Thiết bị chẩn đoán nhanh ung thư: Có đáng tin?

16-12-2015 06:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Nắm bắt được tâm lý của nhiều người dân lo lắng cho sức khỏe của mình, trên nhiều trang mạng xã hội cũng như tại một số quầy buôn bán trang thiết y tế rao bán có bán thiết bị chẩn đoán ung thư nhanh. Tuy nhiên, theo các chuyên gia về ung thư cũng như nhà quản lý về trang thiết bị y tế thì không có một sản phẩm/thiết bị nào thần kỳ đến mức có thể chẩn đoán nhanh trong vòng 5-10 phút tế bào ung thư trong cơ thể mỗi người...

Bộ Y tế chưa cấp phép cho que thử nhanh nào có thể xác định được ung thư

Hiện trên thị trường đang có nhiều loại que thử UT, HIV, viêm gan B, viêm gan C được quảng cáo là có xuất xứ từ Nhật Bản, Canada, Trung Quốc, Hàn Quốc, Pháp... với giá từ 250.000 - 550.000đ/que (loại dùng một lần) hoặc 1.750.000đ/que (loại dùng nhiều lần). Đối với que thử ung thư thực chất là một bộ sản phẩm bao gồm que test và dung dịch để thử phản ứng. Theo lời quảng cáo, chỉ cần khoảng từ 5ml dung dịch nước tiểu hoặc máu, test trong thời gian từ 5-15 phút là có thể biết chính xác một người có bị mắc bệnh ung thư hay không.

Que thử ung thư bán tràn lan.

Trả lời phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống chiều ngày 15/12 về thông tin loại que thử ung thư được rao bán trên thị trường với chức năng phát hiện ung thư nhanh chóng, ThS. Nguyễn Minh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị & Công trình y tế (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay không có bất kỳ một loại que thử nào có thể xác định được ung thư do Bộ Y tế cấp phép mà chỉ có duy nhất 2 loại que thử định tính phát hiện các chất trong máu có thể là dấu hiệu nhận biết ung thư. Đó là que thử: Bionline AFP ( phát hiện định tính AFP trong huyết tương hoặc huyết thanh người) và que thử Bionline CEA (phát hiện định tính trong huyết tương hoặc huyết thanh người) đã được Bộ Y tế cấp phép.

Tuy nhiên, theo ThS. Nguyễn Minh Tuấn, khi phát hiện những chất này trong máu thì vẫn chưa đủ cơ sở để khẳng định người đó có mắc bệnh ung thư hay không mà phải cần đến các xét nghiệm lại, xét nghiệm sinh thiết cũng như là dựa vào kết quả chẩn đoán từ hình ảnh để xác định người đó có chính xác bị mắc bệnh ung thư hay không. Cũng theo ThS. Tuấn, để chẩn đoán một người có bị ung thư hay không phải làm rất nhiều xét nghiệm và kỹ thuật. Các phương pháp này thông thường phải được tiến hành tại bệnh viện hoặc các trung tâm y tế có các thiết bị hiện đại mới có thể tìm được, chứ người dân không nên tự ý mua về sử dụng tại nhà.

Không nên cả tin

Theo nhiều chuyên gia y tế, hầu hết các sản phẩm que thử ung thư đang được bày bán trên thị trường đều có nguồn gốc từ nước ngoài, chưa có tài liệu nào công bố về độ chính xác, chưa được cơ quan chức năng nào khẳng định về chất lượng.

Về quá trình chẩn đoán bệnh ung thư, GS.TS. Nguyễn Bá Đức - nguyên GĐ BV K Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam cho rằng, ung thư có ở tất các bộ phận trong cơ thể nên bị ung thư ở bộ phận nào dễ biểu hiện ở bộ phận đó. Khi có các dấu hiệu bất thường trên cơ thể thì nên đi khám; ví dụ vết loét trên da, lưỡi, niêm mạc miệng... Thường thì 1 vết viêm loét thì điều trị khoảng 1 tuần là khỏi. Nếu vết loét kéo dài dai dẳng mãi không khỏi hay ho dai dẳng, tức ngực kéo dài nhiều tháng thì nên đi khám. Hay ở phụ nữ, không phải ngày hành kinh mà ra máu bất thường hoặc có u cục ở vú, nách, bẹn thì nên đi khám. Gầy sút cân nhanh cũng là dấu hiệu chung của các bệnh ung thư, theo đó, trong vòng 6 tháng mà sút cân nhanh chóng thì cần đi khám ngay. Hoặc các nốt ruồi đổi màu, to lên thì cũng nên đi khám. Tùy vào loại ung thư mà có cách kiểm tra, sàng lọc khác nhau. Ví như đối với ung thư vòm họng thì chỉ việc lấy tế bào tại các vết loét trong miệng. Ung thư dạ dày thì phải nội soi...

Theo GS. Đức, để biết chính xác một người có mắc căn bệnh ung thư hay không họ phải đến cơ sở y tế có uy tín kiểm tra theo một quy trình y học chặt chẽ từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, từ cận lâm sàng đến lâm sàng. Tại các cơ sở y tế, với phương tiện kỹ thuật ngày càng hiện đại, việc chẩn đoán ung thư ngày càng nhanh và chính xác hơn. Ngoài khám lâm sàng, bệnh nhân có thể được chỉ định đi chụp Xquang, chụp nhiệt, siêu âm hay chụp cắt lớp vi tính, chẩn đoán tế bào học hoặc làm các xét nghiệm huyết học... Các công đoạn này là vô cùng cần thiết, giúp bệnh nhân hiểu rõ về giai đoạn bệnh của mình.

“Tôi khuyên người bệnh khi có các dấu hiệu bệnh tật nên đến các bệnh viện và trung tâm uy tín để thực hiện các biện pháp xét nghiệm cần thiết, không nên tin và làm theo những lời quảng cáo về những sản phẩm trôi nổi, chưa được kiểm định và cấp phép lưu hành trên thị trường, tránh tình trạng “tiền mất, tật mang”, vừa gây hại cho sức khoẻ. Người bệnh nên đến với thầy thuốc để được khám và điều trị sớm; nên tin tưởng vào thầy thuốc, không nên đi tìm các phương thuốc phản khoa học gây khó khăn trong điều trị.”- GS. Nguyễn Bá Đức khuyến cáo.


Thái Bình
Ý kiến của bạn