnh răng hàm mặt nói riêng, đảm bảo an toàn và quyền lợi người bệnh.

Cũng theo PGS Trần Cao Bính, trong thời gian vừa qua các công ty cung ứng thuốc tê có thông báo tới Bệnh viện về tình trạng khan hiếm thuốc tế nồng độ Lidocaine 2%. Bệnh viện đã chủ động, linh hoạt liên hệ với các nhà cung ứng thuốc tê khác cung cấp thuốc tê nồng độ Lidocaine 2% và artecaine 4% đắt hơn thuốc tê hiện tại đang dùng và dùng xen kẽ.

"Như phát biểu của Phó Giám đốc Bệnh viện phát biểu tại cuộc họp về an toàn người bệnh tại Bộ Y tế chiều hôm qua (16/9) thông báo về tình trạng khan hiếm thuốc tê có nồng độ Lidocaine 2%"- Giám đốc Trần Cao Bính cho biết, đồng thời khẳng định: Trong thời gian tới Bệnh viện Răng Hàm Mặt TW sẽ linh hoạt đảm bảo đầy đủ thuốc vật tư để đảm bảo công tác khám chữa bệnh bình thường và đã có các giải phấp thay thế nếu việc cung ứng thuốc tê nồng độ Lidocaine 2% thiếu hụt và khẳng định "không có chuyện vì thiếu thuốc tê mà bệnh viện có nguy cơ đóng cửa".

Trước đó, phát biểu tại lễ mít tinh hưởng ứng Ngày An toàn người bệnh Thế giới năm 2022 với chủ đề Sử dụng thuốc an toàn, không gây hại do Bộ Y tế tổ chức chiều ngày 16/9, TS. Phạm Thanh Hà, Phó giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt TW (Hà Nội) thông tin về tình trạng thiếu thuốc tê tại bệnh viện.

Với thuốc tê, ngoài sử dụng thuốc an toàn, nhân viên y tế cũng có nhiệm vụ làm thế nào để lựa chọn loại thuốc phù hợp nhất để thay thế loại thuốc đang dùng mà đã hết.

Với một số loại thuốc tê đã hết, bệnh viện phải thay thế bằng loại thuốc tê khác tính năng tương tự nhưng cũng rất khó.

Thuốc gây tê được chia làm 2 loại là chứa chất gây co mạch và chống gây co mạch. Loại thuốc tê có chứa chất gây co mạch có khả năng tê sâu hơn nhưng lại có nhược điểm là gây tăng huyết áp. Vì thế, người bệnh bị tăng huyết áp, tim mạch, nhịp tim nhanh không chỉ định dùng loại này...

Thiếu hụt thuốc tê, Cục Quản lý Dược yêu cầu tìm nguồn cung; bệnh viện đã khẩn trương tìm thuốc thay thế - Ảnh 3.

3 loại thuốc tê dùng trong nha khoa đang được Bệnh viện Răng Hàm Mặt TW sử dụng xen kẽ. Ảnh: Bùi Nguyệt

Theo các chuyên gia răng hàm mặt, miệng chứa nhiều đầu mút thần kinh cảm giác, cũng là nơi chứa nhiều niêm mạc nên rất nhạy cảm với bất kỳ can thiệp răng miệng nào. Vì vậy gây tê, đặc biệt là gây tê tại chỗ là một giai đoạn quan trọng nhằm giảm cảm giác đau đớn, giúp người bệnh sẽ thoải mái hơn khi bác sĩ thực hiện các thao tác trong quá trình điều trị các bệnh răng miệng.

Gây tê tại chỗ: Là một hình thức vô cảm vùng bằng cách sử dụng thuốc tê ức chế chuyên biệt và tạm thời luồng xung động thần kinh từ ngoại biên lên trung ương làm tạm thời mất cảm giác đau. Trong nhổ răng thì phương pháp gây tê tại chỗ gồm có gây tê bề mặt và gây tê tại chỗ bằng tiêm.

Gây tê bề mặt: Là phương pháp gây tê bằng cách đặt trực tiếp vào bề mặt niêm mạc miệng một số lượng thuốc tê nhất định có khả năng thẩm thấu hoặc tạo lạnh làm tê các đầu mút thần kinh ngoại biên. Phương pháp này sẽ giúp gây tê trong thời gian ngắn áp dụng cho các trường hợp dễ, nhanh như nhổ răng lung lay nhiều hoặc lấy cao răng, chích áp-xe.

Gây tê tại chỗ bằng tiêm: Dùng các loại thuốc tê để gây tê niêm mạc hoặc gây tê dây chằng.

Thuốc gây tê được dùng trong nha khoa là vật tư y tế chuyên dụng với thành phần chính là Lidocaine HCL hoặc Articaine được sản xuất và đóng gói theo hình thức chuyên dụng để dùng trong nha khoa.

BV Bạch Mai thiếu thuốc điều trị suy tuyến thượng thận, ngộ độc kim loại, Cục Quản lý Dược yêu cầu nhập khẩuBV Bạch Mai thiếu thuốc điều trị suy tuyến thượng thận, ngộ độc kim loại, Cục Quản lý Dược yêu cầu nhập khẩu

SKĐS - Theo thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai, hiện nay một số loại thuốc chuyên khoa dùng cho một số bệnh đặc biệt như: suy tuyến thượng thận, ngộ độc kim loại nặng... không có sẵn, thiếu thuốc, gây khó khăn trong công tác cấp cứu, điều trị...

Thái Bình - Bùi Nguyệt
Ý kiến của bạn