Thiếu bác sĩ chuyên khoa ở Quảng Ngãi: Bài toán nhân lực quá khó

26-08-2016 19:48 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Thời gian qua, để từng bước nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, ngành y tế đã tăng cường củng cố, xây dựng phát triển các bệnh viện (BV) chuyên khoa tuyến tỉnh...

Thời gian qua, để từng bước nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, ngành y tế đã tăng cường củng cố, xây dựng phát triển các bệnh viện (BV) chuyên khoa tuyến tỉnh và hiện đang đầu tư xây dựng BV chuyên khoa Sản - Nhi. Tuy nhiên, bài toán nhân lực bác sĩ tại các BV chuyên khoa đang thiếu hụt vẫn là câu hỏi chưa được giải đáp.

Trải thảm đỏ, bác sĩ cũng chẳng chịu về

Nói về điều kiện cơ sở vật chất, BV Lao và Phổi tỉnh Quảng Ngãi là một trong những đơn vị đã được tỉnh đầu tư cơ ngơi khang trang, phục vụ tốt cho công tác khám, điều trị bệnh nhân lao. Nơi đây cũng có nhiều trang thiết bị hiện đại như máy Xquang, máy phát hiện lao kháng thuốc phục vụ công tác khám chữa bệnh... Tuy vậy, bài toán thiếu bác sĩ nhiều năm qua BV khó khăn trong quá trình nâng cao công tác điều trị. Dẫu đã “trải thảm đỏ” nhiều năm nay kêu gọi, BV Lao và Phổi tỉnh vẫn khó tìm được bác sĩ về đơn vị công tác.

Thiếu bác sĩ nên BV Lao và Phổi khó khăn trong việc đưa bác sĩ đi học thêm chuyên khoa sâu.

BS. Nguyễn Bé - Giám đốc BV than thở: “Trong 3 năm qua, chúng tôi chỉ thu hút được hai bác sĩ dự phòng, trong khi BV rất cần bác sĩ đa khoa nhưng chẳng “chịu về”. Hầu hết các khoa xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh tại BV đều do kỹ thuật viên đảm nhận. Hiện tại, BV chỉ có 10 bác sĩ. Số lượng bác sĩ quá thiếu nên gây không ít khó khăn cho hoạt động chuyên môn. Nhất là một số thủ thuật, điển hình trong cấp cứu vẫn chưa thành thạo như đặt nội khí quản, đo áp lực tim mạch trung tâm, thở máy, mở màng phổi dẫn lưu tối thiểu...

Cử nhân Nguyễn Ái Dân - Phó trưởng Khoa Xét nghiệm BV cho biết: “Khoa hiện chỉ có hai cử nhân nên việc đi học nâng cao nghiệp vụ phải nhường nhau. Nếu một người đi học, người đi công tác thì việc ký giấy xét nghiệm khó khăn. Chúng tôi phải linh động sắp xếp mọi việc để giải quyết công việc của khoa.

Còn BS. Trần Thị Bích Tuyến - Trưởng khoa Lao - Phổi cũng than thở: “Khoa chỉ có hai bác sĩ điều trị kiêm quản lý khoa, phải đảm nhận điều trị cho khoảng 60 bệnh nhân nội trú. Thiếu bác sĩ nên việc phát triển thêm chuyên khoa sâu như CKI, CKII cũng khó khăn, bác sĩ chúng tôi muốn đi học nâng cao chuyên môn cũng chưa đi được”.

Sẽ “rút” bác sĩ từ BVĐK tỉnh chuyển về BV chuyên khoa

Hằng năm, BV tiếp nhận 1.200-1.300 bệnh nhân. Theo quy định, với quy mô 100 giường bệnh như hiện nay, BV Lao và Phổi tỉnh phải có 20 bác sĩ, nhưng thực tế với 10 bác sĩ đang hoạt động, trong đó Ban Giám đốc BV hiện cũng phải kiêm cả công tác khám chữa bệnh.

Đồng cảnh ngộ với BV Lao và Phổi, tại BV Tâm thần tỉnh Quảng Ngãi, mỗi ngày có khoảng 200-300 bệnh nhân đến khám ngoại trú. Theo ghi nhận của phóng viên, số lượng bệnh nhân đông, nhưng bác sĩ khu khám bệnh chỉ được bố trí 1-2 người. Ngay cả BS. Đặng Trong - Phó Giám đốc BV cũng phải hằng ngày tham gia trực tiếp khám chữa bệnh. “Khi nào bệnh nhân đông, chúng tôi tăng cường bác sĩ tại Khoa Nội trú lên “tiếp ứng”. Bởi hiện BV đang thiếu bác sĩ trầm trọng, nhất là bác sĩ đa khoa” - BS. Nguyễn Thanh Quang Vũ, Giám đốc BV Tâm thần Quảng Ngãi cho biết.

Theo BS. Vũ, cơ sở vật chất của đơn vị từng bước được kiện toàn. Nhưng để bù đắp số bác sĩ chuyên khoa hiện quá ít so với nhu cầu thì quá khó. Trong 5 năm qua, BV chỉ thu hút thêm được hai bác sĩ. Hiện nay, BV chỉ có 11 bác sĩ, nhưng phải khám và điều trị cho khoảng gần 100 bệnh nhân nội trú và 300 bệnh nhân ngoại trú/ngày. Ngoài ra, BV còn phải đảm nhiệm việc chuyển giao công nghệ cho các trung tâm y tế, trạm y tế phường, xã trong tỉnh và tham gia điều trị bệnh nhân tâm thần tại cộng đồng.

Với lượng bệnh nhân là 300 người/ngày, hiện tại, mỗi bác sĩ phải tiếp nhận khám chữa bệnh cho hơn 100 bệnh nhân/ngày, cao gấp đôi số bệnh nhân phải khám theo quy định (50 bệnh nhân/ngày) nên các bác sĩ khá vất vả để giải quyết hết bệnh. Hầu như quanh năm, các bác sĩ phải gồng gánh công việc cho nhau và để bảo đảm hoạt động chuyên môn. Chính sức ép về công việc cũng như chế độ đãi ngộ chưa tương xứng với đặc thù của công việc ở BV Tâm thần nên nhiều năm nay, BV Tâm thần tỉnh vẫn không thể tuyển đủ chỉ tiêu bác sĩ và cử nhân tâm lý trị liệu chuyên khoa tâm thần.

Cùng với việc thiếu bác sĩ ở hai BV chuyên khoa trên, hiện nay việc chuẩn bị nhân sự, nhất là số lượng bác sĩ đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh khi BV chuyên khoa lớn đầu tiên của tỉnh - BV Sản - Nhi sẽ đi vào hoạt động năm 2017 là bài toán đặt ra cho ngành y tế tỉnh.

“Để đáp ứng nhân lực cho BV đi vào hoạt động, thì hiện tại chúng tôi đã lên kế hoạch củng cố nhân lực BV. Theo kế hoạch, sẽ “rút” khoảng 50 bác sĩ chuyên khoa tại BVĐK tỉnh cho BV Sản - Nhi. Cùng với đó, năm 2016, Sở Y tế sẽ thực hiện chính sách đãi ngộ, thu hút bổ sung thêm khoảng 40 bác sĩ và tăng cường đào tạo nhân lực để đáp ứng đủ nhân lực khi BV đi vào hoạt động” - ông Nguyễn Tấn Đức - Giám đốc Sở Y tế cho biết.


Bài, ảnh: KIM NGÂN
Ý kiến của bạn