Tuy nhiên, không ít trang phục của người đẹp ở ta mất điểm từ “trứng nước” đến thực tiễn bởi thiếu tính thẩm mỹ, bản sắc và phản cảm.
Ồn ào, phản cảm
Mới đây, Ban tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam đã công bố hơn 30 thiết kế trang phục dân tộc cho Á hậu Hoàng Thùy để tham dự cuộc thi Miss Universe 2019. Đáng chú ý, trong các mẫu thiết kế trang phục có tác phẩm Bàn thờ (tác giả Phạm Quang Minh) khiến nhiều người không khỏi sốc bởi sáng tạo... khác người. Theo đó, thiết kế trang phục Bàn thờ được lấy ý tưởng từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, mang ý nghĩa quan trọng đối với dân tộc Việt Nam. Trang phục là sự kết hợp của ảnh thờ, bát hương, lọ hoa và mâm cỗ. Tuy nhiên, ngay sau khi thiết kế Bàn thờ được đưa lên mạng xã hội để bình chọn, nhiều ý kiến cho rằng tác phẩm này không phù hợp thuần phong mỹ tục, thiếu ý tứ.
Mẫu thiết kế trang phục Bàn thờ gần đây khiến dư luận xôn xao.
Bởi lẽ, trong văn hóa của người Việt, bàn thờ để thờ cúng tổ tiên, phải thể hiện sự trang nghiêm và trân trọng chứ không thể tùy tiện muốn đặt đâu, sáng tạo thế nào cũng được. Việc đặt gương mặt của người trình diễn vào khung ảnh thờ, đồng thời thiết kế lư hương ở vòng 3 sẽ làm mất đi giá trị thiêng liêng của tục thờ tổ tiên, xúc phạm người đã khuất. Ở góc độc chuyên môn, nhà nghiên cứu trang phục truyền thống Đoàn Thị Tình ngao ngán khi chia sẻ, đưa bàn thờ vào trang phục quần áo là thể hiện sự yếu kém về kiến thức cũng như trình độ thẩm mỹ của nhà thiết kế. Bên cạnh đó, nhà thiết kế Xuân Thu lại cho rằng, về góc độ hình học, cấu trúc bàn thờ hoàn toàn không phù hợp với việc thiết kế trên cơ thể người phụ nữ. Việc đặt bát hương ở đúng phần “nhạy cảm” của người phụ nữ là vùng cấm kỵ trong thiết kế thời trang. Tiến sĩ Mỹ học Nguyễn Thế Hùng phân tích, bàn thờ trong tâm thức người Á Đông nói chung và người Việt nói riêng là những thứ linh thiêng. Đã là linh thiêng thì không thể tuỳ tiện mang ra gắn vào trang phục để trình diễn, ngoại trừ sân khấu đó giới thiệu các loại trang phục dành riêng cho tín ngưỡng - tâm linh.
Thực tế, vài năm trở lại đây, không ít trang phục và mẫu thiết kế cho các người đẹp Việt “đem chuông đi đánh xứ người” tại các cuộc thi nhan sắc tạo nên lùm xùm. Đầu năm nay, bộ trang phục có tên gọi Âu Cơ mà Lê Âu Ngân Anh mặc trình diễn tại cuộc thi Hoa hậu Liên lục địa đã làm dư luận dậy sóng. Bộ trang phục này được thiết kế với 10 cánh chim lạc biểu tượng cho 100 trứng 100 con. 10 cánh chia đôi mỗi bên 5 cánh tượng trưng 50 con theo mẹ lên núi, 50 con theo cha xuống biển. Nhưng khi trình diễn tại cuộc thi, bộ trang phục Lê Âu Ngân Anh mặc trên người quá ngắn, lộ rõ vòng 3 nên trông rất phản cảm. Trước đó, người đẹp Khả Trang mang bộ váy Sen vàng Việt Nam dự thi Hoa hậu Siêu quốc gia tại Ba Lan, được giới thiệu là sự kết hợp sự mạnh mẽ của cha Rồng Lạc Long Quân và sự mềm mại, thanh thoát của mẹ Tiên Âu Cơ trong truyền thuyết. Nhưng bộ váy Sen vàng Việt Nam bị đánh giá lòe loẹt và giống với các nhân vật trong game trực tuyến hay đậm phong cách Trung Quốc. Ngoài ra, bộ trang phục Lửa thiêng của Thúy Ngân mang đến cuộc thi Nữ hoàng Du lịch Quốc tế từng khiến mọi người “ngột thở” vì sự lộ liễu da thịt quá đà.
Cần có chiều sâu văn hóa
Với những thiết kế và trang phục cho các cô gái trẻ đã, sắp tham dự những sân chơi sắc đẹp quốc tế kể trên, nhiều người không khỏi tỏ ra ngao ngán lẫn thất vọng. Theo nhà thiết kế Việt Hùng, trong mọi thời đại và trong bất kỳ cuộc thi nhan sắc nào, áo dài vẫn là thứ trang phục “quốc hồn, quốc tuý” của dân tộc Việt. Vẻ đẹp của áo dài chứa đựng nhiều giá trị về văn hoá được gìn giữ qua nhiều thế hệ. Việc sáng tạo, phát triển và cách tân cần phải dựa trên nền tảng văn hoá chứ không nên quá đà, phản cảm như thiết kế Bàn thờ nói trên.
Nhiều ý kiến cho rằng, có thể nhan sắc Việt không nhất thiết mang đến đấu trường nhan sắc quốc tế những áo bà ba, áo tứ thân hoặc váy yếm..., nhưng nếu được, chúng ta nên có nhiều hơn thiết kế và tạo ra trang phục mang tính biểu tượng, làm nổi bật được nét văn hoá đặc trưng của cả cộng đồng. Nếu chúng ta có sự cách tân chừng mực đi kèm với sự sáng tạo, ý tưởng giàu tính chiều sâu văn hóa trong mỗi mẫu thiết kế sẽ góp phần giúp nhan sắc Việt Nam để lại dấu ấn trên đấu trường nhan sắc quốc tế.
Không ít nhà thiết kế thừa nhận, sáng tạo hay cách tân thiết kế trang phục là điều cần thiết nhưng dù thế nào đi chăng nữa chúng ta vẫn phải giữ được vẻ đẹp và cái hồn mà trang phục muốn hướng tới. Nhà thiết kế Hà Duy cho rằng không nên mang chuyện tâm linh lên trang phục, quần áo. Nếu thiết kế trang phục mà có những yếu tố thiêng liêng như chùa đền, miếu mạo, lăng tẩm... thì vị trí khi đặt những chi tiết đó lên cũng phải hết sức tinh tế, khéo léo để tránh sự phản cảm. Và tốt nhất, những gì thuộc điều cấm kỵ hoặc chỉ sử dụng trong không gian thiêng thì không nên đưa vào trang phục nhằm sử dụng sai mục đích.