Thiếu chỉ tiêu, nhiều trường đại học chật vật xét tuyển bổ sung

02-11-2023 09:50 | Thời sự

SKĐS - Thời điểm này, hầu hết các cơ sở giáo dục đại học đã ổn định việc dạy và học, tuy nhiên nhiều trường đại học có ngành chỉ tuyển sinh được vài chỉ tiêu và thông báo tiếp tục xét tuyển bổ sung đợt 3 với hàng trăm chỉ tiêu.

Theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, căn cứ chỉ tiêu tuyển sinh và số thí sinh trúng tuyển đã xác nhận nhập học, các trường xem xét, quyết định xét tuyển các đợt bổ sung. Trong đó, điều kiện xét tuyển đối với các ngành, chương trình đào tạo theo từng phương thức xét tuyển nhưng không thấp hơn điều kiện trúng tuyển đợt trước. Việc xét tuyển bổ sung có thể thực hiện nhiều đợt đến hết tháng 12 của năm tuyển sinh.

Một số ngành chỉ tuyển được 1 thí sinh

Trường ĐH Sư phạm TP.HCM thông báo gia hạn thời gian đăng ký xét tuyển đến hết ngày 30/11 ngành tiếng Việt và văn hóa Việt Nam cho người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư nước ngoài.

Tại Trường ĐH Tây Nguyên, kết thúc xét tuyển đợt 1, trường thiếu gần 600 chỉ tiêu (tổng chỉ tiêu năm 2023 là 2.900 chỉ tiêu). Kết thúc xét tuyển đợt 2, trường chỉ tuyển được thêm 178 chỉ tiêu và phải tiếp tục xét tuyển đợt 3. Nhà trường thông báo tiếp tục tuyển sinh đại học đợt 3/2023 với 18 ngành. Đối chiếu giữa thông báo tuyển sinh đợt 3 với đề án tuyển sinh của Trường ĐH Tây Nguyên cho thấy, nhiều ngành có kết quả thí sinh xác nhận nhập học dưới 10 sinh viên, một số ngành chỉ có 1 thí sinh đến nhập học như ngành Lâm sinh tuyển được 1/45 chỉ tiêu cần tuyển, Công nghệ sinh học tuyển được 1/45 chỉ tiêu, Kinh tế nông nghiệp tuyển được 1/30 chỉ tiêu, Công nghệ thực phẩm tuyển được 1/25 chỉ tiêu…

Trường ĐH Hà Tĩnh mới tuyển được 50% chỉ tiêu và vẫn tiếp tục xét tuyển bổ sung cho đến hết mùa tuyển sinh năm 2023 (cuối tháng 12/2023). Theo đại diện nhà trường, có 2 ngành trường chắc chắn không thể mở lớp do không có thí sinh trúng tuyển, là ngành Khoa học môi trường và Khoa học cây trồng.

Thiếu chỉ tiêu, nhiều trường đại học chật vật xét tuyển bổ sung - Ảnh 1.

Sinh viên trúng tuyển làm thủ tục nhập học. Ảnh minh họa

Ở đợt xét tuyển bổ sung đợt 3, Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM thông báo tuyển 115 chỉ tiêu cho 3 ngành: Bất động sản, Quản lý đất đai, Quản lý tài nguyên và môi trường. Theo đại diện nhà trường, ngành Quản lý tài nguyên biển đảo chỉ tuyển được vài chỉ tiêu, ngành Quản lý tài nguyên nước tuyển được trên 10 chỉ tiêu, ngành Kỹ thuật tài nguyên nước phải dừng tuyển sinh do khó tuyển.

Hay như Trường ĐH Lâm nghiệp thông báo xét tuyển bổ sung cho cả cơ sở chính tại Hà Nội, Phân hiệu tại Đồng Nai và Gia Lai, thời gian nhận hồ sơ đến hết ngày 30/10. Theo đó, cả 3 cơ sở đều xét đồng thời hai phương thức: điểm thi tốt nghiệp THPT (15 điểm) và điểm học bạ (18 điểm). Trong đó, Phân hiệu Gia Lai xét thêm 6 ngành 300 chỉ tiêu, Phân hiệu tại Đồng Nai xét 15 ngành với 300 chỉ tiêu, trong khi cơ sở chính Hà Nội xét bổ sung 24 ngành hơn 800 chỉ tiêu.

Cách nào để thu hút được thí sinh vào trường?

PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nhận định, nhiều nguyên nhân khiến một số trường chưa tuyển sinh đủ chỉ tiêu, trong đó có cả chủ quan và khách quan. Một số trường chưa khẳng định được uy tín, thương hiệu và không có lợi thế về địa điểm, lĩnh vực đặc thù. Hầu hết ngành tuyển sinh chưa đủ chỉ tiêu là ngành hẹp, mới đào tạo thí điểm hoặc ngành truyền thống thiếu hấp dẫn về cơ hội việc làm và phát triển nghề nghiệp.

PGS.TS Huỳnh Quyền - Hiệu trưởng Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết, một số ngành khó tuyển của trường nằm trong bối cảnh chung của các trường cùng đào tạo khối ngành về tài nguyên môi trường của cả nước.

Theo Hiệu trưởng Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, nguyên nhân trực tiếp là do xu hướng lựa chọn ngành nghề của người học. Trước mắt, với với xu hướng đào tạo xuyên - liên ngành, dù ít thí sinh trúng tuyển ở một số ngành, trường vẫn tổ chức đào tạo để duy trì ngành học. Về lâu dài thì cần có sự phối hợp của cơ quan trung ương và địa phương trong dự báo nguồn nhân lực để người học có định hướng trong chọn ngành nghề.

TS. Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT), một số ngành gặp khó trong tuyển sinh là thực trạng chung. Tuy nhiên, với những ngành quan trọng, nằm trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội, nguồn nhân lực của quốc gia thì cần phải có những giải pháp căn cơ ở tầm vĩ mô. Chẳng hạn các ngành sư phạm trong những năm gần đây có nhiều giải pháp và đã lấy lại được sức hút. Trong khi đó, các ngành nông nghiệp, khoa học sự sống, khoa học cơ bản cũng cần phải có những giải pháp cấp bách hơn để tạo sức hút và đảm bảo nguồn nhân lực cho quốc gia. Hiện nay, hai ĐH Quốc gia (ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TPHCM) đã linh động khi có nhiều chính sách học bổng để thu hút người học theo học một số ngành thuộc diện khó tuyển.

Về phía Bộ GD&ĐT, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) chia sẻ, một số ngành truyền thống có vai trò thiết yếu đối với nền kinh tế đất nước nhưng kết quả tuyển sinh đạt thấp và phụ thuộc vào sự lựa chọn trường, ngành của thí sinh, chiến lược tuyển sinh mỗi trường. Do bối cảnh kinh tế - xã hội thay đổi, cùng sự khác biệt trong quan niệm, nhu cầu của giới trẻ dẫn tới xu hướng chọn trường, ngành của thí sinh dịch chuyển mạnh những năm gần đây.

Nếu không nhận biết xu hướng và điều chỉnh kịp thời, phù hợp trong chiến lược phát triển, đổi mới ngành và chương trình, phương pháp đào tạo, truyền thông và quảng bá tuyển sinh... thì không thu hút được thí sinh vào trường. không thu hút được thí sinh vào trường. Ngược lại, một số trường nôn nóng mở ngành mới khi chưa phân tích, dự báo tốt yêu cầu thị trường lao động và nhu cầu của người học cũng thất bại trong tuyển sinh.

Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, nhiều ngành đào tạo truyền thống giữ vai trò thiết yếu đối với nền kinh tế - xã hội của đất nước, nhưng chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp để thu hút người học nên ít nhiều tác động đến kết quả tuyển sinh của các cơ sở đào tạo.

4 nhóm ngành tuyển sinh kém nhất

Theo số liệu tổng kết tuyển sinh năm 2022 của Bộ GD&ĐT, có 4 nhóm ngành tuyển sinh kém nhất gồm: nông lâm nghiệp và thủy sản, khoa học sự sống, khoa học tự nhiên và dịch vụ xã hội. Cụ thể, năm 2022 nhóm nông lâm thủy sản tuyển được 49,1% chỉ tiêu; khoa học sự sống 57,92%; khoa học tự nhiên 59,43% và dịch vụ xã hội 61,36%.

Trường đại học đầu tiên thông báo lịch nghỉ Tết, kéo dài 21 ngàyTrường đại học đầu tiên thông báo lịch nghỉ Tết, kéo dài 21 ngày

SKĐS - Sinh viên trường đại học này bắt đầu nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn từ ngày 29/1/2024 đến hết ngày 18/2/2024.

ĐV
Ý kiến của bạn