Bảo vệ trái tim mãi mãi
Một trong những người đầu tiên được hưởng lợi từ thủ thuật này là Cựu Giám đốc ngành công nghiệp điện ảnh John O’Toole, 83 tuổi, người đã phẫu thuật bắc cầu động mạch vành cách đây 5 năm. Trước đó, vào năm 2011, ông được chẩn đoán mắc bệnh tim sau khi cảm thấy mệt mỏi, hụt hơi lúc đi bộ lên đồi. Vào năm 2013, khi chụp Xquang mạch máu, bác sĩ cho biết hai động mạch tim của ông đã bị tắc hoàn toàn và hai động mạch khác bị tắc 60%. Tình trạng của ông rất nguy hiểm và có thể tử vong bất cứ khi nào. Chính vì vậy, để điều trị, ông đã được thực hiện biện pháp bắc cầu động mạch vành (CABG). Đây là một trong những phẫu thuật được thực hiện phổ biến nhất của Dịch vụ Y tế quốc gia Anh (NHS) với 26.000 trường hợp mỗi năm. Tuy nhiên, tỷ lệ thất bại của CABG cao, với nhiều bệnh nhân cần phẫu thuật lặp lại sau ít hơn 10 năm. Phương pháp mới được thực hiện thành công lại có thể bảo vệ tĩnh mạch ghép suốt đời.
Bác sĩ phẫu thuật tim David Taggart - người đứng đầu nghiên cứu tại Bệnh viện John Radcliffe ở Oxford, Anh cho biết, đây là điều trị tiên phong và được coi như là “người bảo vệ” cho các động mạch được nối khi thực hiện CABG. Riêng đối với ông John O’Toole, trong suốt những năm qua, ông được kiểm tra sức khỏe thường xuyên và bác sĩ cho biết, thiết bị bảo vệ tĩnh mạch ghép vẫn còn tốt như mới giúp ông không còn canh cánh nỗi lo đột quỵ nữa.
Mô phỏng thiết bị định hình bảo vệ mạch ghép tại tim.
Vì sao tĩnh mạch ghép cần được bảo vệ?
Bệnh tim xảy ra khi việc cung cấp máu cho cơ quan này bị hạn chế do các động mạch cung cấp cho nó bị tắc nghẽn, dẫn đến các bộ phận của cơ tim bị thiếu oxy, gây đau thắt ngực hoặc một cơn đau tim có khả năng gây tử vong. Trong các trường hợp này, biện pháp CABG được áp dụng bằng cách lấy các tĩnh mạch khỏe mạnh từ chân và cấy chúng vào tim. Các tĩnh mạch này hoạt động như các động mạch thay thế, chuyển hướng dòng máu xung quanh các động mạch bị tắc và cải thiện nguồn cung cấp oxy cho tim. Tuy nhiên, tĩnh mạch chân không được thiết kế để đáp ứng được với áp suất cao khi máu từ tim bơm qua do thành tĩnh mạch của chúng mỏng hơn so với các động mạch. Bên cạnh đó, huyết áp cũng là nguyên nhân gây tổn hại đến mạch máu và tim do dễ hình thành của các cục máu đông, ngăn chặn việc cung cấp máu cho tim nên cũng tác động không tốt đến mạch ghép.
Theo số liệu thống kê thì sau phẫu thuật 1 năm, ước tính khoảng 15% tĩnh mạch ghép có tổn thương đáng kể, con số này ở 5 năm là 40% và sau 1 thập kỷ là 60%. Các tổn thương này bao gồm căng giãn, phồng to hay hình thành cục máu đông khiến lòng mạch máu bị tái thu hẹp khiến người bệnh phải đối diện với nguy cơ phải thực hiện cuộc phẫu thuật tim mở lần thứ hai. Chính vì vậy, nếu được bảo vệ bằng cách nào đó thì sự suy giảm chức năng của tĩnh mạch ghép không xảy ra và người bệnh cũng sẽ tránh được phẫu thuật tim nguy hiểm này.
Thiết bị bảo vệ được thiết kế như thế nào?
Sau thời gian dài nghiên cứu và tìm hiểu, các nhà khoa học Anh đã chế tạo thành công thiết bị bảo vệ mạch ghép làm từ kim loại và nhựa dưới hình dạng ống lưới để bao bọc xung quanh mạch ghép. Ống lưới này được thiết kế với kích thước rất nhỏ, phù hợp với độ rộng của tĩnh mạch và được phủ bên ngoài mạch ghép ngay trong thời gian thực hiện CABG. Điều này có nghĩa là người bệnh cùng lúc được điều trị bệnh và được thực hiện biện pháp bảo vệ mà không cần thêm cuộc phẫu thuật nào nữa. Hiện nay, đã có 60 người bệnh từ các đơn vị phẫu thuật tim trên toàn nước Anh đã được thực hiện biện pháp này. Tony De Souza - bác sĩ phẫu thuật tại Royal Brompton cho biết, ý tưởng định hình mạch ghép bằng dụng cụ bảo vệ là một giải pháp hiệu quả bởi nó giúp người bệnh ngăn ngừa được nguy cơ tái phát hẹp, tắc nghẽn động mạch gây tổn hại tim trong suốt cuộc đời.