Khảm trai vốn là một nghệ thuật trang trí truyền thống lâu đời của Việt Nam, như một thứ “trang sức” độc đáo và sang trọng cho các đồ vật với chất liệu gỗ như đũa, bàn ghế, giường sập, tủ, bình phong, tranh treo tường... Với bàn tay khéo léo, óc sáng tạo phong phú của những người thợ khảm, những tác phẩm mang đậm sắc thái văn hóa của vùng đất chiêm trũng đồng bằng Bắc Bộ đang trở thành môn nghệ thuật thu hút công chúng trong và ngoài nước.
Công phu nghề khảm
Nghệ thuật khảm trai từng được coi là cái nôi tinh hoa làng nghề Việt Nam bởi lịch sử hơn 1.000 năm và biết bao sóng gió mà nghề này đã trải qua.
Các làng nghề khảm trai ở Việt Nam hiện nay chưa có cơ hội mở rộng thị trường một cách chuyên nghiệp.
Khảm trai khác biệt với những môn nghệ thuật trang trí khác bởi chi tiết rất sinh động và đặc sắc. Những mảnh trai vô tri, vô giác qua bàn tay khéo léo, óc sáng tạo phong phú được gắn vào gỗ trở thành sản phẩm có giá trị văn hóa, nghệ thuật cao. Để tạo ra một tác phẩm hoàn thiện, người thợ khảm phải thực hiện rất nhiều công đoạn vất vả. Ban đầu là sáng tác bản vẽ, mài, cưa, đục mảnh, thứ hai là hạ mặt tranh khảm; thứ ba là mài, đánh bóng mặt khảm. Công đoạn cưa, đục các mảnh trai là nặng nhọc nhất. Với một mảnh vỏ trai, người thợ chỉ chọn lấy được 3, 4 miếng. Vỏ trai muốn thẳng thì phải đem ngâm nước rồi hơ trên lửa nóng để uốn lại. Khi đục phải nhìn tinh, chọn thớ thì đục mới không bị vỡ. Công đoạn mài rất tỉ mỉ công phu, không có lòng kiên nhẫn thì không mài nổi miếng trai, mài đến bao giờ phần vỏ ngoài mòn hết chỉ còn trơ lại lớp xà cừ mới thôi. Vỏ trai, vỏ ốc dày mỏng khác nhau nên chỉ có mài thủ công bằng tay mới được, máy móc không thể thay thế công đoạn này. Sau khi đã có được các miếng đầy đủ cho mặt tranh, người ta hạ mặt tranh khảm, dùng sơn ta cẩn thận gắn vào gỗ. Hàng trăm, hàng nghìn miếng trai dính chặt vào mặt gỗ đã trạm sẵn mảng hình, mặt tranh hiện lên đầy đủ và đẹp đẽ các hình ảnh từ dân gian đến đương đại...
Khâu cuối cùng là mài mặt khảm và đánh bóng, người ta dùng sơn hòa với nhọ bấc đèn miết lên mặt tranh khảm rồi mài. Mài xong lại đánh bóng bằng cách lấy giấy ráp loại mịn mặt có số nhỏ nhất chấm vào thuốc hoặc bột vôi mà đánh. Lựa chọn tốt nhất là đánh bóng bằng lá cây ngải chấm với bột vôi. Một tác phẩm khảm trai đạt yêu cầu phải đảm bảo những yếu tố: mảnh trai không vỡ, luôn phẳng, đục gắn xuống gỗ phải thật khít.
Phát triển nhưng vẫn... buồn
Cách trung tâm Thủ đô khoảng 40km, xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, về làng Chuôn Thượng, ngay từ những bước chân đầu tiên, bất cứ ai cũng có thể cảm nhận được ngay mùi khét đặc trưng của những mảnh ốc, mảnh trai đang được mài rũa để tạo nên thứ nghệ thuật làm đẹp cho đời.
Xã Chuyên Mỹ với hàng loạt các làng nghề khảm trai liền kề nhau san sát như Chuôn Thượng, Chuôn Trung, Chuôn Hạ, Chuôn Ngọ... gần đây thu hút rất đông lao động địa phương tham gia vào các cơ sở sản xuất. Theo ghi chép, nghề khảm trai nơi đây phát triển vào khoảng thế kỷ XI-XVI. Hiện nay, nguyên liệu khảm trai ở Chuyên Mỹ không chỉ có vỏ trai, vỏ ốc trong nước mà còn nhập ngoại từ Hồng Kông, Singapore, Indonesia... Đặc biệt, 30 năm trở lại đây, do nhu cầu của thị trường, nghề khảm trai ở một số địa phương phát triển mạnh, cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh xảo, hiếm nơi nào có được. Riêng làng Chuôn Ngọ, khảm trai của họ đã trở thành một thương hiệu đẳng cấp.
Sản phẩm của làng nghề này không chỉ được sử dụng ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... mà còn chinh phục được cả những khách hàng khó tính như Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản. Sản phẩm làm tới đâu là bán hết tới đó, vì hết thảy đều do khách hàng đến tận nơi tìm đặt trước. Hiện giờ, nghệ nhân làng Chuôn Ngọ đang chủ động cải tiến dần kỹ thuật khảm, sáng tạo nhiều mẫu mã đa dạng, chế tác đồ trang trí, lưu niệm: hộp, khay trầu, ấm tích, câu đối... và bắt đầu kết hợp với dòng tác phẩm chạm nổi bằng xương ốc, trai... tạo ra nhiều sản phẩm phong phú, mang tính kỹ - mỹ cao, nhưng vẫn giữ được giá trị truyền thống, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hướng ra xuất khẩu, chinh phục thị trường nước ngoài.
Có thể nói, sức sáng tạo không ngừng nghỉ của lớp nghệ nhân làng nghề này đã góp phần không nhỏ trong việc quảng bá một nét tinh hoa văn hóa nghệ thuật Việt Nam ra thế giới. Chỉ tiếc, những làng nghề khảm trai hiện nay chưa có cơ hội mở rộng thị trường một cách chuyên nghiệp, họ cũng không có những trung tâm thương mại để trao đổi, giao lưu kinh tế - văn hóa và bày bán sản phẩm. Thậm chí những tác phẩm khảm trai mang tính nghệ thuật cao cũng chưa có dịp được phô bày vẻ đẹp tại các cuộc triển lãm trong nước. Người làm nghề vì thế không khỏi chạnh lòng vì sự thiệt thòi này.