Cha mẹ có thể quyết định chiều cao và trí thông minh ở trẻ?
Cuộc tranh luận về đạo đức xoay quanh khái niệm “những em bé thiết kế” - hay là những đứa trẻ có phôi được chọn cho một số tình trạng nhất định như các gene nổi trội về chiều cao, trí thông minh - không ngừng diễn ra từ khi các kỹ thuật CRISPR ra đời.
“Thiết kế em bé” - những đứa trẻ được sinh ra với các gene nổi trội từng chỉ có trong khoa học viễn tưởng nhưng giờ đây đã là điều khả thi sau khi He Jiankui - làm việc tại Đại học Khoa học và Công nghệ miền Nam Trung Quốc cùng cố vấn của mình Michael Deem - một nhà vật lý học tại Đại học Rice đã tuyên bố tại Hội nghị Thượng đỉnh quốc tế lần thứ 2 về chỉnh sửa hệ gene người vào tháng 11/2018 về việc họ đã tạo ra em bé được can thiệp, chỉnh sửa gene đầu tiên trên thế giới.
Mặc dù kỹ thuật chỉnh sửa gene đã tạo ra rất nhiều tiếng vang nhưng một nghiên cứu mới được công bố tháng 11/2019 mới đây trên Tạp chí Tế bào đã giới thiệu một kỹ thuật được thay thế để tạo ra các “em bé thiết kế” bằng cách chọn phôi “ưu việt” thông qua quá trình sàng lọc DNA đầu tiên của chúng.
Sàng lọc di truyền chưa thể tiết lộ phôi nào sẽ phát triển thành đứa trẻ thông minh nhất.
Kỹ thuật đó gọi là “xét nghiệm di truyền tiền ghép” (viết tắt PGT) để sàng lọc phôi được tạo ra thông qua thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Các bác sĩ sử dụng PGT để phát hiện các đột biến di truyền có thể gây ra các tình trạng mắc bệnh tật do di truyền và chọn các tế bào có gene nổi trội như chiều cao, trí thông minh.
Đồng tác giả Shai Carmi đã cùng các đồng nghiệp sử dụng kết hợp dữ liệu di truyền, mô hình máy tính và nghiên cứu trường hợp thực tế để phân tích xem liệu các nhà khoa học có thực sự sử dụng PGT để chọn lọc các gene trội để thiết kế một em bé. “Nếu chúng ta nhìn vào ảnh chụp nhanh về những gì chúng ta có thể đạt được ngày nay với công nghệ chỉnh sửa gene thì thành tựu đạt được vẫn khá hạn chế, đặc biệt đối với IQ”, TS. Carmi cho biết. Theo mô hình của nhóm, trong trường hợp can thiệp để lựa chọn, phôi được sàng lọc các gene tăng cường chiều cao có thể chỉ tăng trung bình khoảng 1,2 inch (3cm) chiều cao. Trung bình phôi được sàng lọc về mặt trí tuệ chỉ đạt được khoảng 3.0 điểm IQ. Trên thực tế, kết quả đạt được có thể ít hơn nữa và không ai có thể đảm bảo. Nói cách khác, “IQ của đứa trẻ thiết kế có thể sẽ thấp hơn hoặc cao hơn nhiều so với những gì được mong đợi”, theo TS. Carmi - “Bởi vì không có điều gì chắc chắn”.
Nghiên cứu thực tế trên 28 hộ gia đình với dữ liệu di truyền của mỗi gia đình, các nhà nghiên cứu đã đưa ra dự đoán về việc đứa trẻ nào sẽ có chiều cao cao nhất so với anh chị em, sau đó các nhà khoa học tiến hành kiểm tra chiều cao của chúng trên thực tế. TS. Carmi cho biết: “Dù những đứa trẻ được dự đoán trên máy tính sau khi phân tích, có chiều cao thực sự cao hơn so với anh chị em của mình nhưng số chiều cao chênh lệch cũng không đáng kể”. Ngay cả trong các mô hình mô phỏng, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện chiều cao thực sự của đứa trẻ thiết kế có thể thay đổi khoảng 2 - 4 inch (từ 5 - 10cm) so với giá trị dự đoán. IQ có thể thay đổi gần 20 điểm theo cả hai hướng tăng lên và giảm đi.
Giá trị đích thực của sàng lọc di truyền
Ngoài sự không chắc chắn vốn có của di truyền học thì các yếu tố khác cũng che mờ độ chính xác dự đoán của điển số đa gene về chiều cao, IQ. Các điều kiện như môi trường, chế độ dinh dưỡng, giáo dục cũng định hình sự phát triển về thể chất, nhận thức của trẻ và không thể nắm bắt được qua sàng lọc di truyền.
Một cặp vợ chồng trẻ có thể sản xuất 5 - 8 phôi thông qua IVF nhưng sau tuổi 35, người phụ nữ chỉ có thể sản xuất 1 hoặc 2 phôi. Bên cạnh số lượng ít phôi, khoảng 40% phôi của những phụ nữ trên 35 tuổi có thể chứa số nhiễm sắc thể bất thường. Với phụ nữ trên 43 tuổi, khoảng 90% phôi IVF có thể mang quá nhiều hoặc quá ít nhiễm sắc thể. Vào thời điểm này, việc lựa chọn phôi nổi trội về chiều cao hoặc trí thông minh là không chắc chắn. Ngay cả khi hạn chế sinh học này không tồn tại thì các bậc cha mẹ thường quan tâm đến việc con cái mình sinh ra khỏe mạnh hơn là chọn lọc phôi để sinh ra những đứa trẻ thiết kế nổi trội về chiều cao và trí thông minh.
Các nhà khoa học thường xuyên sử dụng kỹ thuật PGT để sàng lọc phôi để sớm phát hiện những đột biến gene đơn hoặc nhiễm sắc thể bất thường để dự đoán nguy cơ trẻ sinh ra mắc hội chứng Down, xơ nang, loạn dưỡng cơ hoặc hội chứng Fragile X. Các bậc cha mẹ hy vọng việc thử nghiệm di truyền sẽ giúp loại bỏ các nguy cơ khuyết tật, các bệnh di truyền hơn là tùy chỉnh chiều cao của con mình. TS. Carmi cho biết: “Nếu cả hai cha mẹ đều là người mang mầm các bệnh di truyền thì PGT là cách duy nhất để đảm bảo họ không truyền bệnh cho con cái của mình. Vì vậy, trong khi cha mẹ chưa thể tùy chỉnh chiều cao, trí thông minh của con mình thì họ có thể sử dụng sàng lọc di truyền để cải thiện sức khỏe của con cái họ trong tương lai”.