1. Tại sao tồn tại sự kỳ thị liên quan đến HIV?
Các thành tựu của y học đã biến HIV/AIDS từ một trong những đại dịch nguy hiểm nhất trên toàn thế giới thành một căn bệnh có thể phòng ngừa và kiểm soát được, giúp người nhiễm bệnh có được cuộc sống bình thường và khỏe mạnh.
Thế nhưng thực tế sự kỳ thị và phân biệt đối xử đối với những người nhiễm HIV vẫn tồn tại đau đó, khiến cho người nhiễm HIV không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc và điều trị được.
Trong một báo cáo của Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV và AIDS (UNAIDS) thì sự kỳ thị đã cản trở những nỗ lực giải quyết bệnh AIDS, khiến thế giới khó có thể đạt được mục tiêu chấm dứt căn bệnh này vào năm 2030.
Kỳ thị liên quan đến HIV là định kiến, nhận thức, hành vi và hành động mang tính phân biệt đối xử về HIV, các bệnh liên quan đến HIV/AIDS, các hoạt động liên quan đến nhiễm HIV và người nhiễm HIV. Sự kỳ thị có thể có nhiều hình thức, bao gồm bị cô lập, chế giễu, lạm dụng thể chất, bị từ chối dịch vụ và bị từ chối tuyển dụng…
Theo Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, chuyên gia nghiên cứu về giới tính, tình dục, sức khỏe tình dục và HIV/AIDS, có nhiều yếu tố góp phần gây ra sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV. Hầu hết các yếu tố này xuất phát từ sự thiếu hiểu biết của mọi người về những thông tin cơ bản về HIV và kết quả là họ lo sợ về những người nhiễm HIV.
Ví dụ, những lầm tưởng về cách lây lan của HIV có thể khiến mọi người sợ ôm người nhiễm HIV hoặc từ chối sử dụng nhà vệ sinh sau khi người nhiễm HIV đã sử dụng nó. Hơn nữa, hầu hết những người nhiễm HIV đều mắc bệnh này qua quan hệ tình dục hoặc tiêm chích ma túy.
Những hành vi này thường đã bị kỳ thị trong xã hội và có thể đi kèm với niềm tin đạo đức đã tồn tại từ trước. Nên nhiều người mặc định rằng HIV chỉ ảnh hưởng đến gái mại dâm hoặc những người nhiễm HIV có thể tự động bị gắn mác là đồng tính/lưỡng tính, người tiêm chích ma túy, người không chung thủy...
2. Không thể chấm dứt đại dịch nếu không chấm dứt tình trạng kỳ thị người nhiễm HIV
Sự kỳ thị khiến người nhiễm HIV không muốn tiết lộ tình trạng của mình với những người xung quanh vì những định kiến tiêu cực. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, sự kỳ thị và phân biệt đối xử hiện tại là rào cản lớn nhất đối với việc xét nghiệm, tiếp nhận và tuân thủ điều trị của người nhiễm HIV. Sự kỳ thị và phân biệt đối xử làm suy yếu các nỗ lực phòng ngừa HIV bằng cách ngăn cản các cá nhân tìm kiếm thông tin và điều trị vì sợ những hành động này làm tăng nghi ngờ về tình trạng HIV của họ.
Hơn nữa, các nghiên cứu về kỳ thị, phân biệt đối xử và hành vi tìm kiếm sức khỏe cho thấy người HIV bị kỳ thị có nguy cơ trì hoãn điều trị cho đến khi bệnh nặng cao gấp 2,4 lần. Nỗi sợ bị kỳ thị và phân biệt đối xử, cũng có thể liên quan đến nỗi sợ bạo lực, đã được chứng minh là khiến người sống với HIV không tiết lộ tình trạng của mình ngay cả với các thành viên trong gia đình và bạn tình, đồng thời làm suy giảm sự sẵn sàng tiếp cận và tuân thủ điều trị của họ.
UNAIDS khẳng định chúng ta sẽ không thể chấm dứt đại dịch nếu không chấm dứt tình trạng kỳ thị người nhiễm HIV/AIDS. Nhưng sự kỳ thị của xã hội xung quanh các bệnh truyền nhiễm như HIV/AIDS chỉ có thể được phá bỏ thông qua nhận thức. Vì vậy cần tăng cường giáo dục và truyền thông để tăng cường nhận thức và sự hiểu biết để tiến tới loại trừ HIV/AIDS.
Mời xem thêm video được quan tâm:
Vai trò của các tổ chức xã hội, khu vực tư nhân trong thực hiện các dịch vụ dự phòng bền vững | SKĐS