Ngày càng có nhiều kiến trúc sư, nhà thiết kế và giới chuyên gia y tế quan tâm đến việc nghiên cứu và ứng dụng màu sắc trong các công trình bệnh viện và cơ sở chăm sóc sức khỏe. Việc nắm vững các nguyên tắc phối màu cơ bản trong thiết kế kiến trúc sẽ giúp chúng ta tạo ra được các không gian mạch lạc và phù hợp nhất với từng nhóm đối tượng sử dụng trong đó - một yêu cầu quan trọng đối với thể loại công trình bệnh viện, cơ sở y tế và chăm sóc sức khỏe.
Những nguyên tắc thiết kế cơ bản
Theo kết luận từ công trình nghiên cứu của hai giáo sư Silvester và Konstantinou (2013) đến từ Đại học Công lập Luân Đôn (Anh), màu sắc của không gian là một nhân tố chi phối thời gian và tần suất sử dụng không gian đó của con người. Kết quả nhiều nghiên cứu cũng cho thấy màu sắc không gian ảnh hưởng đến mức độ thoải mái và tinh thần của con người sống trong đó, góp phần quyết định việc họ sinh hoạt ở đó nhiều hay ít, thường xuyên hay không thường xuyên. Chẳng hạn như trong bệnh viện hay công trình y tế, các gam màu pastel dịu nhẹ sẽ phù hợp với phòng bệnh dành cho các bệnh nhân nằm điều trị ngắn ngày hoặc không quá một tuần, để họ luôn cảm thấy thư thái và dễ chịu trong suốt thời gian điều trị.
Các sắc xanh dương nhạt và xanh lá cây nhạt thường được ưa chuộng trong các bệnh viện hoặc cơ sở y tế vì chúng giúp khơi gợi trong chúng ta cảm giác dễ chịu và yên tâm
Việc thiết kế màu sắc trong các công trình không chỉ nhằm mục đích tạo cảm giác thoải mái cho người sử dụng, mà còn giúp phân biệt chức năng của mỗi không gian. Đối với bệnh viện và cơ sở y tế, màu sắc phòng bệnh cần cho biết căn phòng đó là loại phòng dành cho bệnh nhân điều trị nội trú hay ngoại trú, nằm tạm thời hay sẽ phải ở đó điều trị lâu dài.
Tuy vậy, đối với các cơ sở điều trị dài hạn, một bảng màu quá nhẹ nhàng sẽ khiến bệnh nhân dễ cảm thấy buồn chán và ủ đột, bởi lẽ họ sẽ phải thường xuyên đối diện với những sắc màu đó suốt một thời gian rất dài. Chưa kể, những màu sắc quá trầm mặc hoặc trung tính cũng gây khó khăn cho người cao tuổi hoặc người bệnh có thị lực kém. Do vậy, trong những cơ sở chăm sóc sức khỏe dài hạn hoặc viện dưỡng lão, các căn phòng dành cho bệnh nhân cần được thiết kế với những màu sắc cân bằng xen lẫn nhiều sắc độ sáng tối khác nhau, nhằm mục đích làm cho không gian luôn tươi mới và hấp dẫn đối với người bệnh, đồng thời giúp cho những người có thị lực kém dễ dàng định hướng và nhận diện các vật dụng xung quanh mình.
Theo các công trình nghiên cứu của Suess (1975), Wexner (1954) và Kaya và Epps (2004), những gam màu nóng (đỏ, cam,…) có tác dụng kích thích hoặc khơi gợi những cảm xúc mãnh liệt như sự háo hức, lo lắng, bồn chồn, hoặc bực dọc, trong khi các gam màu lạnh (xanh lá cây, xanh lam…) giúp người sử dụng cảm thấy thư thái và yên bình. Nhà thiết kế Jackie Jordan - giám đốc tiếp thị của tập đoàn sơn lâu đời nhất nước Mỹ Sherwin-Williams - đề xuất chúng ta nên có một sự cân bằng giữa màu nóng và màu lạnh. Theo Jordan, các sắc xanh dương nhạt và xanh lá cây nhạt thường được ưa chuộng trong các bệnh viện hoặc cơ sở y tế chính là vì chúng giúp khơi gợi trong chúng ta cảm giác dễ chịu và yên tâm. Nhưng việc lạm dụng quá nhiều những màu lạnh như thế sẽ khiến cho không gian bệnh viện trở nên lạnh lẽo và xa cách đối với người sử dụng. Trong trường hợp đó, nhà thiết kế Jordan khuyên chúng ta thêm vào đó vài chi tiết được phủ các gam màu ấm như màu beige để cân bằng lại cảm giác yên bình của không gian.
