Hà Nội

Thiết bị định vị, ghi âm máy bay mất tích không được kích hoạt

11-03-2014 09:50 | Quốc tế
google news

Boeing 777-200 là loại máy bay tầm trung xa hiện đại, sử dụng các trang thiết bị điện tử tiên tiến ADIRS để phân tích dữ liệu không khí và xác định quán tính máy bay. Hệ thống bay tự động AFDS với độ tin cậy cao hỗ trợ đắc lực cho phi công trên mỗi chuyến bay đường dài. Với thiết kế như vậy nên đây

Boeing 777-200 là loại máy bay tầm trung xa hiện đại, sử dụng các trang thiết bị điện tử tiên tiến ADIRS để phân tích dữ liệu không khí và xác định quán tính máy bay. Hệ thống bay tự động AFDS với độ tin cậy cao hỗ trợ đắc lực cho phi công trên mỗi chuyến bay đường dài. Với thiết kế như vậy nên đây là một trong những mẫu máy bay an toàn nhất trong lịch sử hàng không. Do đó, việc chiếc máy bay Boeing 777-200 số hiệu MH370 biến mất một cách đột ngột là một hiện tượng bất thường.

Một chiếc Boeing 777-200 của Hãng hàng không Malaysia - Ảnh minh họa

Một cán bộ có thời gian dài bảo dưỡng máy bay Boeing 777-200 tại Việt Nam nhận định trong trường hợp máy bay gặp tai nạn, việc đầu tiên phải làm là tìm kiếm, xác định vị trí máy bay nhờ vào thiết bị khẩn nguy ELT gắn trên máy bay. Thiết bị này phát tín hiệu để thông báo vị trí và các thông tin của máy bay trên sóng HF, VHF và vệ tinh. Tuy nhiên, ELT chỉ hoạt động trong các trường hợp phi công chủ động bật hệ thống hoặc máy bay tự động kích hoạt hệ thống khi cảm nhận vận tốc giảm rất đột ngột, chẳng hạn va chạm với chướng ngại vật.

Boeing 777-200 cũng được trang bị hộp đen (gồm máy ghi âm buồng lái - CRV và máy ghi dữ liệu chuyến bay - DFDR hoặc FDR). Cả hai đều hoạt động bằng điện lấy từ máy phát sản sinh điện ở động cơ máy bay. Hộp đen được gắn ở nơi an toàn nhất trên máy bay, thường là ở phần đuôi, để giảm thiểu tác động khi máy bay rơi. Gắn cùng với hộp đen là thiết bị đèn báo dưới nước (ULB) có chức năng phát sóng siêu âm theo tần suất 1 lần/giây để báo vị trí của FDR. Theo cơ chế hoạt động, ULB kích hoạt tự động khi bị rơi xuống nước. Thiết bị này có khả năng phát tín hiệu được trong 30 ngày và chỉ trong khoảng cách chưa đến 4 km so với vị trí của máy bay. Hộp đen được thiết kế để ghi lại toàn bộ dữ liệu hoạt động của máy bay, có thể ghi được từ 100-700 thông số, cho phép các nhà điều tra có đầu mối để xác định nguyên nhân sự cố. Vỏ hộp đen được làm bằng vật liệu siêu cứng, chống va đập và không bắt lửa; có thể chịu được nhiệt độ lên đến hơn 1.000 độ C hoặc ngâm dưới độ sâu hơn 6.000 m nước biển trong 30 ngày nên trong nhiều trường hợp tai nạn máy bay thảm khốc, người ta vẫn có thể tìm được hộp đen còn khá nguyên vẹn.

Còn thiết bị ghi âm buồng lái được gắn trên tất cả các máy bay thương mại để lưu lại mọi liên lạc, trao đổi của phi hành đoàn và tiếng động được phát ra trong buồng lái. Tùy loại máy bay, thiết bị ghi âm buồng lái có khả năng ghi âm liên tục từ 30 phút đến 2 giờ về nội dung trao đổi cuối cùng của phi hành đoàn. Đối với Boeing 777-200, máy ghi âm buồng lái ghi được 2 giờ liên tục.

“Do chiếc MH370 không kích hoạt các thiết bị định vị lại biến mất trên màn hình radar nên giới kỹ thuật cũng không thể hiểu nổi tại sao” - chuyên gia trên nhận xét.

Theo báo song ngữ của Malaysia The Malaysian Insider, chính quyền Malaysia xác nhận vệt dầu loang tìm thấy cách 100 hải lý từ bờ biển Kelantan không phải từ chuyến bay số hiệu MH 370 mất tích. Đô đốc Hải quân Datuk Nasir Adam, phụ trách vùng phía Đông của Cơ quan Thực thi Hàng hải Malaysia, nói rằng các mẫu đó thực ra là từ một chiếc tàu thủy.

 

 


Ý kiến của bạn