1. Thiếu vitamin D có thể gây mất ngủ
Vitamin D có nhiều vai trò quan trọng với cơ thể. Tác động của vitamin D thường được liên kết với sức khỏe của xương, cơ và miễn dịch… mà ít ai nghĩ rằng, thiếu vitamin D có thể gây ra các vấn đề về giấc ngủ như thời gian ngủ ngắn, rối loạn và chất lượng giấc ngủ kém.
Nếu không nhận đủ vitamin D từ bữa ăn hoặc tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, có thể khiến cơ thể mệt mỏi và ngủ không ngon giấc.
Do đó, ngoài việc bổ sung khi bị thiếu hụt vitamin D (khi cần theo chỉ định của bác sĩ), bạn có thể tăng lượng vitamin D hằng ngày, bao gồm các loại thực phẩm sau đây:
- Cá béo
- Dầu cá
- Lòng đỏ trứng
- Nấm
- Thực phẩm tăng cường như các sản phẩm từ sữa
- Sữa đậu nành & ngũ cốc
Phơi nắng 10-30 phút dưới ánh sáng mặt trời vào sáng sớm có thể giúp bổ sung lượng vitamin D cho cơ thể.
Thiếu một số chất dinh dưỡng có thể gây mất ngủ.
2. Thiếu omega-3
Axit béo omega -3 cần thiết cho việc điều chỉnh các hormone liên quan đến cảm giác căng thẳng cũng như giúp giảm huyết áp và giảm nguy cơ đau tim.
Những người dùng thực phẩm bổ sung omega-3 cho biết họ ngủ thêm trung bình một giờ mỗi đêm. Điều này có thể tạo ra sự khác biệt lớn về cảm giác của bạn vào buổi sáng hôm sau.
Bạn cũng có thể nhận được nhiều omega-3 hơn trong chế độ ăn uống của mình với các thực phẩm giàu loại chất béo này như: Hạt lanh, quả óc chó, trứng gà…
3. Thiếu selen
Cùng với vitamin và axit béo, khoáng chất này cũng rất quan trọng khi bạn đang cố gắng điều chỉnh chu kỳ giấc ngủ của mình.
Selen giúp bảo vệ các tế bào khỏi các gốc tự do. Nếu thiếu selen, có thể gây rụng tóc, mệt mỏi, đau khớp và chất lượng giấc ngủ bị ảnh hưởng.
Thiếu selen cũng sẽ ảnh hưởng tới cân bằng nội tiết tố, ảnh hưởng đến việc sản xuất melatonin (hormone giấc ngủ).
Lượng selen có thể được tăng lên bằng cách ăn hải sản như hàu, tôm và cá ngừ, quả hạch Brazil…
4. Thiếu vitamin C
Một số thực phẩm giàu vitamin C.
Vitamin C có liên quan chặt chẽ đến sức khỏe của hệ thống miễn dịch và không có gì ngạc nhiên khi lượng vitamin C thấp hơn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn, khiến bạn khó ngủ hơn.
Sự thiếu hụt vitamin C có thể gây đau khớp, thiếu máu và góp phần gây rối loạn tâm trạng... làm ảnh hưởng tới giấc ngủ.
Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng rối loạn giấc ngủ có thể được giảm thiểu bằng chế độ bổ sung vitamin C thường xuyên.
Cách tốt nhất để bổ sung vitamin C là tăng cường các loại thực phẩm giàu loại vitamin này như:
- Trái cây họ cam quýt
- Cà chua
- Bông cải xanh…
5. Thiếu vitamin B6
Vitamin B6 có liên quan đến các quá trình trao đổi chất và chức năng miễn dịch. Nó cũng đóng vai trò tổng hợp nhiều chất dẫn truyền thần kinh; hỗ trợ sản xuất melatonin và serotonin - hai loại hormone có tác động đến giấc ngủ và tâm trạng.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, sự thiếu hụt vitamin B6 có thể thúc đầy căng thẳng, dẫn đến rối loạn giấc ngủ. Việc bổ sung vitamin B6 có thể giúp ngăn ngừa chứng trầm cảm và mất ngủ.
Một số thực phẩm giàu vitamin B6 như:
- Trứng
- Gan
- Thịt bò
- Cà rốt…
Một đêm ngon giấc sẽ giúp cơ thể phục hồi, loại bỏ các chất thải trong quá trình trao đổi chất, tăng cường hệ thống miễn dịch và tái tạo tế bào… góp phần nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
Giấc ngủ lành mạnh có nghĩa là chúng ta có thể chìm vào giấc ngủ nhanh chóng, ngủ suốt đêm mà không gặp vấn đề gì và thức dậy sảng khoái vào sáng hôm sau.
Có nhiều cách để cải thiện giấc ngủ như: Đảm bảo rằng cơ thể không bị thiếu bất kỳ loại vitamin và khoáng chất nào ở trên, vì chúng ảnh hưởng mạnh mẽ đến chất lượng giấc ngủ và đảm bảo cho hệ thống thần kinh, quá trình sản xuất và trao đổi chất melatonin hoạt động bình thường...
Ngoài ra, những lời khuyên dưới đây cũng giúp ích trong việc cải thiện chất lượng giấc ngủ:
- Đảm bảo môi trường ngủ thoáng mát, thoải mái...
- Không uống rượu, cà phê, trà… 4 giờ trước khi đi ngủ
- Tránh các bữa ăn nặng, đầy hơi và cay ngay trước khi đi ngủ.
- Tăng cường hoạt động thể chất dưới ánh sáng tự nhiên trong ngày...
Mời độc giả xem thêm video:
Phương pháp loại bỏ căng thẳng trước khi ngủ