Thiết lập các “vùng xanh” ứng phó bão lũ trong dịch COVID-19

10-09-2021 09:14 | Xã hội
google news

SKĐS - Hiện nay đang là thời kỳ cao điểm về bão, lũ. Theo nhận định của cơ quan dự báo khí tượng thủy văn, thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, từ nay đến cuối năm có khoảng 7-9 cơn bão. Các địa phương đang khẩn trương “gia cố” an toàn cho người dân và tài sản…

Hạn chế thấp nhất thiệt hại trong "nguy cơ kép"

Theo số liệu từ Tổng cục Phòng, chống thiên tai, tính đến ngày 29/8/2021, từ đầu năm 2021 đến nay, đã xảy ra 04 cơn bão, 88 trận động đất nhẹ, 279 trận mưa đá, dông lốc, sét; 62 trận mưa lớn, lũ cục bộ, trong đó 08 trận lũ ống, lũ quét, 153 vụ sạt lở bờ sông....

Thiên tai gây thiệt hại về người: 42 người chết, 64 người bị thương; về nhà ở: 225 nhà sập đổ hoàn toàn, 7.604 nhà bị hư hỏng, tốc mái; Về trồng trọt: 69.990 ha lúa, rau màu và 6.582 ha cây trồng bị thiệt hại; Về giao thông: 10,6km đường giao thông sạt lở; 109.783 m3 đất đá, bê tông. Ước tính giá trị thiệt hại khoảng 264,4 tỷ đồng.

Vừa qua, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Công điện số 1107/CĐ-TTg, đặc biệt nhấn mạnh vấn đề bảo vệ an toàn tính mạng của nhân dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại, nhất là trong trong bổi cảnh, dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.

Thiết lập các “vùng xanh” ứng phó bão lũ trong dịch COVID-19 - Ảnh 2.

Vật tư được tập kết ngay tại các điểm đê có nguy cơ sạt lở trong mùa mưa, bão.

Với những đặc thù để dập dịch khi phải thực hiện cách ly các ca F0, F1 không để tiếp xúc cộng đồng, hoặc giãn cách xã hội, nguồn lực cần phải chi để chống dịch dẫn đến bị phân tán đòi hỏi công tác phòng chống thiên tai phải được tính toán cụ thể để cùng một lúc đạt được hai mục tiêu "vừa phòng chống được dịch bệnh, vừa phòng chống được thiên tai" trong các hoạt động cần thiết phải triển khai như: sơ tán người dân, hỗ trợ người dân trong khu sơ tán, khu bị cô lập, huy động lực lượng, vận chuyển nhu yếu phẩm, trang thiết bị,…

Về các phương án cụ thể, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến cho biết, các địa phương cần rà soát lồng ghép công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phương án ứng phó thiên tai cho phù hợp, điều chỉnh việc sơ tán dân theo hướng tại chỗ, hạn chế sơ tán tập trung; ưu tiên tiêm vaccine phòng dịch cho lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và nhân dân ở những nơi có nguy cơ cao. Đồng thời, các địa phương cần nâng cao nhận thức cộng đồng thông qua việc thông tin, tuyên truyền, phổ biến về kiến thức, kỹ năng ứng phó với thiên tai, trong đó đặc biệt chú trọng khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số,…

Các địa phương "gia cố" vòng bảo vệ 

Tại Hà Nội, ông Nguyễn Duy Du, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống thiên tai (Sở NN&PTNT Hà Nội) cho biết: "Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, thành phố đã điều chỉnh kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai theo hướng phát huy tối đa phương châm "4 tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ)".

Thiết lập các “vùng xanh” ứng phó bão lũ trong dịch COVID-19 - Ảnh 3.

Cơ quan chức năng đang khảo sát cơ sở sơ tán dân, vừa cách ly y tế phòng, chống dịch COVID-19 tại Hà Nội

Các địa phương trọng điểm của thành phố, như: Chương Mỹ, Mỹ Đức, Quốc Oai, Thạch Thất, Ba Vì... đã rà soát, cập nhật phương án di dời dân theo hướng tăng cường sơ tán tại chỗ; đồng thời xây dựng phương án huy động nhu yếu phẩm thiết yếu, chất khử trùng, khẩu trang y tế cho các địa điểm sơ tán dân; xây dựng phương án ứng phó thiên tai cho các khu cách ly tập trung, bệnh viện.

Tại Lào Cai, trước mùa mưa bão năm 2021, tỉnh đã lắp đặt, thuê dịch vụ thêm 20 trạm đo mưa tự động, hai hệ thống dự báo, cảnh báo thời tiết, triển khai lắp đặt 63 biển cảnh báo tại các khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.

Tỉnh Hà Giang, huyện Quản Bạ là địa bàn thường xuyên xảy ra mưa đá, gió lốc. Ðến nay, huyện đã có 312 công trình công cộng, cơ quan, trường học, trạm y tế và hơn 2.000 hộ dân thực hiện chằng néo, gia cố, nẹp mái nhà để phòng, chống gió lốc. Chi cục Thủy lợi tỉnh Hà Giang đã cắm biển cảnh báo ở hơn 550 khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét để người dân nhận biết và phòng tránh.

Tại Quảng Bình, vùng "rốn lũ" là huyện Minh Hóa hiện có 2 công trình cấp bách về phòng chống thiên tai đang được huyện gấp rút hoàn thành, đó là, công trình xây dựng khu tái định cư cho 34 hộ dân ở bản Cha Lo, xã Dân Hóa và xây dựng nhà phao cho các hộ dân ở xã Minh Hóa.

Thiết lập các “vùng xanh” ứng phó bão lũ trong dịch COVID-19 - Ảnh 4.

Nhà phao ở xã Tân Hóa và xã Minh Hóa là mô hình hiệu quả trong ứng phó thiên tai.

Huyện Minh Hóa đã tranh thủ sự hỗ trợ của tỉnh và các tổ chức, cá nhân trong cả nước giúp đỡ người dân 2 xã Tân Hóa và Minh Hóa làm hàng trăm ngôi nhà phao tránh lũ.

Tại Hà Tĩnh, các đơn vị, đồn Biên phòng chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, lương thực, thực phẩm dự phòng để triển khai nhiệm vụ khi cần thiết. 

"Thông điệp 5T" của Bộ Y tế tăng cường giãn cách xã hội



Minh Thu
Ý kiến của bạn