Thiết bị cấy ghép mang thuốc thẳng đến tim: Cơ hội phục hồi nhanh sau nhồi máu cơ tim

12-07-2018 06:30 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Khi thoát khỏi cơn nhồi máu cơ tim, người bệnh thường có những tổn thương tim nhất định, có thể dẫn tới suy tim.

Tuy nhiên, với thiết bị mới mang thuốc thẳng đến tim để sửa chữa mô tim thương tổn sẽ mở ra cơ hội mới cho hàng triệu người trên khắp thế giới không bị biến chứng này.

Các phương pháp đang được áp dụng

Nhồi máu cơ tim xảy ra khi mảng xơ vữa gây hẹp, tắc trong lòng động mạch đưa máu đến nuôi cơ tim. Mức độ nặng, nhẹ của bệnh tùy thuộc vào khối lượng cơ tim bị chết hoặc chưa phục hồi chức năng sau khi bị bệnh. Nếu vùng cơ tim bị ảnh hưởng nhỏ thì ít ảnh hưởng tới hoạt động của toàn bộ quả tim. Ngược lại, khi khối lượng cơ tim bị tổn thương lớn thì làm cho khả năng bơm máu của tim yếu đi (suy tim), ảnh hưởng đến hoạt động thể lực của người bệnh. Sau khi bị nhồi máu cơ tim, tại vùng trung tâm ổ nhồi máu xuất hiện vùng cơ tim bị tổn thương vĩnh viễn trở thành sẹo. Vùng cơ tim ở xung quanh do không bị tổn thương nặng chưa chết nhưng không hoặc hoạt động yếu thì trái tim sẽ tự phục hồi dần nhưng có thể gây ra lỗi như làm hẹp hay đóng hoàn toàn các động mạch cần phải mở rộng. Do đó, người bệnh vẫn cần đến sự hỗ trợ.

Mô phỏng thiết bị đưa thuốc thẳng đến tim để phục hồi vùng tim bị tổn thương sau nhồi máu.

Mô phỏng thiết bị đưa thuốc thẳng đến tim để phục hồi vùng tim bị tổn thương sau nhồi máu.

Hiện nay, có 2 phương pháp đang được áp dụng để hồi phục tim sau nhồi máu là sử dụng thuốc và phẫu thuật. Với các loại thuốc theo đường uống như các chất ức chế ACE (chẳng hạn như lotensin hoặc altace) để ngăn ngừa cục máu đông làm hẹp lòng động mạch nhưng có nguy cơ gặp tác dụng phụ (ho, hạ huyết áp, phù mạch, phát ban da, suy thận cấp, rối loạn vị giác…) lớn mà người bệnh có thể không được dùng liều đủ cao để chắc chắn thuốc phát huy tác dụng. Bên cạnh đó, thuốc không tập trung tại mô bị tổn thương đủ lâu để sửa chữa và tạo ra sự khác biệt.

Với phẫu thuật để tiêm thuốc trực tiếp vào cơ tim cũng gây ra những rủi ro nghiêm trọng cho người bệnh. Chính vì vậy, một nhóm nhà nghiên cứu quốc tế đến từ Mỹ, Ireland do Đại học Harvard, Mỹ dẫn đầu đã phát triển thành công thiết bị mới giúp đưa thuốc thẳng đến tim mà không cần nhiều lần phẫu thuật cũng như đảm bảo thuốc được tập trung và phát huy hiệu quả điều trị.

Cấu tạo của thiết bị

Thiết bị mới có tên gọi là Therepi bao gồm một số dụng cụ cơ bản: Một miếng dán nhỏ được gắn trực tiếp vào mô tim bị tổn thương được làm bằng vật liệu sinh học giống như bọt biển chứa và giải phóng các liệu pháp thông qua bề mặt thấm; một đường nạp thuốc kết nối giữa miếng dán cũng là “hồ” chứa thuốc với một cổng đưa thuốc vào cơ thể ở trên hoặc dưới da của bệnh nhân. Mô hình này có nghĩa là nguồn chứa thuốc trở thành một “nhà máy di động”, giữ cho các tế bào ở đúng vị trí để tạo ra các thành phần quan trọng nhằm chữa lành mô tim bị tổn thương thay vì đi qua màng vào tim. Bên cạnh đó, thiết kế này cũng tạo điều kiện cho người bệnh được nạp lại thuốc hay các liệu pháp khác khi cần thiết một cách dễ dàng, thuận tiện để điều trị hậu quả của nhồi máu cơ tim.

Trong một nghiên cứu tiền lâm sàng, các nhà nghiên cứu đã chứng minh rằng Therepi có thể làm tăng chức năng tim trong hơn 4 tuần khi tế bào gốc liên tục được truyền đến hồ chứa. Đây được coi là bước đột phá trong việc cung cấp thuốc nhắm mục tiêu và có thể được mở rộng điều trị cho các bệnh lý khác như đái tháo đường. GS. Ellen Roche - đồng tác giả nghiên cứu tại Viện công nghệ Massachusetts (MIT) cho biết, sau khi bị nhồi máu cơ tim, người bệnh có thể được sử dụng thiết bị này để ngăn ngừa tiến triển thành suy tim và đây mới chỉ là ứng dụng đầu tiên của nó.

Người bệnh hưởng lợi gì từ thiết bị mới?

Hàng năm, có khoảng 16 triệu người trên toàn thế giới bị nhồi máu cơ tim. Hầu hết những người sống sót sau nhồi máu cơ tim cuối cùng đều phát triển suy tim gây ra tình trạng hoạt động thể chất hạn chế kèm theo cơ thể mệt mỏi, suy nhược và đau đớn trong thời gian dài. Để giải quyết tình trạng này, Therepi đã được chứng minh thành công trên chuột với chức năng chính là truyền tải thuốc hay các liệu pháp khác đến thẳng mô tim bị tổn thương để sửa chữa và phục hồi, giúp người bệnh tránh được nguy cơ suy tim và cải thiện chất lượng sống. Ngoài ra, TS. William Whyte - đồng tác giả nghiên cứu còn cho biết, vật liệu sử dụng để chế tạo “hồ” chứa thuốc rất quan trọng, đó phải là vật liệu dễ uốn, có thể định hình lại để cho phép nhiều loại thuốc đi trực tiếp vào mô tim và duy trì liệu pháp chính xác nơi cần điều trị. Do đó, với thiết bị này, các nhà khoa học đã mở ra hướng nghiên cứu mới để tìm hiểu thêm về liều tốt nhất, thời điểm tốt nhất và chế độ tải thuốc tốt nhất áp dụng cho người sau nhồi máu cơ tim để đạt được hiệu quả điều trị mong muốn.


Lê Mỹ Giang
Ý kiến của bạn