Bóng đá của những người sau phẫu thuật tháo chân là bộ môn thể thao khai sinh tại Mỹ, thập kỷ 1980. Mãi đến năm 2011, Ba Lan mới có đội tuyển Amp Football. Tất cả thành viên đội tuyển đều là người khuyết tật. Vì nhiều lý do khác nhau, các tuyển thủ phát hiện trong mình sức mạnh lớn nhất vào chính thời điểm bản thân buộc phải đối mặt với hiện thực hoàn toàn xa lạ: cuộc sống người tàn tật.
Đội bóng những mày râu gặp rủi ro
Trung vệ Mariusz Adamczyk (32 tuổi, người tỉnh Bialystock, nạn nhân ung thư xương): Tôi đã chiến đấu với bệnh hiểm nghèo liên tục 10 năm. Và giành chiến thắng, cho dù phải hy sinh 1 chân. Đúng vậy, tôi đã thắng. Bệnh hiểm không thể khuất phục con người kiên cường. Cái chân bị bệnh đã bị cắt bỏ, nhưng chính tôi đã giành phần thắng trong cuộc chiến này - Adamczyk tự hào nhấn mạnh.
Một pha trận giao hữu tuyển Amp Football Ba Lan (áo trắng) - tuyển Amp Football Anh, năm 2017.
Năm 19 tuổi, thủ môn hiện nay Marek Zadebski (dân miền núi Zakopane) gặp tai nạn kinh hoàng. “Tuổi mới lớn, không phải ai cũng có ý thức về giới hạn khả năng của mình. Sự thiếu kiến thức đã trừng phạt tôi. Buổi tối định mệnh, thay vì cùng đám bạn đến sàn nhảy disco, tôi lấy đồ nghề, tự sửa thiết bị biến thế điện gia đình hỏng hóc. Hôm nay tôi vẫn còn nhớ cảm giác đau choáng ngợp”…Mãi đến chiều ngày hôm sau xảy ra tai họa, tôi mới tỉnh dần sau cơn hôn mê - Zadebski khi ấy bị điện giật, phải tháo bỏ cánh tay, nhớ lại.
Tiền vệ người thành phố Warszawa Przemyslaw Swiercz 29 tuổi trải qua ca phẫu thuật tháo chân sau tai nạn giao thông. “Ý nghĩ đầu tiên sau ca phẫu thuật?”. - Niềm vui vô hạn khi biết mình còn sống.
Khát vọng sống vô biên và thái độ lạc quan với tất cả biến cố rủi ro đã kết nối họ. “Sau tai nạn, tôi cưới vợ, cô gái thật lòng yêu mình, bất chấp người yêu đã trở thành tàn tật. Hiện tôi có gia đình sống hòa thuận (hai vợ chồng đều là nhân viên văn phòng, thu nhập không cao nhưng ổn định), 2 con gái tuổi mẫu giáo, rất ngoan. Nếu tôi không gặp tai nạn, không biết cuộc sống của tôi hiện có ổn như bây giờ”, Swiercz hóm hỉnh và chân thành tâm sự.
Trai tơ 18 tuổi Bartek Lastowski người cố đô Cracow, mũi nhọn trên hàng công đội tuyển sinh ra đã bị dị tật chân trái ngắn hơn chân phải gần gang tay. Hôm nay, Bartek rất khó trả lời câu hỏi, có trò gì trên đời các bạn cùng lứa thích thú, bản thân chưa thể trải nghiệm? “Tôi đã trượt patain, cũng thử không ít pha nhào lộn trên ván trượt, tôi đã thử sức đua xe đạp tốc độ cự ly trên dưới 100km, cũng từng trèo cây. Tôi chạy cự ly ngắn và tập nhảy 3 bước”, Bartek hồn nhiên kê khai.
Amp Football mang lại cuộc đời mới
Adamczyk - trung vệ thép tuổi đầu 3 kể câu chuyện từng gặp trong đời: “Có lần, những người khác sau phẫu thuật tháo chân tình cờ gặp anh tại phòng khám ung thư, tất cả đều nhất loạt “trố mắt ngạc nhiên”. Bởi họ chứng kiến tôi, người cùng cảnh ngộ, song đi lại thoải mái, bình thường, sống hồn nhiên, vui vẻ với mọi thứ”, cựu nạn nhân ung thư xương tường thuật.