Với thể loại công trình nhà dưỡng lão hoặc nhà trợ sinh, Jordan đề xuất chúng ta có thể sử dụng nhiều màu sắc phong phú hơn, nhưng vẫn phải đảm bảo được tính chất truyền thống và gần gũi, để những người sống trong đó có cảm giác ấm cúng như ở nhà. Hạn chế tối đa những sắc màu quá tươi hoặc chói, chẳng hạn như các sắc đỏ hoặc sắc vàng thuần nhất, bởi lẽ những màu này khiến cho người sử dụng dễ cảm thấy căng thẳng và bồn chồn.
Tuy nhiên, với các không gian dành cho trẻ em, việc thêm vào các màu sắc tươi sáng lại là điều cần thiết. Khu giữ trẻ hoặc nơi vui chơi dành cho các bé là những không gian cần liều lượng màu sắc tươi sáng nhiều nhất có thể, để giúp các bé luôn cảm thấy hào hứng và tràn đầy năng lượng.
Với không gian dành cho những người đang điều trị các căn bệnh đặc thù như Alzheimer, thiết kế phòng ốc cần đơn giản nhất có thể, hạn chế tối đa những màu sắc rực rỡ, hoa văn trang trí hoặc chi tiết cầu kỳ, bởi lẽ những thứ này sẽ khiến cho bệnh nhân dễ cảm thấy lúng túng và mất phương hướng.
Những vấn đề cần quan tâm khi thiết kế màu sắc cho bệnh viện, các cơ sở về y tế
Dù bạn một mình chủ trì việc thiết kế hay phối hợp với một nhà thiết kế chuyên nghiệp được thuê từ bên ngoài, câu hỏi đầu tiên cần được giải đáp chính là: Không gian này hoặc căn phòng này được sử dụng để làm gì?
Cụ thể, đó là phòng bệnh nhân, phòng vật lý trị liệu, hay phòng phẫu thuật…? Nơi này chỉ cần đơn giản là đủ, hay có cần thêm cảm giác ấm cúng cho những người điều trị lâu dài hay không?... Chỉ khi trả lời được những vấn đề này, chúng ta mới có thể bắt đầu việc lựa chọn màu sắc.
Theo nhà thiết kế Jackie Jordan, bệnh viện và các cơ sở y tế thuộc nhóm công trình công cộng có dây chuyền hoạt động phức tạp, đòi hỏi sự mạch lạc và thuận tiện tối đa trong thiết kế. Do vậy, việc thiết kế màu sắc cần ưu tiên hỗ trợ người sử dụng trong việc tìm đường và định hướng trong tòa nhà để có thể di chuyển từ nơi này đến nơi khác một cách nhanh chóng và thuận tiện nhất có thể. Nhà thiết kế cần tận dụng màu sắc lẫn các sắc độ sáng tối của chúng trong việc thiết kế bệnh viện và các cơ sở y tế, nhằm giúp cho người sử dụng dễ dàng nhận diện được các lối đi và điểm đến của mình.
Đối với việc thiết kế và lựa chọn màu sắc cho công trình bệnh viện và cơ sở y tế, ưu tiên hàng đầu vẫn là bố trí những màu sắc dịu nhẹ hoặc trung tính cho các không gian rộng - chẳng hạn như các dãy hành lang, hội trường hoặc những phòng có diện tích lớn. Điều này sẽ giúp tiết kiệm chi phí bảo trì, bảo dưỡng và tạo điều kiện thuận lợi cho việc sửa chữa hoặc tu bổ nội thất về sau nếu cần.
Mỗi khi thiết kế màu sắc cho một không gian bất kỳ, hãy tìm hiểu kỹ lưỡng về công năng hoặc mục đích sử dụng của không gian đó, và xác định những đối tượng chính sử dụng không gian đó là những ai. Chẳng hạn, các phòng dành cho bác sĩ, y tá hoặc nhân viên bệnh viện cần được thiết kế màu sắc sao cho khác hoặc dễ phân biệt với phòng bệnh nhân. Hãy đảm bảo rằng sự lựa chọn màu sắc của mình phù hợp nhất với công năng và đối tượng sử dụng chủ yếu của không gian được thiết kế.