Thực tế khuyết tật đã mở cánh cửa vào thế giới mới, đầy thách thức cho 4 chàng trai đã kể và các thành viên còn lại của Tuyển Amp Football Ba Lan. “Tôi đã chứng minh với tất cả ai quan tâm, thực tế tôi là người bình thường, đầy đủ… chất lượng”, cầu thủ trấn giữ khung thành đội tuyển Zadebski khẳng định.
Đã gần 4 năm, những chàng trai khuyết tật yêu đời tạo ra lịch sử Tuyển Amp Football Ba Lan. Hiện tại, quê hương nhà soạn nhạc danh tiếng Frederric Chopin chỉ có 60 cầu thủ thiếu 1 chân/tay, thực hành bộ môn thể thao này theo chế độ chuyên nghiệp. “Năm nay, tôi thi tốt nghiệp phổ thông trung học. Dự định cho tương lai? Trở thành vô địch Amp Football thế giới. Và không gì có thể thay đổi mục tiêu đó”, cầu thủ tiền đạo tài năng Bartek quả quyết.
Luật chơi Amp Football rất đơn giản. Mỗi đội có 7 cầu thủ, kể cả thủ môn. Thủ môn thiếu 1 cánh tay, các cầu thủ di chuyển trên sân bằng nạng, không được phép dùng chân giả. Mỗi trận đấu gồm 2 hiệp, mỗi hiệp 25 phút. Diện tích mặt sân nhỏ bằng một nửa sân tiêu chuẩn, Khung thành cũng nhỏ hơn, cùng tỷ lệ. Cầu thủ không được phép chơi bóng bằng nạng. Tương tự bóng đá truyền thống, trọng tài cũng dùng thẻ bắt các lỗi của cầu thủ…
Amp Football là bộ môn thể thao đặc biệt. Phổ biến tại những quốc gia từ nhiều năm đồng nghĩa với bóng đá như Brazil, Argentina, Anh, Hy Lạp hoặc Nga, song cũng khá phát triển tại một số quốc gia châu Phi - nơi những năm qua liên tiếp xảy ra chiến tranh khiến hàng nghìn người bị mất chân/tay. “Ở đó, nhiều người khuyết tật không có tiền mua sắm chân giả và thực tế tất cả đều dùng nạng. Đôi lúc trên đường phố lục địa Đen có thể chứng kiến những cầu thủ chơi bóng như vậy”, Zadebski lý giải. Chính vì thế, gần đây, Ghana và Sierra Leone cũng có đội tuyển Amp Football của mình.
Vượt qua mặc cảm
Tất nhiên không phải lập tức sau phẫu thuật tháo chân, tay, tất cả đều diễn ra suôn sẻ. Mariusz Adamczyk có thời gian khá dài từ chối chống nạng. Anh không muốn vì xấu hổ (?!). Trước ngày bị tai nạn, Mariusz rất năng nổ, ngày nào cũng chạy tối thiểu 5-7km. Giai đoạn giữa thời điểm phẫu thuật tháo chân và chờ làm chân giả, buộc phải chống nạng, người trong cuộc coi là thời gian khủng khiếp nhất. “Việc đi lại bằng chống nạng khiến tôi hết sức mệt mỏi”, Adamczyk bộc bạch. Trước tai nạn, Przemyslaw Swiercz khiêu vũ tuyệt đẹp. Chàng trai từng là thành viên đoàn ca múa dân tộc, Học viện Thể thao Warszawa. “Sau phẫu thuật tháo chân, thậm chí tôi không còn ham muốn quay lại sân khấu. Tôi sợ mình sẽ làm trò cười cho thiên hạ”, Swiercz nhớ lại.
Thực tế, chính Amp Football đã chứng tỏ là quà tặng cuộc đời thú vị dành cho tất cả nam thanh niên không may thiếu chân, tay đam mê thể thao. “Tất cả hoạt động thể chất tích cực giúp chúng tôi không tự cách ly ra khỏi cộng đồng, không đầu hàng trước mặc cảm người khuyết tật. Chúng tôi có thể hòa mình vào cuộc sống, gặp gỡ mọi người và có cảm giác bản thân là cá thể tự do”, tuyển thủ Marek Zadebski bày tỏ.
Hiện Przemyslaw, Bartek, Mariusz và Marek là những cầu thủ vừa học vừa hoạt động nghề nghiệp thường xuyên ra sân. Ngoài đá bóng, họ cũng thực hiện dự định và mơ ước cuộc đời của mình.